(Tổ Quốc) - Tiếp theo Chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 7, chiều 8/6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về Chủ trương đầu tư về Chương trình MTQG về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.
- 03.06.2024 Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa: Khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa
- 03.06.2024 Trình Quốc hội Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025-2035
- 29.05.2024 Đại biểu Quốc hội đề nghị quan tâm bố trí đúng, đủ nguồn lực cho Chương trình MTQG về phát triển văn hóa
- 29.05.2024 ĐBQH kỳ vọng Chương trình MTQG về phát triển văn hóa sẽ tạo bước chuyển mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa
Nhận thức rất rõ nhu cầu về việc tăng cường các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa, về lý luận, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc là mục tiêu quan trọng của đất nước ta trong giai đoạn hiện nay.
"Về thực tiễn, qua làm việc với địa phương, cơ sở, với chuyên gia và giới văn nghệ sĩ, chúng tôi nhận thức rất rõ nhu cầu về việc tăng cường các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa và con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay" - đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa cho hay.
Nữ đại biểu cũng cho biết thêm, trong giai đoạn trước, đã có một số Chương trình MTQG về văn hóa. Thông qua các Chương trình này, nhiều di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt quan trọng đã được hỗ trợ tu bổ, tôn tạo tổng thể; nhiều di sản văn hóa phi vật thể được sưu tầm, bảo tồn và phát huy.
Chương trình cũng đã hỗ trợ xây dựng và cấp trang thiết bị hoạt động cho các trung tâm văn hóa cấp huyện và nhà văn hóa - thể thao cấp xã, thôn…
Từ năm 2020 đến nay, cả nước chỉ còn 3 Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các chương trình này cũng có nội dung liên quan đến văn hóa nhưng chưa bao quát hết các lĩnh vực, đối tượng.
"Các chuyên gia, văn nghệ sĩ, các địa phương đều khẳng định rất cần một chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa mang tính tổng thể để đầu tư cho văn hóa trong giai đoạn hiện nay" - đại biểu Mai Thoa chia sẻ.
Các nội dung thành phần mà Chương trình đề xuất đều rất quan trọng và cần thiết
Trình bày trước Quốc hội vào ngày 3/6, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, Chương trình MTQG về phát triển văn hóa bao gồm 10 nội dung thành phần, ngoài nội dung 10 liên quan đến công tác quản lý nhà nước, 9 nội dung còn lại gồm: (1) Phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp, đến xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; (2) Phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ, hiệu quả; (3) Nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa; (4) Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; (5) Thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật; (6) Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; (7) Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực văn hóa; (8) Phát triển nguồn nhân lực văn hóa; (9) Hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, các nội dung thành phần mà Chương trình đề xuất đều rất quan trọng và cần thiết, đã được thảo luận, đánh giá kỹ về nhu cầu thực tiễn phát triển văn hóa và con người Việt Nam.
"Sở dĩ chúng ta cần nguồn lực từ Chương trình MTQG chứ không phải các dự án đầu tư công thông thường bởi trong cơ cấu đầu tư của các địa phương, các dự án cơ sở hạ tầng giao thông, phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ… thường được ưu tiên hơn. Nếu không được xác định một khoản đầu tư có mục tiêu riêng thì đầu tư cho văn hóa, thể thao chưa nhận được sự quan tâm xứng đáng với vai trò, tầm quan trọng và tạo ra được bước đột phá trong phát triển lĩnh vực này" - đại biểu nhấn mạnh.
Cũng theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, về cơ bản, cơ chế quản lý của Chương trình MTQG về phát triển văn hóa được thiết kế phù hợp với cơ chế quản lý của 3 Chương trình MTQG đang thực hiện và rút kinh nghiệm từ những bài học thực tiễn mà Đoàn giám sát của Quốc hội đã chỉ ra. Tuy vậy, số lượng văn bản hướng dẫn giao cho các bộ, ngành ban hành còn khá nhiều, có thể gây khó khăn cho cán bộ thực thi cấp xã.
Vì vậy, để bảo đảm chương trình đáp ứng yêu cầu dễ thực hiện, dễ quản lý và đạt hiệu quả cao, nữ đại biểu cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu để giảm bớt số lượng văn bản hướng dẫn; đồng thời cần cấu trúc, phân nhóm nhiệm vụ, phân cấp quản lý rõ ràng đối với các cấp Trung ương, tỉnh, huyện, xã, các cơ quan trong bộ máy nhà nước, tránh trùng lặp, chồng chéo, xung đột, bảo đảm gọn, rõ thẩm quyền, không có quá nhiều đầu mối./.
Tạo ra sự chuyển biến căn bản, to lớn trong sự nghiệp phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam
"Nếu được Quốc hội thông qua, đây sẽ là Chương trình có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo động lực, nguồn lực cho sự phát triển của văn hóa, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời truyền bá, lan tỏa và phát huy những giá trị của văn hóa Việt Nam ra thế giới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để làm sâu sắc hơn các giá trị văn hóa của dân tộc, cụ thể hóa quan điểm văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội. Việc xây dựng và triển khai thành công Chương trình sẽ tạo ra sự chuyển biến căn bản, to lớn trong sự nghiệp phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới" - ĐBQH Nguyễn Hải Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp).
Kỳ vọng tạo bước đột phá trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh
"Hy vọng Chương trình MTQG về phát triển văn hóa sẽ chú trọng đến giới trẻ, tạo ra được bước đột phá trong xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao chất lượng cuộc sống, năng lực thụ hưởng và tham gia chủ động vào hoạt động sáng tạo văn hóa của nhân dân, xây dựng tư tưởng, đạo đức và lối sống lành mạnh, văn minh, góp phần giữ vững trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước" - Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh).