(Tổ Quốc) - Đại biểu Quốc hội cho rằng văn hoá học đường phải được xây dựng trong thời gian dài và có nền tảng, những quyết định chưa thoả đáng sẽ kéo đến các chuẩn mực giá trị thay đổi, văn hoá học đường sẽ thay đổi.
Sáng 31/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Lý do chính để học sinh quậy phá là do muốn được mọi người biết đến mình
Nêu ý kiến về vấn đề bạo lực học đường đang được cử tri kiến nghị phải có giải pháp, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho rằng, ai cũng từng trải qua giai đoạn là học sinh, ai cũng muốn hòa đồng với các bạn, muốn được động viên, được thể hiện bản thân, học sinh có học lực yếu thì thường có xu hướng bạo lực.
"Theo tôi, lý do chính để học sinh quậy phá là do muốn được mọi người biết đến mình, cái mà học sinh khá, giỏi luôn có được. Trẻ em sinh ra, cháu nào cũng có năng khiếu trong một lĩnh vực nào đó, không giỏi toán, lý, hóa thì là văn, sử, địa, không giỏi ngoại ngữ, tin học thì là âm nhạc, hội hoạ, thể thao. Thầy cô và gia đình cần quan tâm, phát hiện và bồi dưỡng để cháu nào cũng giỏi được một số môn, được công nhận năng lực", đại biểu nói.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị ngành giáo dục có quy chế để học sinh có cơ hội, dù là hoạt động cá nhân hay trong nhóm, được xuất hiện mỗi tháng một lần trước lớp, mỗi năm một lần trước trường để thể hiện bản thân, để được hòa nhập với các bạn, thỏa mãn được mong muốn công nhận thì các cháu sẽ không có xu hướng bạo lực.
Điều này cũng giúp học sinh có thêm kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng trình bày trước đám đông mà hiện nay học sinh, sinh viên còn thiếu, giúp hình thành thói quen tốt trong làm việc nhóm sau này, là tuân thủ thời gian làm việc, tôn trọng ý kiến đã thống nhất, đặt lợi ích chung lên trước để đạt mục tiêu giúp chúng ta vượt qua được quan niệm là "một người Việt làm hơn một người khác nhưng nhiều người Việt làm nhóm thì lại thua những nhóm khác".
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nêu thực trạng nữa là hiện nay, con cái hay cãi lại lời khuyên của cha mẹ, dù là lời khuyên đúng. Theo đại biểu, một trong những lý do là cha mẹ dạy con quá nhiều thứ mà không chọn lựa thứ tự ưu tiên, có nhiều việc đúng ra là nhiệm vụ của nhà trường.
Nhiều trường hợp cha mẹ nói con không nghe nhưng cũng lời nói đó thì thầy cô nói các cháu lại vâng lời, nhưng thầy cô đó dạy con mình thì con mình lại không nghe. Điều này cho thấy, cần có sự phân định rõ ràng việc nào là trách nhiệm của gia đình, việc nào là trách nhiệm của nhà trường đối với trẻ.
"Tôi cũng đã từng trình bày là cha mẹ hay dạy con mình khôn hơn là dạy rõ đúng sai, vì vậy việc giáo dục các cháu điều hay lẽ phải thì hãy giao cho nhà trường vì thầy cô có kỹ năng sư phạm, công bằng hơn đối với tất cả học sinh sẽ giáo dục các cháu có suy nghĩ, lối sống, sinh hoạt hàng ngày chuẩn mực", đại biểu nói.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, cha mẹ nên tập trung chăm sóc, làm gương tốt trước mặt con, theo dõi nhắc nhở các con thực hiện những gì thầy cô đã dạy, "con ngoan thường là trò giỏi, con hư là trò hỏng", điều này cho thấy giữa nhà trường và gia đình cần có mối liên hệ chặt chẽ, nhà trường và gia đình đồng thuận thì chắc chắn các cháu sẽ vâng lời. Tránh trường hợp có sự khác nhau giữa giáo dục của nhà trường, cạch dạy của cha mẹ, thực tiễn ngoài xã hội, làm các cháu bị rối loạn nhân cách trong giai đoạn mà nhân cách các cháu chưa được định hình.
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) cho rằng vấn nạn bạo lực học đường và trẻ em bị xâm hại cũng đang ngày càng tăng lên. Đại biểu đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành phải có chính sách và tập trung tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ cho gia đình để cùng chung tay ngăn chặn tình hình bạo lực học đường cũng như xâm hại trẻ em.
"Đặc biệt trong tháng hành động của trẻ em hàng năm và năm 2023 này, tôi đề nghị các cấp, các ngành phải có Chương trình, Kế hoạch hoạt động cụ thể và tổ chức rộng khắp, thiết thực hướng về trẻ em nhằm ngăn chặn được thực trạng trên", đại biểu đề nghị.
Văn hóa học đường chưa được quan tâm đúng mức
Phát biểu tranh luận tại hội trường về vấn đề bạo lực học đường, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long) cho rằng, chúng ta đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới để hướng đến một nền giáo dục trong đó, học sinh phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, trở thành người học tích cực, tự tin, có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết.
Thế nhưng theo đại biểu, hiện nay, bạo lực học đường có những biểu hiện đáng lo ngại và những việc đau lòng của ngành giáo dục trong thời gian vừa qua phần nào đã nói lên văn hóa học đường chưa được quan tâm đúng mức, trong đó có nguyên nhân tư nhiều phía, từ gia đình, nhà trường và xã hội.
Đại biểu cho rằng những trường hợp này không phải là riêng lẻ của các địa phương mà là vấn đề mà ngành giáo dục và toàn xã hội phải cùng nhìn nhận để có giải pháp phối hợp và xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, trước khi nói đến trách nhiệm của các cá nhân trong mối quan hệ học đường thì những sự việc vừa qua đã cho thấy có trách nhiệm không nhỏ của xã hội, bởi những hành vi vượt tầm kiểm soát của nhà trường và của ngành giáo dục.
"Tuy nhiên cũng phải thẳng thắn nhìn nhận đây là trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường trong việc xây dựng các mối quan hệ trên cơ sở tình thương, sự bao dung, lòng vị tha, sự thẳng thắn, trung thực và trách nhiệm thông qua các hoạt động diễn ra trong nhà trường", đại biểu nói.
Từ nguyên nhân trên, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh đề xuất một số giải pháp.
Thứ nhất, đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đẩy mạnh các chương trình bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhất là hiệu trưởng. Hiệu trưởng phải có thế giới quan khoa học để hiểu rõ, nắm vững mục tiêu giáo dục, phải có khả năng cụ thể hóa thành các mục tiêu và những giá trị mà nhà trường hướng đến, phải xây dựng được các mối quan hệ trong nhà trường trên cơ sở tình thương, sự bao dung, lòng vị tha, sự thẳng thắn, trung thực và trách nhiệm.
Thứ hai, các trường sư phạm cần tăng cường đưa nội dung bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên vào nội dung bồi dưỡng thường xuyên, nhất là năng lực giao tiếp sư phạm và năng lực cảm hóa để giúp giáo viên nhận diện được những cảm xúc của học sinh, điều chỉnh quan hệ giao tiếp, ứng xử của các em hàng ngày và hàng giờ.
Thứ ba, cần đẩy mạnh việc tổ chức những chương trình ngoại khóa thiết thực, nhất là các hoạt động đối thoại để học sinh lắng nghe và chia sẻ quan điểm, cách nhìn của học sinh về những vấn đề được dự luận quan tâm. Đây là một hoạt động bổ ích để xây dựng các mối quan hệ, tạo sự đồng thuận giữa các thành viên trong nhà trường, để cùng hướng đến các giá trị văn hóa mà nhà trường đang xây dựng.
Thứ tư, cần quan tâm xây dựng tốt mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình. Theo đại biểu, trong mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình lâu nay, chúng ta đòi hỏi nhiều về trách nhiệm của phụ huynh mà quên rằng phụ huynh cũng cần phải hiểu về mục tiêu của nhà trường, phải có những thông tin minh bạch để tạo niềm tin. Chính điều đó đã hình thành những "phản ứng ngầm" thay vì cùng hướng đến các giá trị chung mà trong đó con em phụ huynh được thừa hưởng.
Thứ năm, văn hóa học đường phải được xây dựng trong thời gian dài và có nền tảng, những quyết định chưa thỏa đáng sẽ kéo đến các chuẩn mực giá trị thay đổi, văn hóa học đường sẽ thay đổi.