• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đại biểu Quốc hội: Vụ giá nước Sông Đuống "cần phải có cơ quan chức năng thẩm định"

Kinh tế 17/11/2019 09:58

(Tổ Quốc) - Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, ông không đề cập đến giá nước của Công ty CP nước mặt Sông Đuống cao hay thấp, nhưng theo ông, quan trọng là phải minh bạch, tính toán nghiêm túc và phải có cơ quan chức năng thẩm định để cho người dân biết.

Câu chuyện Hà Nội chấp thuận giá bán nước sạch tối đa từ Công ty CP nước mặt Sông Đuống là 10.246 đồng/m3, lộ trình tăng giá tối đa 7%/năm những ngày gần đây đã gây nhiều thông tin trái chiều, bởi mức giá này được cho là cao hơn mặt bằng chung của giá bán lẻ và cao gần gấp đôi so với giá nước sạch Sông Đà...

Tại buổi giao bán báo chí vừa qua, lý giải việc Hà Nội phải trợ giá hàng trăm tỷ đồng cho các doanh nghiệp phân phối nước sạch khi mua của Công ty CP nước mặt Sông Đuống, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Việt Hà trả lời khẳng định giá nước sạch sông Đuống được "tính đúng, tính đủ" theo các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Tài chính.

Đại biểu Quốc hội: Vụ giá nước Sông Đuống "cần phải có cơ quan chức năng thẩm định" - Ảnh 1.

(Nguồn: VietnamNet)

Ông Hà cho biết lãi vay cũng ảnh hưởng đến giá nước. Trong khi đó, nhà đầu tư dự án nhà máy nước mặt sông Đuống hiện vay 80% tổng vốn đầu tư, tương ứng số cụ thể là khoảng 3.995 tỷ đồng.

Về vấn đề này, ngày 18/4, Bộ Tài chính đã có văn bản số 4581/BTC-QLG về vướng mắc trong xây dựng phương án giá đối với nhà máy nước mặt sông Đuống.

Theo Bộ Tài chính, về đề xuất nguyên tắc xác định các yếu tố chi phí tạm thời trong cơ cấu giá: Tại khoản 1, điều 3 thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT quy định, giá tiêu thụ nước sạch phải tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất hợp lý, giá thành toàn bộ trong quá trình sản xuất, phân phối, tiêu thụ (bao gồm cả chi phí duy trì, đấu nối) để các đơn vị cấp nước duy trì và phát triển trên cơ sở các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật được cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật công bố hoặc ban hành và lợi nhuận định mức hợp lý của khối lượng nước thương phẩm do các tổ chức, cá nhận thực hiện một phần hoặc thực hiện tất cả các hoạt động khai thác, sản xuất, truyền dẫn, bán buôn và bán lẻ nước sạch…

Tuy nhiên, do dự án chưa quyết toán, không đủ cơ sở để xác định mức chi phí cụ thể, vì vậy, Bộ Tài chính nhất trí với nguyên tắc xác định mức giá tạm tính UBND TP Hà Nội đề xuất. Riêng với chi phí lãi vay, cần loại trừ các khoản vốn hóa vào giá trị tài sản theo quy định.

Trong công văn trả lời UBND TP Hà Nội ngày 14/11, Bộ Tài chính một lần nữa khẳng định: "Trong quá trình đầu tư, xây dựng, trường hợp chi phí vay phát sinh trong giai đoạn này đã được vốn hoá vào tài sản thì đã tính trong nguyên giá để khấu khao. Vì vậy, khi xác định giá nước sạch, đối với chi phí lãi vay cần loại ra phần chi phí lãi vay đã vốn hoá để tránh tính trùng chi phí".

Trước đó, UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị hướng dẫn vướng mắc về phương án cấp bù cho các đơn vị sản xuất và lưu thông nước sạch khi nhà máy nước mặt sông Đuống đi vào vận hành cấp nước.

Chia sẻ với Báo Điện tử Tổ Quốc về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Anh Trí cho rằng, ông không đề cập đến giá nước của Công ty CP nước mặt Sông Đuống cao hay thấp, nhưng theo ông, quan trọng là phải minh bạch, tính toán nghiêm túc và phải có cơ quan chức năng thẩm định để cho người dân biết.

Cụ thể, các đơn vị, cơ quan chức năng cần ngồi lại và xem xét. Phải rà soát từng mục một. Đặc biệt, việc xây dựng bảng giá, đầu mục phải rõ ràng. Đầu vào gồm những gì? Công xá, khấu hao... thế nào?

Cũng chia sẻ về vấn đề này, đại biểu Hoàng Văn Cường cho hay, về nguyên tắc, Hà Nội cấp nước cho dân thì hội đồng nhân dân phải thông qua giá nước, bởi đây là hàng hoá thiết yếu của người dân. Vì thế trách nhiệm này phải là của chính quyền.

"Trường hợp "anh" mua đắt, gây ra thất thoát lãng phí thì anh phải chịu trách nhiệm", đại biểu đoàn Hà Nội nói.

Phân tích cụ thể hơn, Zing.vn dẫn lời đại biểu Đỗ Văn Sinh cho biết, tất cả dịch vụ công, nếu cho tư nhân vào đầu tư thì phải đưa ra giá cả hợp lý nhất. Cùng với đó là phải minh bạch và phải có sự đồng tình và giám sát của người dân. Vì người dân phải trả tiền cho các dịch vụ đó thì doanh nghiệp phải cung cấp thông tin, đặc biệt là các danh mục đầu tư công hoặc các dịch vụ công mà Nhà nước xã hội hóa

Theo đại biểu Đỗ Văn Sinh, để rộng đường dư luận thì phải thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để làm rõ thông tin cũng như cách tính giá nước chứ không phải là chỉ bàn về khía cạnh kinh tế, kỹ thuật, môi trường. Ông cũng nêu vấn đề khi dư luận đặt câu hỏi tại sao Hà Nội phê duyệt giá mua nước của công ty này chênh lệch lớn so với đơn vị khác.  Vì thế, lãnh đạo Hà Nội phải có trách nhiệm giải trình bởi tiền ngân sách bù lỗ được lấy từ tiền thuế của dân.

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ