(Tổ Quốc) - Giá nước sạch tối đa của Công ty CP nước mặt Sông Đuống tạm tính năm 2017 là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế VAT), trong khi giá nước sinh hoạt ở Hà Nội được tính theo quyết định 38 của TP ban hành năm 2013, lộ trình từ ngày 1/10/2015 bán với giá 5.973 đồng/m3.
Những ngày gần đây, truyền thông đưa tin về việc Công ty CP nước mặt Sông Đuống bán, phân phối nước sạch ở Hà Nội với lưu lượng hơn 100.000m3/ngày đêm.
Cụ thể, tháng 7/2017, UBND TP Hà Nội có văn bản chấp thuận giá bán nước sạch tối đa của Công ty CP nước mặt sông Đuống tạm tính là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Việc chấp thuận tạm tính giá này cao hơn cả giá nước sạch bán cho người dân theo quy định của TP Hà Nội đang áp dụng.
Vấn dề này cũng đã được đưa ra tại buổi giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội ngày 12/11. Theo đó, trả lời câu hỏi về những thông tin liên quan đến giá nước của Công ty CP nước mặt Sông Đuống, ông Nguyễn Việt Hà - Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết, việc xác định giá 10.246 đồng/m3 chỉ là mức tạm tính tối đa, còn mức cụ thể sẽ được xác định sau khi nhà máy đi vào hoạt động và được quyết toán chính thức, khi đó chi phí sẽ được xác định một cách chính thức.
Trong thời gian tới, khi nhà đầu tư phải thực hiện triển khai quyết toán dự án và sẽ có kiểm toán đối với dự án đầu tư này, sau khi đơn vị quyết toán sẽ xác định được các chi phí chính thức và khi đó sẽ xác định được chính xác giá thành sản xuất của Công ty sông Đuống.
Trả lời câu hỏi về việc tại sao giá nước sông Đuống lại cao hơn sông Đà, ông Hà lý giải về nguyên tắc tính giá của các đơn vị là giống nhau, đều được thực hiện trên cơ sở Nghị định 117 và Thông tư 75, nhưng giữa các nhà máy có các yếu tố khác nhau. Thứ nhất là công nghệ của nhà máy khác nhau dẫn tới hiệu suất đầu tư của các nhà máy là khác nhau. Thứ hai là chất lượng nguồn nước thô vào khác nhau, chất lượng sông Đà khác và nước sông Đuống khác dẫn tới có sự lệch giá.
Về vấn đề này, trả lời báo Tuổi trẻ, bà Đỗ Thị Kim Liên - chủ tịch HĐQT Tập đoàn AquaOne, Chủ tịch HĐQT Công ty CP nước mặt Sông Đuống cho biết, nếu so sánh với nhà máy nước sông Đà thì rất khập khiễng vì dự án sông Đà đã đi vào khai thác được hơn 10 năm, thứ nhất tổng mức đầu tư thấp hơn, thứ hai là đã khai thác được hơn 10 năm, khấu hao đã hết, đương nhiên họ có lợi nhuận và có giá thấp hơn nhà máy nước mặt sông Đuống.
Theo đại diện này, sự khác biệt lớn nhất trong sản xuất nước là công nghệ, công đoạn xử lý làm sao ra giọt nước cuối cùng phải không mùi, không vị, đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế.
Dự án của Công ty Sông Đuống là mới, công nghệ châu Âu, các quy trình được khép kín toàn bộ bằng rô-bốt, tự ngắt, tự xúc xả khi có sự cố, không cần phải có bàn tay của con người. Ví dụ có ai đó đổ dầu tại sông Đuống, không bao giờ có mùi dầu ra được bên ngoài. Còn về công nghệ, phải lọc nước chuẩn thì mới có được nước thực sự sạch.
Báo Tuổi trẻ cũng dẫn lời Chủ tịch Công ty CP nước mặt Sông Đuống "cam kết và đảm bảo nước uống được tại vòi, đạt tiêu chuẩn của châu Âu, sạch hơn cả nước suối đóng chai... ".
Trong khi đó, Dân trí thông tin, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) mới đây đã khẳng định đến nay Nhà máy nước sông Đuống chưa đủ điều kiện để nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Cục này đã từng có văn bản gửi UBND TP Hà Nội đề nghị cân nhắc việc tổ chức khánh thành công trình nhà máy nước mặt sông Đuống (giai đoạn 1) do chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào khai thác, sử dụng.
Theo cơ quan này, công trình còn một số tồn tại như: Chưa cung cấp thiết kế ống qua đường, đường cao tốc; chưa làm rõ căn cứ thực hiện và kết quả thí nghiệm bổ sung thí nghiệm vật liệu ống, chiều dày lớp sơn phủ Epoxy; kết quả thử áp chưa bổ sung đầy đủ với các chủng loại ống… Tuy nhiên, sau khuyến nghị này, Nhà máy nước mặt sông Đuống vẫn được tổ chức khánh thành vào đầu tháng 9/2019.
Sự việc lùm xùm trên đã hút sự quan tâm của dư luận những ngày qua. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, đầu tư dự án mà rủi ro đẩy về phía người dân, doanh nghiệp hưởng lợi ích thì ai cũng có thể làm.
Trao đổi với Dân trí, PGS.TS. Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng: Về nguyên tắc tài chính không thể nói xây nhà máy to, nhiều tiền nên giá đắt được. Lý do đó không thuyết phục!
"Không phải dự án cứ quy mô càng lớn, chi phí càng cao thì lấy giá đắt hơn. Bao giờ người ta cũng tính toán dựa vào suất đầu tư, hiệu quả đầu tư. Đầu tư bất kỳ vào đâu dù nhiều hay ít vốn thì cũng phải tính hiệu quả, hiệu suất. Thông thường dự án to, quy mô lớn, hiện đại, giá thành chi phí sẽ phải tốt hơn. Còn dự án nhiều khi nhỏ, lạc hậu thì giá thành có thể sẽ cao nếu không tính toán", ông Long nhấn mạnh.
Ông Ngô Trí Long cho biết thêm, cũng như điện, nước là nhu cầu thiết yếu đối với người dân, lãi ngành nước hiện rất cao. Việc chọn nhà đầu tư để xây dựng nhà máy nước cần qua đấu thầu công khai để tìm được suất đầu tư phù hợp, hiệu quả.
Chia sẻ với báo Điện tử Tổ Quốc, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, ở vai trò của mình, tại sao UBND TP Hà Nội lại chọn mua nước với giá "cắt cổ" như vậy? Mua giá như vậy thì sẽ phải bán với giá rất cao, chứ không thể bù lỗ mãi được.
Chuyên gia kinh tế này nhấn mạnh: "Cần nhớ rằng người dân phải trả tiền nước. Vậy điều gì đứng đằng sau sự việc này?".