(Tổ Quốc) - Sau khi Bộ GDĐT công bố điểm thi THPT Quốc gia 2018 và phổ điểm thi THPT Quốc gia 2018 của tất cả các môn thi, đại diện của Bộ này đã có nhận định sơ bộ về kết quả này và thông tin đã đăng trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Theo đó, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GDĐT Mai Văn Trinh cho biết: Đánh giá một cách tổng thể, phần lớn các môn thi có phổ điểm gần với phân phối chuẩn. Điều đó phản ánh công tác coi thi, công tác chấm thi bảo đảm tính nghiêm túc và khách quan.
Một số phổ điểm tốt như ở môn Vật lý, Hóa học, Sinh học và Địa lý, còn các môn Ngoại ngữ, Lịch sử có điểm trung bình thấp hơn các môn khác.
Ông Mai Văn Trinh cũng nói thêm, điểm trung bình và trung vị của các môn gần như nhau (điểm trung vị là điểm chia đôi dữ liệu điểm ra làm 2, nửa trên lớn hơn điểm trung vị, nửa dưới nhỏ hơn điểm trung vị), điều này chứng tỏ đề thi là chuẩn hóa khi điểm trung bình gần bằng điểm trung vị.
Phân tích phổ điểm thi môn Lịch sử kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018
Về thông tin phổ điểm môn Lịch sử thấp và thậm chí ở nhiều địa phương, tỉ lệ thí sinh đạt điểm trên trung bình chỉ xấp xỉ 20%, ông Mai Văn Trinh cho hay, năm nay, với môn Lịch sử, ban ra đề thi có một bước chuyển là ra đề hướng đánh giá năng lực của thí sinh, tức là không yêu cầu học sinh phải ghi nhớ hay trả lời các câu hỏi máy móc theo khuôn mẫu có sẵn mà chú trọng về phần vận dụng các kiến thức của lịch sử trong việc giải quyết các vấn đề, có lẽ đây cũng là một trong những lý do căn bản khiến kết quả thi của các em không cao như những môn khác.
Tuy nhiên, môn Lịch sử vẫn là môn có số lượng điểm 10 lớn, 11 điểm 10 và hơn 700 thí sinh đạt điểm 9 trở lên. Đây là những thí sinh dự thi môn Lịch sử để lấy kết quả xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Theo ông, mục đích dự thi của thí sinh đã ảnh hưởng tới phổ điểm môn Lịch sử. Với một kỳ thi với 2 mục đích, tính mục đích của các thí sinh trong kỳ thi rất là rõ. Thực tế là những thí sinh dự thi môn Lịch sử với mục đích xét tuyển đại học, cao đẳng có điểm số tốt hơn hẳn so với những thí sinh chỉ dự thi với mục đích tốt nghiệp.
Tuy nhiên kết quả thi môn Lịch sử chỉ phản ánh một phần nội dung đề thi, cách thức tổ chức thi, điều quan trọng hơn là phải thay đổi phương pháp dạy học để làm sao môn Lịch sử trở nên thân thiện hơn, học sinh học hứng thú hơn, giáo viên dạy hiệu quả hơn và từ đó dẫn đến kiến thức lịch sử tích lũy được, năng lực vận dụng lịch sử trong cuộc sống được nâng lên.
Ở môn Ngoại ngữ, phổ điểm vẫn nghiêng về phía thấp nhiều hơn, nhưng nếu nhìn trong phạm vi cả nước thì sự chuyển biến chưa rõ nét. Tuy nhiên, đi vào phân tích sâu theo từng tỉnh, từng vùng thì thấy rất rõ đối với những thành phố, thị xã có điều kiện để học ngoại ngữ tốt thì kết quả của các em cao và sự cải tiến nâng cao chất lượng rất rõ. Còn ở những vùng còn khó khăn thì sự chuyển biến về ngoại ngữ chưa rõ nét. Đó là thực tế và chứng tỏ phổ điểm đã phản ánh chân thực.
Cục trưởng Mai Văn Trinh cho biết thêm, để khắc phục thực trạng này, Bộ GDĐT sẽ triển khai Đề án Ngoại ngữ quốc gia để tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục Việt Nam.
Minh Vy