• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đại gia Nguyệt Hường phải chi hàng chục tỷ để có quốc tịch Malta?

Kinh tế 19/07/2016 07:00

(Tổ Quốc) -Việc bỏ ra vài chục tỷ đồng để nhập quốc tịch Malta chắc hẳn phải “đáng đồng tiền bát gạo”?

Bán quốc tịch để làm giàu

Cộng hòa Malta là một đảo quốc nhỏ gồm 7 hòn đảo giữa Địa Trung Hải, cách đảo Sicilia của Ý khoảng 93 km về phía nam, cách Tunisia 288 km về phía bắc, vịnh Gibralta 1826 km về phía đông và Alexandria 1.510 km về phía tây. Ngôn ngữ chính thức là tiếng Malta và tiếng Anh. Chỉ rộng 300 km2, Malta là một trong những quốc gia nhỏ và có mật độ dân số cao bậc nhất thế giới.

Bắt đầu từ tháng 2/2014, đảo quốc Malta ở vùng Địa Trung Hải chính thức triển khai chương trình mua bán quốc tịch, hiểu nôm na là bán quốc tịch hay có tiền là có quốc tịch. 

Malta có khá nhiều điểm du lịch hấp dẫn  (Nguồn: Internet)

Là một quốc gia trung lập, Malta được xem là nơi có chính sách nhập cư thoáng nhất châu Âu. Quốc gia này chính thức trở thành thành viên Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 5/2004.

Trong thập kỷ trước, tăng trưởng kinh tế của Malta khá thấp, chỉ khoảng 2-3% do phụ thuộc chủ yếu vào du lịch và thương mại với nước ngoài.

Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, với mục đích hỗ trợ phát triển kinh tế, Malta đưa ra nhiều chính sách phát triển kinh tế, trong đó Chương trình Nhà đầu tư Cá nhân của Malta (IIP) – được giới thiệu vào năm 2014- và được các cơ quan hành pháp của Liên minh Châu Âu đã chính thức thừa nhận.

Theo đó, IIP cho phép cấp quốc tịch cho các cá nhân và gia đình giàu có trên thế giới vào Malta với giá khoảng trên 1 triệu bảng Anh (tương đương khoảng 30 tỷ đồng). Năm 2013, mức giá này chỉ khoảng 546.000 bảng Anh.

Ngoài ra, IIP cũng yêu cầu một số các tiêu chuẩn thẩm định nghiêm ngặt. Các đương đơn phải có hồ sơ tư pháp trong sạch và chính phủ Malta tiến hành kiểm tra lý lịch tư pháp rộng rãi với INTERPOL, Tòa án Hình sự Quốc tế và với các cơ quan và các nguồn khác nhau.

Trước khi được chấp thuận vào IIP, các đương đơn phải đầu tư ít nhất 150.000 Euro và cam kết duy trì đầu tư tối thiểu 5 năm vào các công cụ tài chính được chính phủ phê duyệt (trái phiếu, cổ phiếu…).

Theo New York Times, chính sách IIP đã hỗ trợ phát triển kinh tế của quốc đảo này. Cụ thể, tổng tài sản thu được từ IIP chiếm 12 - 15% GDP cả nước. Tăng trưởng kinh tế năm 2014 ở mức 3,5% trong khi tỷ lệ thất nghiệp là 5,8%, thấp nhất châu Âu.

Thủ tướng Malta Joseph Muscat ước tính sẽ thu được khoảng 40 triệu USD/ năm với 200 - 300 đơn xin nhập tịch/ năm.

Hiện có khoảng 20 quốc gia châu Âu và châu Mỹ khác trên thế giới đã áp dụng chính sách tương tự.

Thủ tục pháp lý của IIP khá nhanh gọn. Nếu Việt Nam phải mất 5 năm sinh sống kể từ thời điểm xin nhập tịch thì tại Malta, chỉ cần 12 tháng. Thậm chí, nếu đã đáp ứng được các yêu cầu cư trú của Malta theo tiêu chuẩn IIP, khoảng thời gian được công nhận quốc tịch chỉ trong 6 tháng.

Quốc tịch Malta- con đường trở thành công dân EU?

Các ứng viên thành công sẽ được cấp quốc tịch ở Malta bằng một Giấy Chứng Nhận Nhập Tịch và có thể được mở rộng cho cả gia đình của họ.

Khi một ứng viên được cấp quốc tịch Malta, sẽ trở thành công dân châu Âu, họ được hưởng quyền tự do đi lại tới tất cả 28 quốc gia Châu Âu và Thụy Sĩ. Họ được phép thành lập doanh nghiệp ở Malta và được cấp hộ chiếu Malta cho phép họ được miễn thị thực khi đến hơn 160 quốc gia trên toàn thế giới trong đó có cả Mỹ.

Vì thế, việc bỏ ra vài chục tỷ đồng, lợi ích nhận được khi nhập quốc tịch Malti chắc hẳn phải “đáng đồng tiền bát gạo”?

Trong một diễn biến liên quan, ngày 17/7, bà Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đã bị bác tư cách đại biểu quốc hội (ĐBQH) khoá XIV với lý do đã vi phạm Luật Quốc tịch Việt Nam.

Cụ thể, luật quy định công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trong khi bà Nguyệt Hường đã “âm thầm” nhập quốc tịch Cộng hòa Malta.

Sau khi cơ quan chức năng phát hiện sự việc, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đã xác nhận điều này và có đơn xin rút việc tham gia Quốc hội khoá XIV.

Trước sự việc này, dư luận đặt câu hỏi là tại sao bà Hường – 1 ĐBQH – nắm rõ luật Quốc tịch nhưng vẫn vi phạm? Tại sao cả gia đình bà Hường lại phải bỏ ra số tiền "khủng" hàng trăm tỷ đồng để mua những “tấm vé” vào Malta?

Trong hồ sơ ứng cử ĐBQH khóa XIV, bà Hường khai là chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư TNG Holdings VN; ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN; chủ tịch Hiệp hội Công thương TP Hà Nội; phó Trưởng Ban đối ngoại của Hội đồng Nữ doanh nhân thuộc Phòng Thương mại và công nghiệp VN; phó Chủ tịch Hội liên lạc với người VN ở nước ngoài TP Hà Nội; ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội nữ Doanh nhân VN.

Trên thương trường, bà Hường sở hữu khối tài sản “khủng”. Hiện bà đảm nhận vai trò Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID Group, nay là TNG Holdings).

Thương vụ đáng chú ý mới đây của bà Nguyệt Hường là vào tháng 4/2016, một công ty con của VID đã mua lại khu công nghiệp Quế Võ 3 từ Dabaco Group.

Tên tuổi của bà Hường cũng gây chú ý dư luận với dự án Tổ hợp căn hộ cao cấp The Gold View hơn 2,3 ha tại số 346 Bến Vân Đồn, Phường 1, Q.4, TP.HCM. Tại Hà Nội, dự án bất động sản gây chú ý thời gian qua là Khu Căn hộ chung cư GoldSeason tại số 47 phố Nguyễn Tuân….

Quỳnh Anh (Tổng hợp)

NỔI BẬT TRANG CHỦ