(Tổ Quốc) - Ngày 26/4, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội Huỳnh Quyết Thắng cho biết, nhằm giúp thí sinh giảm bớt khó khăn trong việc đi lại, Nhà trường quyết định tổ chức kỳ thi riêng tại 3 tỉnh/thành phố thay vì chỉ thi 1 buổi tại Trường theo phương án trước đó.
Năm 2020, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh đại học, tạo thêm cơ hội cho thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐHBK Hà Nội bên cạnh dựa trên kết quả của kỳ thi THPT.
Việc tổ chức thi tại 3 điểm thi là Hà Nội, Thanh Hóa, Sơn La sẽ khiến trường vất vả hơn trong việc phối hợp với địa phương tổ chức thi nhưng lại giúp được thí sinh đỡ phải di chuyển nhiều.
Năm 2020, ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức sơ tuyển để lấy khoảng 10.000 thí sinh tham gia dự thi. Trường có tính đến việc mở rộng số lượng dự thi hoặc không cần sơ tuyển nhưng phương án đưa ra phải chắc chắn, an toàn, không bị động, đặc biệt trong năm đầu tiên tổ chức. Việc giới hạn số lượng dự thi như vậy sẽ có lợi cho công tác chuẩn bị.
ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến trong các năm tới sẽ đồng hành cùng các trường đại học khác, đặc biệt nhóm trường khối Kỹ thuật - Công nghệ, cùng phối hợp để đưa ra những phương án xét tuyển phù hợp, có lợi nhất cho thí sinh và cho sự phát triển của hệ thống đại học Việt Nam.
Trước đó, ĐH Bách khoa Hà Nội đã quyết định tổ chức tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng và dự định sẽ lấy khoảng 70% chỉ tiêu tuyển sinh vào Trường từ kỳ thi này.
Kỳ thi được tổ chức gọn nhẹ nhằm kiểm tra khả năng vận dụng kiến thức cơ bản và đánh giá năng lực học tập của học sinh để theo học thành công tại ĐH Bách khoa Hà Nội.
Đề thi được xây dựng theo phương pháp tiếp cận tiên tiến trên thế giới tương tự như SAT, ACT, phù hợp với đặc điểm của giáo dục Việt Nam. Các bài thi chú trọng đánh giá khả năng đọc và tự học, tư duy phân tích và giải quyết vấn đề của học sinh. Để tăng tính đa dạng, trường phối hợp với nhiều giáo viên THPT các trường chuyên, trường điểm có kinh nghiệm ra đề để xây dựng đề thi phong phú.
Bài thi Toán có thời lượng 85-90 phút, bao gồm 2/3 nội dung là trắc nghiệm và 1/3 tự luận nhằm đánh giá tư duy logic, tư duy toán học và kỹ năng vận dụng kiến thức toán phổ thông để giải quyết vấn đề.
Bài thi Đọc hiểu có thời lượng 30-35 phút nhằm đánh giá khả năng đọc nhanh, hiểu đúng (bằng tiếng Việt) và khả năng suy luận về những chủ đề khác nhau trong khoa học kỹ thuật, xã hội và văn học. Đọc hiểu là một năng lực cốt lõi, cần thiết cho việc tự học và học tập suốt đời (có thể tham khảo phần thi Reading trong các bài học, bài thi tiếng Anh).
Bài thi Khoa học tự nhiên (áp dụng cho tất cả các ngành khoa học, kỹ thuật và kinh tế), có thời lượng 60 phút bao gồm 2 phần: Phần bắt buộc chung (2/3 thời lượng) được thiết kế dưới dạng tích hợp nhằm đánh giá khả năng vận dụng kiến thức cơ bản trong khoa học tự nhiên để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống, không yêu cầu kiến thức chuyên sâu vào một môn Vật lý, Hóa học hay Sinh học. Và Phần tự chọn chuyên biệt (1/3 thời lượng) nhằm đánh giá kiến thức và năng lực chuyên sâu trong môn Vật lý hoặc Hóa học do học sinh tự chọn.
Riêng bài thi Tiếng Anh đối với các thí sinh lựa chọn ngành Ngôn ngữ Anh thực hiện trên máy tính, có thời lượng 90 phút nhằm đánh giá khả năng sử dụng tiếng Anh của thí sinh ở mức cơ bản, phù hợp với trình độ học sinh phổ thông.
Điểm thi sẽ được tính theo tỉ lệ thời lượng các bài thi, phần thi.
Dự kiến đầu tháng 5 trường sẽ công bố đề cương và các ví dụ mẫu về đề thi. Nhà trường cũng sẽ tổ chức nhiều buổi hướng dẫn cách ôn tập cho học sinh, một mặt để các em làm quen với các ra đề mới, một mặt để ổn định tâm lý trong quá trình ôn tập.
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng cũng khẳng định, học sinh có thể hoàn toàn tự ôn tập, học theo hướng dẫn mà không cần luyện thi vào trường.