(Tổ Quốc)- Thi riêng năng khiếu, xét điểm điều kiện môn văn hoặc toán, thêm chuyên ngành mới là Thiết kế đồ họa kỹ xảo...
(Tổ Quốc)- Thi riêng năng khiếu, xét điểm điều kiện môn văn hoặc toán, chấp nhận điểm kết quả tốt nghiệp đối với những thí sinh tốt nghiệp trường trung cấp nghệ thuật, thêm chuyên ngành mới là Thiết kế đồ họa kỹ xảo… là những nét mới rất đáng chú ý của trường Đại học Sân khấu điện ảnh (SKĐA) Hà Nội trong mùa tuyển sinh 2016.
>> Các trường nghệ thuật chủ động tuyển sinh… lưu động
>> Tuyển sinh khối trường Văn hóa Thể thao: Ưu tiên năng khiếu
>> Tuyển hai hệ cử nhân Viết văn, liệu có thừa?
Để cung cấp thông tin cho độc giả cũng như thí sinh trong mùa tuyển sinh 2016, Báo điện tử Tổ Quốc đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Đình Thi- hiệu trưởng trường Đại học SKĐA.
Hiệu trưởng trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Nguyễn Đình Thi
Điểm năng khiếu và điểm điều kiện
+ Xin thầy hiệu trưởng cho biết mùa tuyển sinh năm 2016 của trường Đại học SKĐA Hà Nội có những điểm mới nào đáng chú ý so với các năm trước?
- Bắt đầu từ 2015 trường Đại học SKĐA đã có đề án tuyển sinh riêng và được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Theo đó, trường Đại học SKĐA đã tuyển sinh riêng theo đề án này. Năm nay cũng vẫn theo đề án tuyển sinh riêng ấy, nhưng có 2 chi tiết vừa rồi trường SKĐA có đề nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh. Một là chấp nhận điểm xét tuyển đối với các em thí sinh tốt nghiệp trường trung cấp nghệ thuật mà không có điểm xét tuyển ở kỳ thi THPT Quốc gia.
Bởi thực tế có một số trường chương trình học phổ thông lồng ghép với chương trình đào tạo trung cấp nên nếu xét điểm văn trong kết quả thi PTTH Quốc gia thì các em học ở những trường đó lại không có kết quả ấy. Nói cách khác là các em không có bằng tốt nghiệp PTTH mà chỉ có bằng trung cấp chuyên nghiệp thôi. Năm ngoái có 25 em ở ngành múa bị vướng quy định này.
Điểm thứ 2 là năm nay quy mô tuyển sinh, số lượng thí sinh cũng như năm ngoái với tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 431 thí sinh. Ngành nghề thì có mở rộng thêm chuyên ngành nữa là Thiết kế đồ họa kỹ xảo.
+ Ông vừa có đề cập đến trường hợp 25 thí sinh của trường múa năm ngoái, vậy sau đó trường Đại học SKĐA xử lý như thế nào?
- Nếu theo thông báo ban đầu, không có điểm văn trong kỳ thi quốc gia thì không được xét tuyển. Khi các em nộp kết quả môn văn thì điểm này do trường cao đẳng múa tổ chức thi. Chúng tôi phải gửi công văn cho Bộ Giáo dục và Đào tạo xin ý kiến. Tuy nhiên, trước đó giữa bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có đề án đồng ý cho phép các trường nghệ thuật có thể đưa hệ thống các môn văn hóa vào chương trình trung cấp. Sau khi xem xét và xin phép, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn đồng ý cho thí sinh lấy điểm văn bài thi tốt nghiệp trường cao đẳng múa làm điểm xét tuyển. Và điều này cũng được chúng tôi đưa ra thay đổi trong đề án tuyển sinh năm 2016 và được bộ Giáo dục phê duyệt và đồng ý.
+ Xin ông có thể nói rõ hơn những điểm chính trong Đề án tuyển sinh riêng này?
- Về quy trình thi thì chủ yếu thí sinh thi vào trường Đại học SKĐA phải thi năng khiếu. Môn xét tuyển là môn văn đối với khối S. Cũng từ năm ngoái trường có khối S1. Trước đây thí sinh dự thi vào Công nghệ điện ảnh truyền hình là thi khối A, thi theo đề chung. Nhưng bắt đầu từ năm 2015 là thi theo khối S1, cũng vẫn là thi năng khiếu. Nói đến công nghệ điện ảnh truyền hình người ta cứ nghĩ ngành học này thuần túy là kỹ thuật nhưng thực ra lại gắn chặt với nghệ thuật. Điện ảnh với truyền hình chúng tôi hay nói là đi bằng hai chân, chân kỹ thuật và chân nghệ thuật. Nên nếu hiểu ngành này thuần túy là kỹ thuật thì không đúng nên từ năm ngoái trường đề xuất có thêm khối S1. Khối S1 này dành cho thí sinh thi vào 2 chuyên ngành: Âm thanh và Dựng phim. Môn thi năng khiếu và môn xét tuyển là môn Toán. Như vậy trường có 2 khối thi là khối S và S1. Thí sinh dự thi khối S thì thi năng khiếu và xét tuyển môn Văn, còn S1 thi năng khiếu và xét tuyển môn Toán.
Còn quy trình thi năng khiếu với từng ngành: Tổng thể thi năng khiếu gồm 2 vòng. Vòng sơ tuyển và chung tuyển. Các ngành như đạo diễn, quay phim, biên kịch, nhiếp ảnh vòng sơ tuyển là thi bài viết kiến thức chung về văn học nghệ thuật, lịch sử, địa lý… Vòng chung tuyển tùy theo từng chuyên ngành, biên kịch thì sáng tác tiểu phẩm, đạo diễn, quay phim ĐA-TH còn có 2 bài phân tích phim và vấn đáp. Nội dung thi vấn đáp cũng tùy theo yêu cầu của mỗi chuyên ngành…
+ Xin hỏi với môn xét tuyển là môn toán hoặc môn văn trường Đại học SKĐA sẽ lấy điểm như thế nào, có phải từ điểm 5 trở lên không. Và điểm xét tuyển có lấy để cộng vào điểm năng khiếu để ra 1 điểm chung rồi lấy từ cao xuống thấp cho hết chỉ tiêu không hay chỉ là điểm xét tuyển đủ điều kiện còn điểm năng khiếu mới là quyết định thí sinh đỗ hay trượt?
- Có 2 điểm chuẩn, điểm chuẩn chuyên môn và điểm chuẩn tổng. Đối với môn văn, như năm ngoái và năm nay xét lấy từ ngưỡng tối thiểu do Bộ Giáo dục đào tạo quy định, môn toán cũng vậy. Còn điểm chuyên môn lấy từ trên cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu. Sau đó mới cộng điểm môn văn. Thế cho nên điểm môn văn thường nếu không dưới ngưỡng tối thiểu, không bị điểm liệt hoàn toàn được xem xét tuyển. Thực tế cho thấy những ngành liên quan đến nghiệp vụ viết như lý luận phê bình, biên kịch, đạo diễn thì điểm văn rất cao còn các em khối ngành quay phim, diễn viên, biên đạo múa… thì không cao bằng.
+ Như vậy để đỗ vào trường, thì trường Đại học SKĐA vẫn chú trọng điểm năng khiếu hơn?
- Đúng vậy, bởi trọng số về năng khiếu lớn hơn và có tính quyết định hơn.
Hiệu trưởng Nguyễn Đình Thi chụp ảnh cùng các sinh viên trường SKĐA
Mở chuyên ngành mới vì nhu cầu thực tiễn
+ Lý do vì sao năm nay trường Đại học SKĐA lại mở thêm ngành học Thiết kế đồ họa kỹ xảo?
- Chúng tôi gọi đây là chuyên ngành vì nó nằm trong mã ngành của thiết kế mỹ thuật. Xuất phát từ nhu cầu của các hãng phim, các đài truyền hình là thiết kế đồ họa và tạo ra kỹ xảo đặc biệt. Ví dụ làm bộ phim Hà Nội mùa đông 1946 của đạo diễn Bùi Đình Hạc với cảnh cần phải có đến vài chục máy bay bay trên trời. Khi quay chỉ cần vài cái thôi, thì phải làm kỹ xảo để cho dày lên. Hiện nay các nhà làm phim trên thế giới sử dụng rất nhiều kỹ xảo đặc biệt. Nhu cầu này rất lớn nhưng từ trước đến nay trong các cơ sở đào tạo chưa có chuyên ngành này. Có thể một số trung tâm hay một số công ty truyền thông họ có những kỹ thuật viên. Nhưng để đào tạo một người chuyên nghiệp, có hệ thống, có bài bản thì chưa có. Vì thế trường Đại học SKĐA nhìn thấy nhu cầu ấy và phải mất 3 năm để chuẩn bị với chương trình đào tạo và đội ngũ giảng viên. Không phải chỉ có công nghệ thông tin là làm được, hoặc học mỹ thuật xong làm được mà phải có năng khiếu, kỹ năng đặc biệt.
+ Vậy việc chuẩn bị cho chuyên ngành mới này hiện nay như thế nào rồi?
- Hiện nay đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất với đòi hỏi đầu tư thiết bị khá tốn kém đã khá đầy đủ, sau 3 năm chuẩn bị năm nay trường Đại học SKĐA mới tuyển sinh được.
Xin nói thêm là, trường Đại học SKĐA ngoài các chuyên ngành có truyền thống đào tạo như diễn viên, đạo diễn, quay phim, biên kịch… thì trong 3 năm nay trường đã đào tạo những chuyên ngành mới là Biên tập truyền hình và Đạo diễn Âm thanh ánh sáng. Do nhu cầu lớn và chưa có cơ sở đào tạo. Hầu hết những người đang làm công tác biên tập ở các đài truyền hình là từ học biên kịch, báo chí… còn Biên tập truyền hình theo đúng nội hàm của từ này là chưa có. Riêng ngành đạo diễn Âm thanh ánh sáng chúng tôi phải chuẩn bị trong 10 năm.
Cơ hội việc làm ở Đại học SKĐA khoảng 95%
+ Với các sinh viên theo học thì trường Đại học SKĐA có tạo điều kiện, liên kết với các đơn vị, tổ chức liên quan để giúp sinh viên cọ xát thực tiễn cũng như tìm kiếm cơ hội việc làm không?
- Trường có lợi thế là các cựu sinh viên của trường bây giờ tham gia vào hệ thống cán bộ quản lý rất nhiều, từ các đài truyền hình cho đến các hãng phim, các nhà hát. Chẳng hạn như ở Đoàn kịch Công an, chúng tôi đến làm việc từ ban giám đốc cho đến diễn viên đều ra chào thầy vì họ đều là cựu sinh viên. Vì thế các em sinh viên ở các chuyên ngành đều được giới thiệu đến các hãng phim, các nhà hát, các đoàn nghệ thuật để có thể thực tập nghề nghiệp. Và các nhà hát thường xuyên có các mối quan hệ chặt chẽ với trường. Các nghệ sĩ vào đây giảng dạy nên sinh viên có cơ hội tham gia thực tế rất lớn. Anh Đỗ Thanh Hải Giám đốc Hãng phim Truyền hình khi đứng lớp có thể đưa sinh viên tới trường quay, dạy diễn xuất trước ống kính. Nếu phù hợp vai nào sẽ được giới thiệu, không thì vào vai quần chúng. Sau khi tốt nghiệp các em có mối quan hệ và kinh nghiệm rất dễ tiếp cận với các đơn vị nghệ thuật thì cơ hội làm việc cao.
+ Và cơ hội việc làm của sinh viên ĐH SKĐA sau khi tốt nghiệp có cao không?
- Nếu căn cứ vào phiếu khảo sát điều tra thì chỉ có khoảng 75% sinh viên ra trường có việc làm. Tuy nhiên, có những em ở phiếu khảo sát ghi là chưa có việc làm tại một đơn vị cụ thể nhưng thực tế là em ấy làm việc tự do. Nếu xác định có việc làm, phù hợp chuyên môn đào tạo, hoặc những ngành nghề có liên quan, căn cứ vào thực tế thì ước tính khoảng 95% sinh viên có việc làm.
+ Hiện nay, trong công tác tuyển sinh thì Trường Đại học SKĐA có gặp những khó khăn gì?
Khó khăn trong tuyển sinh là về ngành Lý luận phê bình cả ở Điện ảnh lẫn Sân khấu. Có những năm ngành này chúng tôi chỉ tuyển được 5 hồ sơ, năm ngoái không có thí sinh nào. Trong khi đó Lý luận phê bình rất cần thiết và quan trọng. Có lẽ chúng tôi cũng xin đề xuất cơ chế hỗ trợ cho những người học ngành lý luận phê bình, chứ nếu bình đẳng như các sinh viên khác thì rất khó. Mà để trở thành nhà lý luận phê bình cũng rất khó. Cần phải có cơ chế đặc thù đối với sinh viên dũng cảm thi và học ngành Lý luận phê bình Sân khấu và Điện ảnh.
Bên cạnh đó, trường Đại học SKĐA còn có một số khó khăn khác rất mong được quan tâm, hỗ trợ như về cơ chế thu hút giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất để có những công nghệ đặc chủng cho sinh viên thực hành.
+ Cảm ơn ông và xin chúc cho mùa tuyển sinh của trường Đại học SKĐA thành công!
Hiền Nguyễn (thực hiện)