(Tổ Quốc) - Đó là nhấn mạnh của ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với một số Sở, ban, ngành của tỉnh Đắk Lắk về việc triển khai chính sách hỗ trợ của Chính phủ vào ngày 28/10.
Đánh giá về công tác hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 tại Đắk Lắk, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trưởng Đoàn công tác - cho biết, việc thực hiện các gói chính sách về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 ở Đắk Lắk còn chậm. Việc tuyên truyền sâu rộng các chính sách đến từng đối tượng tại tỉnh Đắk Lắk còn hạn chế. Trong thời gian tới, tỉnh cần đa dạng hơn nữa công tác tuyên truyền, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và các địa phương trong quá trình triển khai các gói chính sách.
Theo Cục trưởng, UBND tỉnh Đắk Lắk cần chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các gói chính sách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và đặc biệt phải phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy chính quyền (xã, phường, huyện, thị xã, thành phố).
Các ngành, địa phương cần đối thoại với người lao động và người sử dụng lao động, khảo sát, nắm bắt sát nhu cầu, từ đó có kế hoạch triển khai để chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, kịp thời, phát huy tính nhân văn trong bối cảnh dịch.
Theo thông tin tại buổi làm việc, thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng gặp khó khăn do dịch COVID-19, tính đến ngày 26/10, tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt cho 2.996 người sử dụng lao động, 54.567 người lao động thụ hưởng với số tiền hơn 29 tỷ đồng. Hiện nay, toàn tỉnh đã chi trả cho 2.987 người sử dụng lao động, 47.913 người lao động với hơn 21 tỷ đồng.
Một số nhóm chính sách tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt số lượng nhiều song tỷ lệ chi trả đạt thấp như: chính sách hỗ trợ lao động tự do, đã phê duyệt 9.421 người, chi trả 3.045 người, tỷ lệ chi trả 35%; chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, đã xác nhận cho 2.721 lao động, phê duyệt 357 người, chi trả 173 người; chính sách hỗ trợ trẻ em và người dân đang điều trị COVID-19, cách ly y tế, tỉnh có hơn 27.000 đối tượng được hỗ trợ, đã phê duyệt 287 người, chi trả 194 người.
Một số nhóm chính sách có số lượng người, đơn vị thụ hưởng thấp như: Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp, đã xác nhận cho 410 lao động, phê duyệt 3 người, chi trả 2 người. Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, đã phê duyệt 9 hộ (trong tổng số 6.000 hộ trên địa bàn tỉnh), chưa chi trả cho hộ nào; chính sách cho người sử dụng lao động vay vốn, đã rà soát 1.858 doanh nghiệp, xác nhận cho 14 đơn vị, phê duyệt và giải ngân cho 8 đơn vị với hơn 1,7 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động chưa có đơn vị nào đề nghị hỗ trợ.
Thực hiện Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã thông báo, giảm 1% mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho 2.886 đơn vị với 29,8 tỷ đồng; nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho 37.088 lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đã chi cho 28.922 người; nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho 4.059 lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đã chi cho 3.476 người. Ngoài ra, để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch, tỉnh đã cấp phát gần 627 tấn gạo cho 12.803 lượt hộ dân với 47.542 khẩu; trong đó có 534,39 tấn gạo của Chính phủ hỗ trợ người dân Đắk Lắk.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho hay, một số quy định tại Quyết định 23/2021/QĐ-TTg về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 chưa rõ ràng và đầy đủ là những khó khăn trong quá trình thực hiện Nghị quyết 68 tại tỉnh.
Sở đề nghị bổ sung quy định về thành phần hồ sơ đối với người lao động ngừng việc thuộc khu vực bị phong tỏa; người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ tại Trung tâm Dịch vụ việc làm nơi người lao động đang thường trú hoặc tạm trú.
Kết luận buổi làm việc, ông Vũ Trọng Bình nhấn mạnh, đối với việc triển khai các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, tỉnh Đắk Lắk vẫn còn tình trạng nặng về văn bản qua trao đổi từ các cơ sở đến ban ngành.
Cục trưởng nhận định, nhìn chung việc thực hiện chính sách chậm, một số chính sách chưa chủ động. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk cần quyết liệt, sáng tạo hơn nữa và tăng cường khảo sát đối thoại với người được thụ hưởng.