(Tổ Quốc)- Những mẫu thiết kế sẽ được trưng bày lấy ý kiến đóng góp của người dân trước khi thi công trang trí Thủ đô.
(Tổ Quốc)- Những mẫu thiết kế sẽ được trưng bày lấy ý kiến đóng góp của người dân trước khi thi công trang trí Thủ đô.
Mỗi dịp lễ, tết, việc trang trí của Hà Nội vẫn bị chê là thiếu thẩm mỹ, thiếu chất nghệ thuật và không xứng tầm với một thành phố Thủ đô. Điển hình là dịp Tết Nguyên đán 2016, Hà Nội đã phải dỡ bỏ các đèn hoa trang trí sau khi bị dư luận lên tiếng. Cầu thị trước ý kiến người dân, ngày 29/3, Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội đã lần đầu tiên tổ chức Phát động cuộc thi thiết kế các hình thức tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị và trang trí TP Hà Nội năm 2016. Nhiều họa sĩ đã đến dự và đồng tình với sáng kiến của ngành văn hóa Thủ đô.
Quá nhiều đèn xanh đỏ
Theo thể lệ cuộc thi, các họa sĩ có toàn quyền lên ý tưởng sáng tạo các thiết kế trang trí phù hợp với các dịp lễ, tết, các hoạt động chính trị tại các ngã ba, ngã tư, các khuôn viên công cộng của Thủ đô và gửi đến Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội để Hội đồng giám khảo chấm chọn.
Đánh giá cao sáng kiến của Hà Nội, họa sĩ Trần Khánh Chương- Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: Ngay từ sau khi giải phóng Thủ đô, chúng ta đã thực hiện việc trang trí Hà Nội. Tuy nhiên, những năm gần đây có nhiều trang trí rất đẹp, phù hợp, nhưng cũng có rất nhiều trang trí gây phản cảm, không phù hợp, và có nhiều trang trí chịu nhiều ý kiến khác nhau. Cho nên, tôi đánh giá đây là cuộc thi có thể rất thành công, có thể không thành công nhưng với mô hình một cuộc thi như thế này tôi thấy là lần đầu”.
Hà Nội quá nhiều đèn trang trí xanh đỏ (ảnh minh họa saostar.vn)
Ông Trần Khánh Chương cũng lưu ý: “Việc trang trí Trung tâm hiện nay cũng gặp rất nhiều vấn đề. Như nhà cửa rất nhiều, không kém phần lộn xộn. Tôi chỉ lưu ý vì nhà cửa lộn xộn cộng giao thông cũng lộn xộn cho nên chúng ta cũng nên tính toán chọn hình tượng nào cho phù hợp. Ở đây, các họa sĩ tham gia cũng nên tính giúp về không gian có đảm bảo khối kiến trúc khi đặt vào hay không? Tôi xin dẫn chứng như quả cầu đặt trước Ngân hàng nhà nước, quá khổ dẫn đến người dân không thấy con đường đằng sau. Mà với đô thị thì không thể làm như thế! Bởi thế chúng ta cần phải tính việc trang trí chỗ nào cần phải kín, chỗ nào cần phải trống, bởi vì chúng ta còn có một việc nữa là vấn đề giao thông. Nếu chúng ta trang trí mà bịt kín không biết phía sau trang trí cái gì thì cũng không phải. Mà làm quá thì không tạo được hình tượng. Quan điểm của tôi đây là một cuộc thi thiết kế và được tổ chức lần đầu cho nên chúng ta đang thiếu một việc là bản phối cảnh. Cho nên khi thiết kế như ở ngã tư Cửa Nam anh phải chụp ảnh và có tỷ lệ phù hợp đặt trong bối cảnh. Do đó, trong thể lệ cuộc thi cần phải yêu cầu các tác giả được mời tham gia dựng trang trí bổ sung thêm vấn đề bối cảnh”.
Hoa sĩ Trần Khánh Chương cũng lên tiếng về việc lộn xộn trong trang trí Hà Nội thời gian qua. Ông nhận định: “Việc trang trí đèn hiện nay vô cùng lộn xộn. Tôi phản đối việc kéo đèn qua đường. Ví dụ vào những ngày lễ chúng ta kéo đèn 2,3 ngày rồi cất đi, chứ để thường xuyên khiến người dân đi đường lúc nào cũng có cảm giác bất an. Ngoài ra, nếu vào buổi tối bật đèn còn xanh xanh, đỏ đỏ còn đẹp chứ vào ban ngày thấy treo lủng lẳng. Tôi đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao nên xem lại có nên làm như thế không? Thứ 2, tôi thấy trang trí đèn xanh xanh, đỏ đỏ hiện nay nhiều quá. Tôi đề nghị việc trang trí nếu thêm vào cảnh quan chung phải đẹp lên chứ không nên thêm vào để tạo ra sự phản cảm”.
Đồng quan điểm, họa sĩ Nguyễn Hùng Mai cho rằng: “Qua bao cấp lâu rồi mà sao công tác "cờ đèn kèn trống", trang trí đường phố của Thủ đô vẫn… bao cấp quá. Cổng Ô Quan Chưởng, rồi các cổng làng cổ rất đẹp, cứ đến lễ Tết lại nhằng nhịt cờ đuổi nheo, màu sắc xanh đỏ, phá tan hết không gian kiến trúc cổ kính của di tích”.
Họa sĩ Nguyễn Hùng Mai cũng cho rằng, việc Hà Nội lần đầu tiên tổ chức cuộc thi thiết kế trang trí là sự cầu thị, đáng hoan nghênh, góp phần làm thay đổi cách trang trí của Thủ đô, làm Hà Nội đẹp lên.
Nhiều mẫu thiết kế trang trí tại Thủ đô từng bị chê thiếu thẩm mỹ (ảnh minh họa saostar.vn)
Lấy ý kiến nhân dân
Tiếp thu những đóng góp của các họa sĩ về việc trang trí Thủ đô trong thời gian qua cũng như trong cuộc thi này, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội cho biết: Trước đây các đơn vị cá nhân tổ chức muốn trang trí đường phố thì nộp sản phẩm lên Sở, Sở sẽ có Hội đồng nghệ thuật xem xét rồi báo lên Thành phố, nhưng đúng là lúc đó có hai việc chưa làm được. Một là chưa lấy được ý kiến của các nhà chuyên gia một cách sâu sát. Thứ 2 là lấy ý kiến rộng rãi của cơ quan thông tin đại chúng, trong đó có nhân dân và cơ quan báo chí.
“Rút kinh nghiệm, lần này các tác phẩm tham dự cuộc phát động sau khi được Hội đồng chấm sẽ đưa lên các cơ quan thông tin đại chúng, người dân đóng góp. Sau đó chúng tôi mới quyết định làm. Chúng tôi phải thêm quy trình này để đúng với mục đích là phục vụ nhân dân. Muốn cho nhân dân tiếp nhận được những mẫu trang trí thì Sở mới làm. Nếu nhân dân bảo xấu chúng tôi sẽ không làm nữa. Tôi xin khẳng định rõ quan điểm như vậy. Có thể họa sĩ cho hay là đẹp, nhưng nhân dân bảo không được thì chúng tôi cũng không cho thể hiện ở ngoài đường phố. Bởi tôi xin nói rõ là chúng tôi phục vụ nhân dân chứ không phải phục vụ họa sĩ. Nhân dân và cơ quan báo chí sẽ là 2 đơn vị thẩm định cuối cùng trước khi Sở quyết định”- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội nhấn mạnh.
Rõ ràng, với sự cầu thị này, hy vọng trong các dịp lễ trọng của cả nước cũng như Thủ đô, Hà Nội sẽ được trang hoàng đẹp hơn, xứng tầm Thủ đô nghìn năm văn hiến./.
Hà An