(Tổ Quốc) -Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 Ủy ban TDTT cho rằng khi phát triển thể thao quần chúng thì đối tượng đầu tiên nên nghĩ tới là học sinh, sinh viên, bởi thế hệ này là tương lai của đất nước.
- 12.10.2016 HLV Hữu Thắng gây bất ngờ vì sự lựa chọn thay thế “hòn đá tảng” Quế Ngọc Hải
- 12.10.2016 Búp bê Nga tái xuất ấn tượng sau bê bối
- 12.10.2016 Đội hình 1 của Thái Lan sẽ trở lại AFF Cup?
- 12.10.2016 Olympic đang dần bị “ghẻ lạnh”
- 13.10.2016 U19 Thái Lan muốn gây chấn động với quốc tế
Và phải “động” ngay vào một thực trạng cấp bách hiện nay là phổ cập bơi cho các em. Quan điểm này cũng phù hợp với chủ trương của Bộ VHTTDL và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) trong việc phối hợp để tăng cường các hoạt động thể chất trong trường học.
Thực trạng cấp bách
Trong buổi làm việc với Tổng cục TDTT vào sáng 7.9, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã nêu lên trăn trở trước thực trạng đau lòng là Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ trẻ em tử vong do đuối nước cao. Thậm chí, theo báo cáo của Bộ LĐ,TB&XH, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 6.400 người bị đuối nước, trong đó hơn 50% là trẻ em và trẻ vị thành niên. Trung bình, mỗi năm nước ta có khoảng 3.500 trẻ bị chết đuối, nghĩa là có khoảng 9 trẻ tử vong do đuối nước mỗi ngày. “Thực trạng đau lòng ấy buộc chúng ta phải hành động ngay, không thể chần chừ bởi còn chậm trễ ngày nào thì nguy cơ về đuối nước còn đe dọa các em ngày ấy”, Bộ trưởng nói.
Ngay sau khi 9 học sinh chết đuối ở Quảng Trị và gần đây nhất là 2 học sinh tiểu học ở Hà Tĩnh đuối nước ngay sau lễ khai giảng vào ngày 5.9 vừa qua, yêu cầu về việc phổ cập bơi, trang bị thêm kỹ năng sống cho các em lại được đặt lên cấp bách hơn bao giờ hết. Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh cũng có chung quan điểm này. Ông Minh nói: “Tâm điểm của thể thao quần chúng là thể thao học đường nhưng vấn đề cấp bách nhất của thể thao học đường hiện nay là làm sao để phổ cập bơi cho các em, để giảm thiểu được tối đa những cái chết thương tâm vì đuối nước. Với những em học sinh sinh ra ở vùng sông nước Cửu Long, do sẵn có các điều kiện tự nhiên và tập quán sinh hoạt nên hầu như em nào cũng biết bơi. Trong khi đó, với những học sinh ở miền Bắc, miền Trung, do không phải là vùng sông nước nên các em gần như không có kỹ năng bơi. Nếu gia đình, nhà trường không trang bị kịp thời thì sự thiếu hụt đó đôi khi khiến con cái họ phải đối diện với những tình huống nguy hiểm”.
Cũng theo chuyên gia Nguyễn Hồng Minh thì Chính phủ đã ban hành chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em và có nhiều văn bản hướng dẫn triển khai. Nhiều địa phương cũng đã thực hiện và nếu Bộ VHTTDL phối hợp được với Bộ GD&ĐT để triển khai trong nhà trường thì sẽ có hiệu quả lớn. Tất nhiên điều này xuất phát từ việc các trường đều thiếu quỹ đất, cơ sở vật chất cho nhiều môn thể thao, nhất là thiếu bể bơi cho môn bơi. Nhưng nếu có quyết tâm, có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường với các đơn vị thể thao, các doanh nghiệp thì vẫn có thể làm được. “Dù có khó khăn nhưng nếu có quyết tâm, nhận thức thấu đáo được vấn đề thì sẽ thực hiện được thôi”, ông Minh nói.
Đến việc cần phải làm ngay
Ngoài việc nêu lên nỗi trăn trở lớn không chỉ của riêng ngành giáo dục, ngành thể thao mà còn là nỗi đau chung của nhiều gia đình và toàn xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng “bày cách” làm sao để việc phổ cập bơi được hiệu quả. “Trong việc này vai trò của Bộ GD&ĐT là rất quan trọng nhưng hầu hết các trường đều thiếu điều kiện về cơ sở vật chất để đáp ứng được việc phổ cập bơi cho các em. Vì thế cách tốt nhất là phải huy động được sự tham gia của toàn xã hội. Nhà trường có thể phối hợp với các Trung tâm thể thao để tận dụng cơ sở vật chất, rồi Tổng cục hỗ trợ các vấn đề về chuyên môn, sao cho thật bài bản, chuyên nghiệp. Chúng ta cũng kêu gọi sự tham gia góp sức của các doanh nghiệp, sự tham gia của từng gia đình đối với vấn đề cấp bách với mỗi người, mỗi nhà này. Thực tế đó đòi hỏi chúng ta phải làm quyết liệt và có kết quả ngay trong năm nay”, Bộ trưởng nói.
Cũng theo Bộ trưởng thì việc dạy bơi cho các em cũng đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ trang bị cho các em thêm kỹ năng sống. Trong quá trình dạy bơi, các HLV, giáo viên cũng nên trang bị thêm các kỹ năng phòng chống đuối nước cho các em bởi chỉ biết bơi không thì chưa đủ. Bộ trưởng chỉ đạo chương trình phổ cập bơi sẽ được làm điểm ở những địa phương có tỉ lệ trẻ em chết do đuối nước cao trước khi được nhân ra thành phong trào trên cả nước. Ông cũng lưu ý để người dân ý thức được tầm quan trọng và việc phổ cập bơi được hiệu quả, sớm thấy kết quả thì ngành thể thao phải phối hợp với Bộ GD&ĐT đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền. “Giải quyết thực trạng cấp bách này cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội, trong đó vai trò của Bộ GD&ĐT, vai trò của nhà trường, gia đình là vô cùng quan trọng. Ngoài ra còn là sự góp sức của các doanh nghiệp, các cơ quan thông tấn báo chí, sẽ góp phần định hướng dư luận xã hội, thay đổi nhận thức. Để đuối nước không còn là nỗi đau của nhiều gia đình, xã hội, chúng ta cần hành động ngay từ bây giờ”, Bộ trưởng nói.
200 học viên dự tập huấn phương pháp dạy bơi
Hôm qua 8.9, tại Trung tâm Bơi lội Trường ĐH TDTT Bắc Ninh, Tổng cục TDTT đã phối hợp với Vụ Công tác học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT) và Trường Đại học TDTT Bắc Ninh tổ chức lớp tập huấn phương pháp dạy bơi, cứu đuối khu vực phía Bắc, từ ngày 8 - 15.9.
Khóa tập huấn có sự tham gia của 200 học viên là các cán bộ, hướng dẫn viên làm công tác TDTT, các giáo viên thể dục tại các trường tiểu học và trung học cơ sở đại diện cho 25 tỉnh, thành khu vực phía Bắc. Tại lớp tập huấn các học viên sẽ được các giảng viên có nhiều kinh nghiệm trong công tác chuyên môn dạy bơi, cứu đuối, sơ cứu người bị đuối nước. Kết thúc lớp tập huấn các học viên được trao giấy chứng nhận của Tổng cục TDTT.
(Theo báo Văn Hóa)