• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Dàn dựng tác phẩm nghệ thuật không phải lấy danh vọng mà muốn được sống trọn đam mê

Văn hoá 04/05/2018 11:51

(Tổ Quốc) – Đây là chia sẻ của Phó Giám đốc Nhà hát Cải  lương Việt Nam, NSND Hoàng Quỳnh Mai về chuyện đời, chuyện nghề cũng như nỗi trăn trở để giữ gìn nghệ thuật truyền thống...

Khán giả trẻ chính là tương lai của sân khấu

+ Chị có thể tiết lộ vở Cải lương sắp tới Nhà hát kịch Việt Nam sắp ra mắt khán giả?

- Hiện tại tôi đang tiến hành dựng vở “Chiếc áo thiên nga” chủ đề nói về thành Cổ Loa. Kịch bản này tôi đã ấp ủ khá lâu, tôi thấy đây là một kịch bản hay. Hay từ những câu thoại như: “Gươm đao không chỉ có trong chiến trang, gươm đao có trong vàng, trong ngọc”.

 NSND Hoàng Quỳnh Mai

Thông qua vở cải lương chúng tôi muốn gửi gắm thông điệp đến với khán giả, đó là phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và không được làm mai một. Khi mất đi bản sắc văn hóa dân tộc có nghĩa chúng ta đã có nguy cơ đánh mất nước.

+ Thông thường nghề đạo diễn sẽ hợp với nam giới hơn nhưng là phận nữ nhi, tại sao chị lại vẫn quyết định lựa chọn làm nghề đạo diễn nhiều vất vả này?

- Cho đến thời điểm này, tôi là một trong số ít những nghệ sĩ nữ chuyển sang làm đạo diễn sân khấu. Có thể khẳng định, nghề đạo diễn rất khắc nghiệt và đòi hỏi rất lớn từ thể lực lẫn tinh thần.

Bên cạnh đó, phải am hiểu sâu sắc và có những chiến lựợc, tính quyết đoán thật mạnh mẽ và lên sàn diễn phải đúng vai trò thủ lĩnh. Trong khi phụ nữ thường khá mong manh, thậm chí yếu đuối.

Tôi làm nghề trước tiên là tôi có tình yêu mãnh liệt với sân khấu Cải lương. Tôi luôn khát khao được sáng tạo, được cống hiến cho nghề. Tôi dàn dựng một tác phẩm nghệ thuật không phải lấy danh vọng mà muốn được sống trọn đam mê. Cái quan trọng là kéo khán giả đến với Cải lương.

+ Hiện nay, chị đã có một danh hiệu cao quý cũng như có một vị trí nhất định trong nghề nghiệp. Thành công là thế, vậy có khó khăn nào chị từng gặp phải?

- Tôi làm nghề đã trên 20 năm, thành công cũng có đấy nhưng cạnh đó còn vô vàn khó khăn, trở ngại.

Nhiều lúc nhìn lại tôi còn giật mình. Với sức vóc bé nhỏ, lại làm nghề không mấy phù hợp với phái nữ là đạo diễn nhưng tôi vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng.

 "Làm thế nào để gìn giữ, bảo tồn, phát triển được sân khấu, đấy là trách nhiệm của những người nghệ sĩ "

Khi tôi lựa chọn theo nghề đạo diễn, hầu hết bạn bè, gia đình và đồng nghiệp không tin tôi có thể bám trụ được với nghề. Nhưng tình yêu lớn với nghệ thuật sân khấu đã giúp tôi vượt qua mọi trở ngại.

Con đường theo nghề của tôi cũng khá may mắn, từ những bước đi đầu tiên chập chững đến với nghề, tôi may mắn được theo học các cây cổ thụ của sân khấu Việt Nam như: NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Lê Hùng…

Sau nhiều năm lăn lộn với nghề, tôi đã phải giá nhiều như nhan sắc, sức khoẻ… Nhìn lại thì chặng đường mình đã qua không hề dễ dàng chút nào, nhưng tôi có đam mê và luôn rèn luyện phấn đấu, cộng với tâm niệm mình được “tổ nghiệp đãi”. Đặc biệt, được ban lãnh đạo cơ quan quan tâm tạo điều kiện nên tôi đã cố gắng vượt qua những khó khăn.

Thú thực, tôi luôn nghiêm khắc với chính bản thân, nỗ lực học tập một cách nghiêm túc.

Có nhiều lúc mệt mỏi, muốn buông xuôi, nhất là khi sân khấu truyền thống gặp khó khăn và thoái trào, đặc biệt là đối với sân khấu cải lương. Thế nhưng, với sự yêu nghề và được đồng nghiệp động viên, chúng tôi đã cùng nhau vượt qua khó khăn.

Mỗi vở diễn dựng lên đều là thành quả của cả một tập thể, có được thành công là động lực cho những người làm nghề như chúng tôi bước tiếp. Trong mỗi thành công đó còn có phần đóng góp đáng kể của các khán giả. Sân khấu không có khán giả thì không gọi là sân khấu, và khán giả còn kỳ vọng, yêu mến thì người nghệ sĩ sẽ phải có trách nhiệm và cống hiến hết mình.

+ Hiện nay, sân khấu Cải lương đang vắng bóng khán giả và giới trẻ không mấy mặn mà. Chị có suy nghĩ sao về thực trạng này?

- Đây không chỉ riêng mình tôi mà nhiều nghệ sĩ, các lãnh đạo cũng luôn trăn trở.

Tôi hay nhiều nghệ sĩ luôn lao động để sáng tạo, nỗ lực hết mình giữ lấy nghiệp tổ. Chúng tôi rất chạnh lòng khi thấy khán giả không mấy mặn mà với sân khấu cải lương, nhất là khán giả trẻ.

Ngoài khán giả trung niên yêu thích sân khấu dân tộc thì thế hệ khán giả tiếp nối phải quan tâm thì sân khấu mới có thể tiếp tục tồn tại. Thế hệ khán giả trẻ chính là tương lai của sân khấu, vì thế phải tìm hướng cho họ tiếp cận và đón nhận sân khấu truyền thống. Đó là trọng trách của người nghệ sĩ trong giai đoạn này.

Bên cạnh đó, tôi mong muốn Nhà nước có sự quan tâm đến sân khấu dân tộc nhiều hơn. Cần có các chính sách đầu tư cho người nghệ sĩ làm nghề, đào tạo và giữ gìn nghề. Tiếp đó là việc đưa các loại hình sân khấu nghệ thuật dân tộc như tuồng, chèo, cải lương, múa rối… là hồn cốt tạo nên văn hóa Việt đến với công chúng.

Tôi được biết đã có đề án đưa sân khấu dân tộc vào học đường, để từ bậc tiểu học các em đã được tiếp cận với các bộ môn nghệ thuật dân tộc này, đó là hướng đi đúng đắn để tạo sự bền vững khi giữ gìn, bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống. 

Tình yêu nghề phải luôn rực cháy mới truyền lửa

+ Theo chị, chúng ta cần làm gì để “truyền lửa” đam mê cho thế hệ diễn viên trẻ?

- Sân khấu còn khó khăn, khủng hoảng, để người đi trước mà truyền lửa nghị lực cho các bạn trẻ "cháy bỏng” đó là điều không dễ dàng đối với thời điểm hiện nay.

Nhưng với vị trí là người thầy dẫn dắt các bạn nghệ sĩ trẻ, chúng ta muốn các bạn yêu nghề, trước hết chúng ta phải có một tình yêu lớn, phải luôn hừng hực cháy. Nếu chúng ta bất lực đứng nhìn mọi khó khắn thì giới trẻ cũng sẽ nản và không dám quyết tâm theo đuổi.

Ngày nay cơm áo, gạo tiền cũng có ảnh hưởng nên chúng ta phải khắc phục. Tôi nghĩ, cần phải có cơ chế đặc thù để nghệ sĩ trẻ dấn thân vào nghề.

+ Vậy chị có điều gì muốn gửi gắm các bạn trẻ quan tâm và theo con đường Cải lương chuyên nghiệp?

- Nếu các bạn trẻ yêu thích nghề và muốn đến với Cải lương thì hãy dành cho sân khấu Cải lương một tình yêu lớn, sự quan tâm cũng như hiểu biết nhiều hơn.

Bộ môn sân khấu Cải lương cũng là một trong những niềm tự hào của văn hoá Việt. Vì thế tôi tin các bạn sẽ không bao giờ quay lưng lại với nó. Các bạn hãy quan tâm sâu sắc đến sân khấu nói chung và sân khấu kịch hát dân tộc truyền thống, trong đó có sân khấu Cải lương. Đó là di sản quý giá của ông cha để lại. Và các bạn chính là điều kiện đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của sân khấu dân tộc sau này.

+ Trên cương vị là người lãnh đạo, đồng thời là một nghệ sĩ tâm huyết với Cải lương, chị đã có những kế hoạch nào sắp tới?

- Mỗi năm tôi cùng đồng nghiệp sẽ đóng góp và sáng tạo một tác phẩm, mang đến cho công chúng những vở diễn hay theo đúng phong cách của nhà hát Trung ương. Dù có sóng gió khó khăn thế nào đi nữa thì Nhà hát Cải lương Việt Nam vẫn luôn đứng vững.

+ Xin chân thành cảm ơn NSND Hoàng Quỳnh Mai!

 

 

Tường Vy

NỔI BẬT TRANG CHỦ