• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vị tướng già và hồi ức về Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Văn hoá 30/04/2024 08:23

(Tổ Quốc) - Để mở con đường bí mật phục vụ chiến dịch Tây Nguyên (3/1975), bộ đội Trường Sơn chia thành từng nhóm nhỏ, cưa sát gốc cây nhưng phải để lại 1 phần cho cây khỏi đổ, tránh bị địch phát hiện. Dưới những tán rừng lặng lẽ là cả một cuộc trường chinh với sự tham gia của mấy chục nghìn quân, hàng nghìn xe ô tô, xe tăng, pháo lớn. Núi rừng Trường Sơn đang ẩn chứa sức mạnh to lớn mà đối phương không thể nào hình dung nổi.

Nhân kỷ niệm 49 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975-2024), Thiếu tướng Võ Sở (95 tuổi), nguyên Chính ủy Binh đoàn 12, hiện là Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, đã chia sẻ với chúng tôi về những năm tháng hào hùng của dân tộc mà bản thân ông vinh dự được góp mặt vào một phần lịch sử.

Vị tướng già và hồi ức về Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - Ảnh 1.

Thiếu tướng Võ Sở

Sinh ra trong một gia đình nghèo thuộc xã Phổ Cương-huyện Đức Phổ-tỉnh Quảng Ngãi có 5 người con, thiếu tướng Võ Sở là người con út trong gia đình nên mọi tình yêu thương, sự chiều chuộng đều được mẹ dành cho nhiều nhất. Bố ông mất sớm do bị bệnh, để lại cho bà năm đứa con thơ.

Cuộc sống nơi làng quê nghèo luôn bị giặc tàn phá cướp bóc, hàng ngày bà phải lên rừng kiếm củi, rồi đi làm thuê cho những gia đình khá giả để kiếm gạo nuôi con. Dù khó khăn vất vả nhưng chưa một lần bà kêu than hay bắt các con phải đi làm thuê cuốc mướn, bà chỉ mong các con bà có được cuộc sống ổn định hơn, hạnh phúc hơn cuộc sống mà vợ chồng bà đã phải trải qua.

Sống giữa mảnh đất mà phong trào cách mạng lên cao, bà động viên các con lần lượt tham gia cách mạng, chỉ riêng người con út bà dành hết tiền của chắt bóp được cho theo học, để hy vọng trong nhà có người biết chữ học thành tài sau này trở thành thầy giáo cũng là niềm tự hào của cả gia đình. Vì thế trong những ngày theo học bậc trung học ở Quy Nhơn, bà đích thân lặn lội mang gạo, quần áo và những thứ cần thiết cho đứa con trai út để cho con yên tâm học hành, nhưng cũng chính thời gian này lý tưởng cách mạng đã soi sáng trong tâm trí của người thanh niên trẻ.

Thiếu tướng đã tham gia vào đoàn quân của Mặt trận Việt Minh, tích cực hoạt động trong các phong trào của học sinh tại Quy Nhơn. Người mẹ dù hơi thất vọng vì con không theo nghiệp cầm bút nhưng vẫn động viên con, "bao giờ đất nước hết quân thù thì con học tiếp hãy còn chưa muộn".

Vào Trường Sơn, ông là cán bộ chịu khó lăn lộn với thực tiễn, với bộ đội. Khi công việc yêu cầu hoặc khi điều kiện cho phép, ông lại bươn bả trên các nẻo đường, xuống từng binh trạm, từng đơn vị. Lúc thì theo dõi, bám nắm tình hình, khi truyền đạt nhiệm vụ, cùng chỉ huy đơn vị động viên bộ đội, giúp đơn vị tháo gỡ khó khăn… Có nhiều kỷ niệm vui buồn từ các chuyến đi đó.

Ví như đầu mùa khô 1966-1967, ông được cử làm phái viên ở Binh trạm 32 và Binh trạm 33, đôn đốc việc khắc phục ách tắc ngầm Tha Mé, là một trong những trọng điểm vượt Đường số 9. Một buổi tối, xe chở ông cùng ông Hoàng Phú Túc, Viện trưởng Viện Kiểm sát, Bộ tư lệnh 559 và mấy anh em cùng cơ quan chạy lẫn trong đội hình xe chở hàng, chuẩn bị vượt ngầm Tha Mé. Ngồi trong xe, bỗng ông thấy tiếng máy bay ào qua, một chùm pháo sáng treo ngay đỉnh đầu. Phát hiện mục tiêu, máy bay địch tập trung ném bom và bắn đạn 20mm như vãi trấu. Đất trời như điên đảo, nghiêng ngả. Một quả bom nổ rất gần, tung cả tảng đá lớn lên cao, rơi trúng ông Hoàng Phú Túc. Ông Túc kêu to: "Chết tôi rồi các anh ơi!". Võ Sở ôm choàng lấy ông Túc, sờ khắp người nhưng không thấy ướt. Mừng quá, ông bật cười và nói: "Không chết được. Còn kêu được là còn sống". Mọi người cười vui. Vậy là thoát chết.

Vị tướng già và hồi ức về Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - Ảnh 2.

Vị tướng già và hồi ức về Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - Ảnh 3.

Dưới tán cây lặng lẽ là cả một cuộc trường chinh của dân tộc

Lần khác, ông xuống nắm tình hình vận chuyển dọc Đường 20-Quyết Thắng, giải tỏa trọng điểm A.T.P. Tới ngầm Ta Lê, xe bất ngờ sa xuống một hố bom, bị lật nghiêng. Cả 8 người, trong đó có Võ Sở không kịp ra khỏi xe, bị dồn xuống nước. May nhờ một chiến sĩ lái xe khác tháo tời tròng vào đầu xe của ông, nổ máy đưa xe qua ngầm. Bất ngờ máy bay địch ập đến. Từng loạt bom chụp xuống, một loạt bom rơi đúng chỗ xe vừa sa xuống. Cả đoàn thoát chết trong gang tấc.

Ông bảo đó là những lần cười vui trong bom đạn. Nhưng cũng có những nỗi đau, mất mát to lớn đi theo tâm trí vị tướng già. Ở tuổi 95, những ký ức về sự hy sinh của đồng đội vẫn còn in đậm trong ông. Đó là thời điểm cuối năm 1968, ở Binh trạm 32, Mỹ ném bom trúng trận địa phòng không khiến gần 50 chiến sĩ cao xạ hi sinh. Ở Binh trạm 31, một loạt bom đã chôn vùi 12 chiến sĩ công binh trong hang núi Seng Phan. Để kéo được 30 phi xăng ngược suối Trạ Ang, 29 chiến sĩ Binh trạm 14 đã mãi mãi nằm lại. Năm 1972, Tiểu đoàn Ca nô 166 tham gia Chiến dịch giải phóng Quảng Trị, 50 chiến sĩ hy sinh; nhiều người đến nay vẫn chưa được tìm thấy hài cốt. Hay đầu tháng 3/1973, chỉ một ngày sau khi ký Hiệp định Paris, bom B52 của Mỹ đã đánh vào sở chỉ huy Trung đoàn 592 trên đất Lào. 20 chàng trai, cô gái mãi mãi gửi lại tuổi thanh xuân trên dải Trường Sơn.

Tướng Võ Sở cho hay, ông và đồng đội đã phải chiến đấu trong điều kiện thiếu thốn trăm bề và khí hậu khắc nghiệt của núi rừng Trường Sơn. Có khi, chiến sĩ phải mặc quần áo ướt hàng tuần, phải ăn măng le, củ chuối thay cơm, nhưng hàng đảm bảo cho chiến trường thì không tơ hào một cân, một lạng.

Vị tướng già và hồi ức về Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - Ảnh 4.

Xen kẽ những ngày đốc chiến tại Sư đoàn 471, ông Sở sang nắm tình hình các Trung đoàn 574, 575 mở đường chiến dịch từ nam Đức Cơ xuống Chư M'nga. Trên hướng Bắc Buôn Ma Thuột, Trung đoàn 575, do các ông Nguyễn Văn Châu và Nguyễn Văn Liễu chỉ huy, khẩn trương khôi phục các trục đường 48, 50.

Từ giữa tháng 2/1975, Trung đoàn tiếp tục mở một trục dọc gồm đường 50B và hai nhánh là đường 50C, 50D. Tổng chiều dài trục đường này lên tới gần 60km. Khi cách thị xã Buôn Ma Thuột chừng 20km, chỉ huy trung đoàn được lệnh cho bộ đội tạm dừng, chuẩn bị vật liệu, phương tiện để khi có lệnh là hoàn tất quãng đường còn lại trong một ngày đêm.

"Chính thời gian này, anh em công binh đã bí mật tổ chức thành từng nhóm nhỏ, cưa cắt sát gốc những cây to dọc trục đường sẽ mở, chỉ để lại một phần cho cây khỏi đổ; đào đặt sẵn lượng nổ cần thiết vào những gò đống phải phá... Tất cả sẵn sàng chờ lệnh thông đường để thiết giáp nhanh chóng tiếp cận mục tiêu. Phát huy cao độ sức mạnh và trí tuệ tập thể, đến ngày 4/3, trục đường do Trung đoàn 575 mở từ hướng Bắc đã vào đến bản Sở Hia, Chữ M'nga cách thị xã Buôn Ma Thuột chừng 20km mà kẻ địch không hay biết gì.

Để có được kết quả đó, cũng phải kể đến sự ưu ái của núi rừng Trường Sơn "rừng che bộ đội, rừng vây quân thù". Dưới những tán rừng lặng lẽ là cả một chiến dịch với sự tham gia của mấy chục nghìn quân, hàng nghìn xe ô tô, xe tăng, pháo lớn. Núi rừng Trường Sơn đang ẩn chứa sức mạnh to lớn mà đối phương không thể nào hình dung nổi", vị tướng già rưng rưng kể.

"Ở Trường Sơn, không ngày nào không có tiếng bom đạn. Từng cung đường, trọng điểm, từng vạt rừng, bờ suối bị cày xới bởi hàng triệu tấn bom đạn, hàng chục triệu lít chất độc hóa học. Ở đó, đất đá trộn lẫn sắt thép, thấm đẫm mồ hôi và máu của những người lính Trường Sơn. Mỹ đã lấy sức mạnh quân sự khủng khiếp hòng hủy diệt sức sống Trường Sơn, bóp nghẹt tuyến chi viện của ta, nhưng đâu ngờ rằng, bom đạn, chết chóc chỉ làm cho những chiến sĩ Trường Sơn ý chí thêm vững vàng, tinh thần thêm sắt đá", vị tướng già nhớ lại.

Vị tướng già và hồi ức về Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - Ảnh 5.

Thiếu tướng Võ Sở chia sẻ những ký ức về Trường Sơn

Trong Chiến dịch Tây Nguyên (tháng 3/1975), Thiếu tướng Võ Sở là Phó Chủ nhiệm Chính trị, Đảng ủy viên Bộ Tư lệnh Trường Sơn, là phái viên đốc chiến trên chiến trường (cấp bậc thượng tá).

Cho đến bây giờ, ở tuổi 95, ông vẫn nói kỷ niệm đặc biệt nhất với ông là trong những ngày tháng 4/1975 lịch sử, ông được về quê thăm mẹ. Khi ấy, chiến dịch như gió lốc, đang là Phó chủ nhiệm chính trị Bộ đội Trường Sơn, ông Võ Sở được trên giao bám đốc chiến Sư đoàn 471 chuyển nhanh hơn 6.000 tấn đạn pháo lớn và khí tài vật tư bảo đảm cho chiến trường. Trên đường hành tiến vào Sài Gòn, ông được phép về Ninh Hòa (Khánh Hòa) thăm mẹ, thăm quê. Ngày 15/4, ông về tới thôn Lạc Ninh, huyện Ninh Hòa, nơi mẹ và chị ông từng nương náu nhưng lại được tin mẹ và chị đã về Quảng Ngãi từ hơn một năm trước, nay không biết còn hay mất. Rời Lạc Ninh, ông ngược xe ra Quảng Ngãi. Sốt ruột muốn sớm được gặp mẹ, ông liên tục giục lái xe tăng tốc. "Cuối cùng, điều mong mỏi đến cháy lòng của tôi cũng đã thỏa nguyện. Trưa đó, tôi gặp lại mẹ già và người chị thân thương sau 20 năm trời xa cách tại chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Xuống xe, lao vội về nhà, tôi kêu như lạc giọng: "Mẹ ơi! Con đã về đây với mẹ!". Sau giây phút bàng hoàng, mẹ và chị ôm riết lấy tôi, nói: "Vậy là mẹ vẫn còn sống để được gặp con. Tưởng là hai năm mà đã 20 năm…!". Nghe mẹ nói, nước mắt tôi trào ra. Nước mắt của niềm vui, hạnh phúc được gặp lại mẹ và chị"-ông Võ Sở nhớ lại.

Sau giây phút chớp nhoáng gặp gia đình, ông lại cùng các chiến sĩ hành quân tiến vào Sài Gòn. Trong ngày 30/4/1975 lịch sử, ông Võ Sở có mặt trong nhánh quân tiến vào Sài Gòn tiếp quản Tổng Nha cảnh sát. Giây phút nhìn gương mặt hân hoan của nhân dân Sài Gòn đổ ra đường, cờ hoa tung bay rực rỡ đón chào quân Giải phóng, ông Võ Sở tin rằng, con đường mà ông và bao nhiêu thanh niên thế hệ của ông đã lựa chọn, hy sinh tuổi thanh xuân và cả máu xương để giành lại độc lập, thống nhất đất nước là hoàn toàn đúng đắn và đã đến ngày thành công!

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ