• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đánh giá kỹ thực trạng, hiệu quả và sự cần thiết của Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Kinh tế 27/03/2023 16:36

(Tổ Quốc) - Đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu đánh giá kỹ thực trạng, hiệu quả và sự cần thiết của Quỹ; điều hành phải công khai, minh bạch, hiệu quả, bảo đảm tuân thủ theo các quy định của pháp luật, tôn trọng quy luật của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trường hợp không phát huy hiệu quả thì nghiên cứu, đề xuất phương án đối với Quỹ.

Đánh giá kỹ thực trạng, hiệu quả và sự cần thiết của Quỹ bình ổn giá xăng dầu - Ảnh 1.

Hình minh họa

Tổng Thư ký Quốc hội vừa ký ban hành thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Giá (sửa đổi). Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Ủy ban Tài chính, Ngân sách và Cơ quan soạn thảo trong việc tiếp thu, giải trình, hoàn thiện Dự thảo Luật. Các cơ quan đã tiếp thu, chỉnh lý khá công phu, nhiều nội dung có căn cứ, lập luận, có cơ sở và có tính thuyết phục.

Đối với Dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị lưu ý một số nội dung. Trong đó, đối với những nội dung còn có ý kiến khác nhau, tiếp tục làm rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý thực tiễn, ưu, nhược điểm của từng loại ý kiến để xin ý kiến hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu rà soát để tuân thủ đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là quy định về áp dụng luật tại Điều 3; rà soát, thống nhất với các luật khác, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; lưu ý thống nhất với các quy định về giá dịch vụ khám, chữa bệnh tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh; quy định về giá đất, tài chính đất đai trong Dự thảo Luật Đất đai; quy định về thẩm định giá trong Luật Quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và các luật khác có quy định về thẩm định giá; rà soát kỹ các điều kiện chuyển tiếp.

Cùng với đó là tiếp tục hoàn thiện quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan trung ương, chính quyền địa phương đảm bảo khả thi, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị, tương thích với phạm vi điều chỉnh của luật, đảm bảo xuyên suốt từ trung ương đến địa phương.

Tiếp tục rà soát các trường hợp và biện pháp bình ổn giá; tiêu chí, phương pháp, thẩm quyền định giá; danh mục và các trường hợp hàng hóa, dịch vụ nhà nước định giá; cơ sở, căn cứ để hiệp thương giá, vai trò của nhà nước, trách nhiệm và vai trò của tổ chức, cá nhân trong hiệp thương giá; tính cụ thể, khả thi, công khai, minh bạch trong kê khai, niêm yết, tham chiếu giá và kiểm tra yếu tố hình thành giá; cụ thể hơn về đàm phán giá để bảo đảm tính khả thi; quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong bình ổn giá; bảo đảm vận hành theo cơ chế thị trường có quản lý và định hướng quản lý của Nhà nước để hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp và nhất là bảo vệ lợi ích của người yếu thế.

Hoàn thiện các nguyên tắc, tiêu chuẩn, thẩm định giá, quyền hạn, trách nhiệm của thẩm định viên, doanh nghiệp thẩm định giá, hội đồng thẩm định giá của Nhà nước, số lượng, tiêu chuẩn thành viên Hội đồng đảm bảo chặt chẽ, khả thi, gắn trách nhiệm với quyền hạn.

Đánh giá kỹ thực trạng

Về bình ổn giá, cụ thể là về thẩm quyền quyết định mặt hàng bình ổn giá, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị đánh giá kỹ lý do đề nghị thay đổi thẩm quyền quyết định điều chỉnh danh mục hàng hóa bình ổn giá so với quy định hiện hành, đánh giá tác động ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của công dân, của doanh nghiệp. Nghiên cứu giữ như quy định hiện nay, Quốc hội quyết định danh mục hàng hóa bình ổn giá trong Luật, trong thời gian giữa 02 Kỳ họp, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp gần nhất.

Về tiêu chí bình ổn giá, cần bổ sung tiêu chí giá hàng hóa, dịch vụ biến động lớn, có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.

Về Quỹ bình ổn giá, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cần có quy định về bình ổn giá trong Luật. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu đổi tên Điều thành các biện pháp về bình ổn giá, quy định rộng hơn về các biện pháp bình ổn giá, tương thích với Luật Phòng thủ dân sự, Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp và các luật về khắc phục sự cố, thảm họa; hoàn thiện cơ chế quản lý Quỹ, quy định nguyên tắc, điều kiện thành lập Quỹ, nguồn hình thành Quỹ, thời hạn hoạt động của Quỹ và giao cho Chính phủ quyết định; bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích trước khi giao Chính phủ quyết định thành lập Quỹ.

Đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, cần đánh giá kỹ thực trạng, hiệu quả và sự cần thiết của Quỹ; điều hành phải công khai, minh bạch, hiệu quả, bảo đảm tuân thủ theo các quy định của pháp luật, tôn trọng quy luật của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trường hợp không phát huy hiệu quả thì nghiên cứu, đề xuất phương án đối với Quỹ.

Về các hành vi bị cấm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu, quy định cụ thể, chi tiết, định lượng hóa khái niệm "bất hợp lý", bảo đảm tính khả thi, tránh lạm dụng.

Bảo Trân

NỔI BẬT TRANG CHỦ