(Tổ Quốc) -Mới đây, Bộ Tài chính đã đưa ra đề xuất đánh thuế 0,4% hàng năm với nhà có giá trị trên 700 triệu đồng đã gây ra nhiều tranh cãi từ các chuyên gia đến người dân với sự lo sợ về giấc mơ an cư lạc nghiệp.
- 14.04.2018 Người sở hữu nhà ở trên 700 triệu đồng sẽ bị thu thuế?
- 15.04.2018 Đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng: “Nghe như sét đánh ngang tai”
- 16.04.2018 Chuyên gia: “Tôi không ủng hộ việc đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng”
- 17.04.2018 Ông Đặng Hùng Võ: Muốn đánh thuế nhà, tiền thuế của dân phải được sử dụng đúng
- 17.04.2018 Thủ tướng: Đề xuất về thuế tài sản chưa phải kết luận cuối cùng
- 17.04.2018 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Chính phủ chưa xem xét đề xuất xây dựng thuế tài sản của Bộ Tài chính
Theo đó Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế tài sản như: ô tô, du thuyền… có giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên; riêng nhà ở có giá trị trên 700 triệu đồng sẽ bị đánh thuế khoảng 0,4%/năm cho phần vượt quá con số 700 triệu.
Ngay khi đề xuất này của Bộ Tài chính đưa ra đã vấp phải những tranh cãi chiều của dư luận. Câu hỏi đặt ra là, tại sao với các tài sản như ô tô, du thuyền – được cho là xa xỉ thì Bộ Tài chính đưa ra định mức thu thuế khi giá trị vượt quá 1,5 tỉ, mà nhà ở -thứ thiết yếu của mỗi con người lại áp mức thuế khi chỉ có trị giá trên 700 triệu?.
Bộ Tài chính cũng cho rằng cơ sở đề xuất xây dựng Luật Thuế tài sản là để tăng thu ngân sách và phù hợp với thông lệ quốc tế. Về việc tăng thu ngân sách là chính đáng, nhưng tăng như thế nào, tăng phải phù hợp thì cần phải xem xét sao cho thấu tình đạt lý.
Ảnh minh họa/dantri.com.vn |
Còn việc đánh thuế tài sản với nhà ở có giá trị trên 700 triệu đồng theo Bộ Tài chính là phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên bất kỳ một sự học hỏi nào từ các nước khác khi áp dụng tại Việt Nam phải căn cứ vào tình hình đời sống, xã hội… của nước đó chứ không thể áp dụng cứng nhắc.
Hiện nay, nếu căn cứ vào giá thị trường thì ở các đô thị, khu kinh tế phát triển liệu bao nhiêu ngôi nhà có thể mua được dưới giá 700 triệu để không phải chịu thứ thuế này?. Có lẽ câu trả lời sẽ cho ra một con số, là nhà dưới 700 triệu ít hơn so với số nhà có giá trên 700 triệu. Bởi vậy, dự Luật này sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều gia đình.
Về phía người dân, khi mới nghe đề xuất đánh thuế này có lẽ nhiều người đã vội nhẩm ngay giá trị của ngôi nhà mình đang ở với giá thị trường để xem mỗi năm sẽ phải cõng thêm bao nhiêu tiền thuế. Mặc dù sự định giá của Bộ Tài chính chưa chắc đã trùng (có thể cao hơn, hoặc thấp hơn) với sự định giá của thị trường, nhưng với cách đánh thuế như đề xuất này thì không khỏi khiến nhiều người lo lắng tình trạng “thuế chồng thuế”, rất khó thuyết phục.
An cư rồi mới lạc nghiệp, quan niệm này đã ăn sâu vào nếp nghĩ của số đông về nhu cầu có một ngôi nhà đứng tên chủ sở hữu. Phải thấm cảnh đi ở nhà thuê chật chội, phải di chuyển hết chỗ này đến chỗ khác với vô vàn những hệ lụy đằng sau: đồ đạc thất lạc, con cái chuyển trường, giá cả điện nước đắt đỏ… mới thấy giá trị ngôi nhà của mình. Ngôi nhà không chỉ là tài sản, đó còn là thành quả bền bỉ lao động, tích lũy, là niềm tự hào của mỗi người. Và để có được ngôi nhà, mỗi người dân đã phải chịu không ít thứ thuế, phí.
Thử làm một phép tính thế này, một người khi mua đất, làm sổ đỏ – đóng thuế, mua vật liệu xây nhà – đã tính thuế, hàng năm đóng thuế đất, sắm sửa bất cứ tiện nghi gì trong nhà cũng đã tính thuế trong đó. Nếu chủ mảnh đất kinh doanh có mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên, thì phải đóng các loại thuế, phí: Lệ phí môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên (nếu có), thuế bảo vệ môi trường (nếu có), phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản (nếu có). Còn chủ nhân của mảnh đất đó không kinh doanh, mà chỉ đi làm thuê, nếu có mức thu nhập cao thì phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Vậy tại sao Bộ Tài chính lại “đẻ thêm” một thứ thuế nữa?.
Trừ những người giàu có – mà số này luôn ít hơn tầng lớp trung lưu và người nghèo, thì với mức lương trung bình hiện nay không phải ai cũng có nhiều sự tích lũy để mua đất, xây nhà. Không ít trong số họ phải chấp nhận đi vay khắp nơi để có cơ hội mua đất, xây nhà, và sau đó “kéo cày trả nợ”. Nếu phải đóng thêm thứ thuế từ đề xuất của Bộ Tài chính thì e rằng con đường kéo cày trả nợ của họ sẽ còn phải dài thêm. Và như thế giấc mơ ngàn đời nay của cha ông ta đã thay đổi, dù đã “an cư” cũng không dễ “lạc nghiệp”.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Không những vậy, cũng có trường hợp mảnh đất hay căn nhà có giá trị cao vài chục tỉ, là tài sản thừa kế từ đời trước để lại. Khi được thừa kế lại, chủ nhân mới của khối tài sản đó muốn giữ làm kỷ niệm, nhưng lại không có thu nhập cao hàng tháng. Vậy nếu áp thuế theo cách mà Dự Luật Thuế tài sản của Bộ Tài chính đưa ra thì vô hình chung họ phải gánh một thứ tiền thuế không nhỏ. Hoặc là buộc họ phải bán nhà nếu không đủ khả năng trả tiền thuế này, như vậy dự Luật này có nhân văn?.
Mới đây, Chính phủ đã khẳng định, dự Luật Thuế tài sản của Bộ Tài chính đưa ra thời gian qua chưa phải kết luận cuối cùng, Chính phủ chưa xem xét dự Luật này và đề nghị Bộ Tài chính cần lắng nghe ý kiến từ dư luận. Đây có thể coi là động thái cần thiết để Bộ Tài chính xem xét lại dự Luật trong thời gian tới để hài hòa, hợp tình, hợp lý, không làm ảnh hưởng đến mong muốn tốt đẹp của người lao động chân chính: an cư, lạc nghiệp!.