(Tổ Quốc) - Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đã không làm phim nhiều năm qua, nhưng ông vẫn luôn có mặt tại các sự kiện điện ảnh. Theo ông, đó là cách để học tập, để theo dõi các nhà làm phim trẻ. Tại mỗi Liên hoan phim Việt Nam, ông đều mong chờ sẽ có những nhân tố mới, những tác phẩm nổi bật.
Là đạo diễn miền Bắc đầu tiên tự đi vay tiền để làm phim xã hội hóa từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Cũng là đạo diễn đầu tiên làm "phim thị trường" mà giành giải Bông sen bạc (không có Bông sen vàng) tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XI. Ở tuổi ngoài thất thập, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần vẫn luôn có mặt ở các sự kiện điện ảnh, các tuần phim, ông bảo, đó là cách để học tập, để theo dõi các nhà làm phim trẻ, các nhà làm phim nước ngoài, xem để ngẫm. Trước thềm LHP Việt Nam lần thứ XXI, ông đã dành thời gian chia sẻ với chúng tôi về chuyện nghề.
+ Thường xuyên theo dõi các Liên hoan phim, các sự kiện điện ảnh Việt Nam, ông có nhận xét gì về những bộ phim của điện ảnh Việt Nam hiện nay?
- Phải nói là những người làm phim trẻ bây giờ rất giỏi. Thế hệ chúng tôi phải học lại nhiều lắm, mặc dù tôi đang dạy trong trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh, nhưng rõ ràng thế hệ trẻ hiện nay làm phim khác thời chúng tôi nhiều. Kể cả về công nghệ, về cách thức làm. Lực lượng trẻ chúng ta trong cả điện ảnh và truyền hình đang rất tốt, không có gì đáng lo ngại, họ tiếp cận được cái mới và làm theo kiểu mới, đó là điều đáng mừng. Vấn đề là làm sao định hướng cho phim tốt hơn, đừng bị thị trường hóa.
Khi người ta hỏi tôi tại sao phim Việt Nam chưa hay, nếu trả lời không có người tài thì đơn giản quá và không đúng đâu, chúng ta không thiếu người tài nhưng vì chúng ta chưa có khán giả hay. Đó mới là vấn đề quan trọng.
Nếu chúng ta có một lượng khán giả tốt, người ta sẽ thấy là những phim hài nhảm không đáng xem. Ví dụ trong Nam, hiện nay khán giả xem sân khấu hài nhảm đang sụt đi, vì bây giờ người trẻ xem nhiều thứ hay trên internet rồi, nên không xem được thứ hài nhảm đó nữa. Khán giả càng lên cao bao nhiêu thì các nhà làm phim càng phải đáp ứng nhu cầu của họ. Nếu còn khán giả thích hài nhảm thì người ta còn làm.
Khi tôi sang dự LHP Busan, họ hoàn toàn là phim tư nhân, không có phim nhà nước, nhưng nhà nước có một khoản tiền rất lớn dành cho Điện ảnh cộng đồng. Họ cho tiền và người đến dạy cho từng tổ chức, cá nhân như học sinh trong trường, hay tổ chức cô dâu Việt bên đó cũng được trang bị kiến thức, máy quay để khi về Việt Nam có thể quay các thứ mà mỗi người thích rồi về lại nước họ dựng thành phim. Họ làm để xã hội hiểu điện ảnh là một cái gì đó phản ánh xã hội chứ không phải là một trò chơi và tạo được lớp khán giả hiểu cái này là hay, cái này là dở từ đó đào tạo được một lực lượng khán giả rất là tốt.
+ Đào tạo khán giả, nâng cao chất lượng khán giả xem phim phải bắt đầu từ đâu, thưa ông?
- Chúng ta chưa bao giờ chú ý khán giả, chúng ta chỉ chú ý làm phim. 70% khán giả xem phim là từ 15-25 tuổi. Mà khán giả tuổi đó thì thị hiếu như thế nào? Người ta không nhập phim được giải Oscar, Cannes về để chiếu đâu, vì chiếu không có người xem. Vì giới trẻ quen với việc xem phim là một trò giải trí, là chơi games, họ đến để cảm giác mạnh, để sợ ma, hành động, xong rồi thôi. Ngày xưa chúng tôi xem phim để nghĩ, để xúc cảm. Giờ không thế nữa. Đó là lỗi của khán giả, hay lỗi của những người làm phim chiều theo thị hiếu khán giả?
Cần có một chính sách nâng cao trình độ khán giả. Làm thế nào để có 1 tầng khán giả tốt hơn. Ở các nước họ cứ có 10 rạp chiếu phim lại có khoảng 1-2 rạp chiếu phim nghệ thuật, khán giả được đánh giá là cao cấp mới đến xem. Dần dần, có những khán giả bình thường cũng đến xem để hiểu hơn, để họ thấy sang trọng lên, rồi sẽ thấy cái nào cần xem, cái nào không.
Chúng ta đừng đặt vấn đề phim nào hay vì bạn thấy hay nhưng chắc gì người khác đã thấy hay. Phim hay là phim đông khán giả chăng? Vậy thì hãy làm thế nào để có một lực lượng khán giả biết tiếp nhận cái hay, đó là điều cần thiết và lúc đó, các nhà làm phim sẽ làm theo đúng nhu cầu khán giả, chứ không chỉ là làm đúng nhu cầu của khán giả trẻ như hiện nay.
+ Nói về phim hay và khán giả, có thể nhắc đến bộ phim "Em còn nhớ hay em đã quên" của ông. Đây dường như là bộ phim đã được khán giả cả nước đón nhận ở thời điểm nó được công chiếu và còn giành nhiều giải thưởng của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XI?
- Đúng vậy, đó cũng là bộ phim mà tôi làm trong tâm trạng sướng nhất. Sướng vì không ai kiểm tra tiến độ, không ai kiểm duyệt mình. Thời điểm nó hoàn thành, năm 1992, Em còn nhớ hay em đã quên đã làm nên hiện tượng. Hiện tượng đó là khán giả cả nước đều yêu thích và nhắc đến nó. Và tôi cũng không ngờ, khi tôi vui vui gửi phim dự thi Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XI thì Em còn nhớ hay em đã quên đã nhận được giải Bông sen bạc (không có Bông sen vàng) và các giải thưởng Biên kịch, Âm nhạc và Diễn viên nam chính xuất sắc nhất tại LHP.
+ Gần đây không thấy đạo diễn Nguyễn Hữu Phần làm phim nữa, nhưng ở LHP hay sự kiện điện ảnh nào cũng có sự tham gia của ông. Ông có tâm trạng như thế nào trước thềm Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXI?
- Có một điều đáng tiếc và tôi rất ngạc nhiên là những người trẻ không xem phim của nhau. Bản thân tôi mỗi LHP Việt Nam tôi đều đi xem hết các phim. Vừa rồi có Tuần phim Đan Mạch, rất nhiều phim hay và tôi không bỏ suất chiếu nào, nhưng không có người làm phim trẻ nào của Việt Nam đi xem. Rõ ràng người làm phim, kể cả người đã thôi làm phim như tôi, vẫn phải biết quan tâm đến xu hướng xã hội, xu hướng đất nước, đó là cái mà mỗi người làm nghề nên có. Vì thế, mỗi LHP tôi đều đi xem với thái độ rất háo hức, chờ đợi trong lớp làm phim trẻ sẽ có những nhân tố mới, có những người đạo diễn, diễn viên tài năng và tác phẩm nghệ thuật nổi bật. Tôi luôn theo dõi và chờ đợi điều đó.
+ Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!