• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đạo diễn- nhà văn Xuân Phượng "gánh gánh... gồng gồng..." "giữ lửa tuổi thanh xuân"

Văn hoá 21/12/2022 16:21

(Tổ Quốc) - Cuốn hồi ký "gánh gánh... gồng gồng..." của tác giả Nguyễn Thị Xuân Phượng ra mắt lần đầu năm 2020, được đón nhận và vinh dự nhận giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam cùng giải thưởng Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh. Cuốn sách vừa được tái bản lần thứ 4 và tác giả có buổi chia sẻ với bạn đọc về cuốn sách, những câu chuyện của đời mình.

Chương trình giao lưu "Giữ lửa tuổi thanh xuân" với đạo diễn - tác giả Nguyễn Thị Xuân Phượng của tác phẩm "gánh gánh… gồng gồng…" được Quỹ Hoa Sen - Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh - Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, diễn ra trong không gian ấm cúng tại Hội trường Trung tâm Cefalt Bộ Ngoại giao (87 Trần Quốc Thảo, Quận 3, TP.HCM).

Chia sẻ về cuốn hồi ký "gánh gánh... gồng gồng...", đạo diễn - nhà văn Xuân Phượng nói: "Và cũng vì những người trẻ chưa hề biết đến chiến tranh, tôi quyết định viết lại đời tôi”.

Đạo diễn- nhà văn Xuân Phượng "gánh gánh... gồng gồng..." "giữ lửa tuổi thanh xuân" - Ảnh 1.

Đạo diễn- nhà văn Nguyễn Thị Xuân Phượng

Sức hút của quyển hồi ký đã chạm đến trái tim của bạn đọc ở nhiều thế hệ, "gánh gánh... gồng gồng..." đưa người đọc trở về những miền ký ức với đầy ắp kỷ niệm của một thời đạn bom, một thời hòa bình. Tác giả đã tái hiện một chặng đường dài của lịch sử dân tộc thông qua những câu chuyện kể về cuộc đời của mình, của những người thân trong gia đình và bằng hữu" - Thanh Tùng (Báo Thừa Thiên Huế).

Kể từ năm 2020, cuốn hồi ký "gánh gánh... gồng gồng..." ra mắt, cho tới nay, đã được tái bản lần thứ tư. Trong lần tái bản này đã bổ sung 30 trang Dư luận gồm 7 bài viết của các tác giả, nhà văn Hồ Anh Thái, Phạm Xuân Nguyên, Bảo Ninh, Thùy Minh, Thanh Tùng, Hoài Nam, Hồ Sơn…

Chia sẻ về cuốn sách, nhà văn Bích Ngân xúc động, "gánh gánh... gồng gồng..." là cuốn sách viết về những người phụ nữ trong chiến tranh, chủ đề gắn với số phận của người phụ nữ trong chiến tranh, nói đến những đau thương, mất mát… Tác giả viết từ trải nghiệm của bản thân, trải nghiệm của trái tim mình, những người xung quanh mình, ghi lại "lịch sử cảm xúc" của tác giả.

Đặt trong tương quan với tác phẩm "Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ" (tác giả Svetlana Alexievich), nhà văn Bích Ngân cho rằng mình vẫn thích cuốn sách của tác giả Xuân Phượng hơn bởi, tác phẩm được viết một cách dung dị, giọng văn, cách viết của nhà văn Xuân Phượng rất giàu hình ảnh, có cả những giai điệu và những giai điệu trầm bổng của chiến tranh. Tác phẩm lắng đọng ở tình cảm con người, thân phận phụ nữ. Cái chính là những thân phận phụ nữ trong tác phẩm không bị hủy diệt tất cả, cái bản thể của phụ nữ, giới tính của phụ nữ… vẫn còn tồn tại, mãnh liệt.

Đạo diễn- nhà văn Xuân Phượng "gánh gánh... gồng gồng..." "giữ lửa tuổi thanh xuân" - Ảnh 2.

Hồi ký "gánh gánh... gồng gồng..."

Nhà văn Bích Ngân cũng bày tỏ mong muốn những tác phẩm như thế này được lan tỏa nhiều hơn, làm sao để những giá trị thực sự của văn chương, giá trị văn hóa, giá trị cội nguồn được lan tỏa rộng rãi, tới được bạn đọc.

Tại buổi giao lưu cùng tác giả Xuân Phượng, người mà từng ngày, từng giờ vẫn say sưa hoạt động sôi nổi như những ngày theo đoàn quân kháng chiến chống Pháp, độc giả và những người yêu mến đạo diễn- nhà văn Xuân Phượng đã phần nào thêm hiểu "ngọn lửa ấy" bắt đầu từ đâu? và "ngọn lửa ấy" được duy trì cả đời người bởi nguồn năng lượng tích cực nào?

Đạo diễn- nhà văn Xuân Phượng trải lòng: "Tôi không bao giờ bỏ cuộc mà giống như cánh chim ngược gió, cứ tiếp tục chống đỡ. Mặc dù rất cam go, nhưng một khi đã chống đỡ được thì nó đem lại cho mình sự an nhiên trong lòng".

Bà cũng chia sẻ, "Con người chỉ già ở mặt, ở da, ở tóc thôi, còn con tim- tôi tin chắc rằng- "nó" không chịu già và khi con tim không già thì tại sao chúng ta lại già?!". Từ những mái tóc xanh U20 đến tóc bạc U100 đều cảm nhận được sự động viên tinh thần lớn lao mỗi khi nhìn thấy hình ảnh của bà Xuân Phượng. Đặc biệt là trong tác phẩm - hồi ký "gánh gánh... gồng gồng...".

Đạo diễn - nhà văn Nguyễn Thị Xuân Phượng

- Sinh năm 1929, quê làng Nham Biều, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế

- Năm 16 tuổi (1945) bà thoát ly gia đình, xếp bút nghiên lên đường tranh đấu giành độc lập cho đất nước.

- Là đạo diễn phim tài liệu, chủ phòng tranh Lotus tại Thành phố Hồ Chí Minh.

- Bà từng làm nhiều nghề như: kỹ thuật viên thuốc nổ, y tá, phóng viên bản tin kháng chiến của Bộ Tài chính, thông dịch viên, bác sĩ nhi khoa phòng y tế khu Ba Đình, dịch và thuyết minh phim tiếng Pháp, đạo diễn phim tư liệu chiến trường…

- Năm 2011, bà được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương "Bắc đẩu bội tinh" vì những đóng góp cho sự hiểu biết sâu sắc hơn giữa Việt Nam và Pháp cả trong thời chiến và thời bình.

- Năm 2020, hồi ký "Gánh gánh... gồng gồng..." phiên bản tiếng Việt ra mắt và vinh dự nhận giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam cùng giải thưởng Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh.

Phương Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ