(Tổ Quốc) - Sáng 17/12, tại TP. Hồ Chí Minh, Đoàn khảo sát của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phan Viết Lượng làm Trưởng đoàn đã làm việc với Hội Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh về việc triển khai thực hiện Luật Điện ảnh.
Điện ảnh là một trong những ngành công nghiệp văn hóa rất quan trọng
Báo cáo với Đoàn khảo sát, đại diện Hội Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh cho biết, theo kế hoạch hàng năm, Hội đều triển khai thực hiện phim tài liệu. Các phim đều đạt kết quả tốt và được nhiều giải thưởng. Công tác quảng bá sản phẩm cũng được hội chú trọng như in, giới thiệu, tặng các phim tài liệu, chiếu giới thiệu các phim truyện, phim ngắn của tác giả trẻ bằng nguồn xã hội hoá.
Để nâng cao tay nghề, bồi dưỡng nghiệp vụ cho hội viên và người có nhu cầu nâng cao chuyên môn, Hội đã tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn ngắn hạn cho đạo diễn, nhà sản xuất phim, biên kịch, quay phim, diễn viên… Tổ chức hội thảo, tọa đàm đào tạo để góp phần bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn cho hội viên, tăng cường việc xã hội hóa trong công tác đào tạo, tạo điều kiện cho những người làm công tác điện ảnh, truyền hình có dịp trao đổi, học hỏi kinh nghiệm.
Ngoài ra, để đẩy mạnh hoạt động sáng tác, Hội thường phát động sáng tác với đa dạng các đề tài. Từ năm 2014 đến nay, đã đầu tư cho 169 kịch bản các thể loại, 3 nhạc phim và 10 công trình nghiên cứu lý luận phê bình, giảng dạy điện ảnh và truyền hình. Hội cũng thực hiện đầu tư, hỗ trợ cho sáng tác trẻ từ 40 tuổi trở xuống, sinh viên các trường có liên quan đến văn học nghệ thuật, đặc biệt là điện ảnh, truyền hình hoặc hỗ trợ cho các sinh viên trường điện ảnh làm bài tập tốt nghiệp…
Đại diện Hội Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh cũng chia sẻ, sự ra đời của Luật Điện ảnh với những quy định cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn đã tạo điều kiện cho các đơn vị hoạt động điện ảnh phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc về vấn đề phát hành phim; đào tạo của điện ảnh; việc vi phạm bản quyền phim trên nền tảng internet gây thiệt hại lớn cho những đơn vị sản xuất phim; quy định ưu đãi thuế và các ưu đãi khác; Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh; phát triển phim trường…
Phát biểu kết thúc cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng đánh giá cao những kết quả Hội Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh đã đạt được, đóng góp nhất định vào sự phát triển điện ảnh của Thành phố, nhất là từ khi Luật Điện ảnh 2022 có hiệu lực với nhiều điểm tiến bộ, ưu việt.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nêu rõ, là trung tâm điện ảnh lớn của cả nước với 80% nguồn doanh thu từ điện ảnh là từ TP. Hồ Chí Minh, việc khảo sát thực tiễn tại thành phố không chỉ tìm hiểu về tình hình thực tế phát triển điện ảnh và các chính sách cụ thể, mà đây cũng là cơ sở có thể phần nào phản ánh tình hình điện ảnh của cả nước.
Điện ảnh là một trong những ngành công nghiệp văn hóa rất quan trọng, trong đó TP. Hồ Chí Minh là trung tâm văn hoá, điện ảnh và đang có những chính sách cụ thể để triển khai thực hiện, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Ông Phan Viết Lượng cho rằng, đầu tư cho điện ảnh có lợi nhuận cao nhưng rủi ro cũng rất cao, do đó Hội Điện ảnh thành phố cần tiếp tục rà soát, hướng dẫn để đưa Luật Điện ảnh 2022 vào thực tiễn hiệu quả hơn. Chú trọng phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực cho ngành điện ảnh; chế độ, chính sách đào tạo, tạo điều kiện cho người làm nghề điện ảnh, đào tạo tài năng trẻ; tăng cường chính sách khuyến khích, hỗ trợ sản xuất, phổ biến phim, đặc biệt là các tác phẩm điện ảnh có chất lượng cao.
Chi 413 tỷ đồng đầu các dự án xây dựng và phát triển văn hóa, tu bổ di tích
Trước đó, vào sáng 16/12, tại thành phố Nha Trang, Uỷ ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội do ông Triệu Thế Hùng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban làm Trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Khánh Hòa về tình hình chi ngân sách địa phương cho sự nghiệp giáo dục – đào tạo và dạy nghề, sự nghiệp văn hóa thông tin. Tại cuộc họp, nhiều vấn đề đã được địa phương nêu ra nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn về cơ chế gây khó cho việc chi ngân sách địa phương cho các hoạt động giáo dục, đào tạo và bảo tồn văn hóa của tỉnh Khánh Hòa.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, từ khi địa phương tự chủ về ngân sách năm 2009 đến nay, việc đầu tư cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo dạy nghề, văn hóa thông tin luôn được chú trọng. Trong giai đoạn 2021-2023 tổng vốn đầu tư cho các lĩnh vực này là hơn 9000 tỷ đồng, trong đó chi cho sự nghiệp giáo dục đào tạo là hơn 8.200 tỷ đồng, chiếm 23% ngân sách địa phương, giáo dục nghề nghiệp là 22 tỷ đồng, chủ yếu chi cho việc nâng cao chất lượng đào tạo từ nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và giảm nghèo bền vững. Đối với lĩnh vực văn hóa, tổng số tiền đã chi cho nhiều dự án xây dựng và phát triển văn hóa, tu bổ di tích,..là hơn 413 tỷ đồng. Ngoài ra ngân sách địa phương hàng năm còn chi cho các hoạt động chuyển đổi số, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số chiếm từ 1-1,5% tổng chi ngân sách.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các cơ quan ban ngành của tỉnh Khánh Hòa cho biết mặc dù địa phương đã tự chủ tài chính tuy nhiên việc duyệt chi, hỗ trợ cho các hoạt động này vẫn vướng nhiều quy định của pháp luật hoặc thiếu các văn bản hướng dẫn thi hành khiến thời gian giải ngân bị kéo dài.
Ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa cho biết kể từ năm 2010 đến nay, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chưa có thông tư hướng dẫn quy định mức hỗ trợ phụ cấp cho cán bộ văn hóa thông tin cơ sở làm cho lực lượng tuyên truyền văn hóa nòng cốt tại cơ sở này vẫn chưa được nhận trợ cấp tương xứng với công sức họ đóng góp cho sự nghiệp giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc tại địa phương.
Cùng vướng mắc về triển khai luật đầu tư công, ông Trần Việt Trung, Trưởng ban Văn hóa xã hội thuộc HDND tỉnh Khánh Hòa đề nghị Trung ương cần có văn bản, thông tư hướng dẫn thi hành tháo gỡ khó khăn trong đấu thầu mua sắm vật tư, thiết bị nhằm nâng cao chất lượng dạy và học cho học sinh và các giáo viên tại các trường học thuộc diện được ngân sách hỗ trợ.
Ngoài ra, tỉnh Khánh Hòa cũng kiến nghị đối với một số chế độ, chính sách về chi ngân sách cho ngành văn hóa được xây dựng đã nhiều năm, hiện đã không còn phù hợp với biến động giá cả thị trường như Quyết định số 14/2015/QĐ-TTg ngày 20/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng đối với người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, cần được nghiên cứu sửa đổi bổ sung cho phù hợp nhu cầu thực tế hiện nay, đảm bảo cho các nghệ sĩ có thể yên tâm công tác và sống được với nghề,…
Tại hội nghị, các thành viên Đoàn công tác của Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng chỉ ra nhiều hạn chế trong việc chi ngân sách của tỉnh Khánh Hòa cho các lĩnh vực văn hóa giáo dục và đề nghị địa phương cần có kế hoạch điều chỉnh cho phù hợp, đơn cử như: Định hướng rõ chiến lược trong đầu tư cho giáo dục đào tạo thì cần xác định ưu tiên cho đối tượng, lĩnh vực nào; Nguyên tắc phân bổ theo đầu người thì địa phương gặp vướng mắc gì với đặc thù của tỉnh là đất rộng người thưa, đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ cao, đời sống người dân còn khó khăn và chênh lệch lớn; Việc thu hút đầu tư, xã hội hóa chủ yếu vẫn ở bậc mầm non, còn các cấp phổ thông khác còn nhiều hạn chế và phụ thuộc vào nguồn chi ngân sách, đây là hướng phát triển không bền vững, vì vậy chính quyền địa phương cần tìm hiểu rõ nguyên nhân và tìm kiếm giải pháp kêu gọi, thúc đẩy xã hội hóa ở đa dạng các cấp bậc khác; Tình trạng một số nơi chỉ tập trung xây dựng cơ sở vật chất mà không xây dựng thiết chế và định hướng phát triển văn hóa cụ thể của địa phương đó;…
Cuối buổi làm việc, ông Triệu Thế Hùng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã thay mặt đoàn khảo sát ghi nhận những vướng mắc của tỉnh Khánh Hòa. Những nội dung liên quan tới hệ thống Luật hoặc thiếu thông tư hướng dẫn thi hành trong việc thu chi ngân sách địa phương, việc đấu thầu xây dựng, mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho ngành giáo dục, dạy nghề, hỗ trợ duy tu sữa chữa bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể,… sẽ kiến nghị các bộ, ngành sửa đổi bổ sung để địa phương dễ dàng áp dụng.
Đồng thời ông Triệu Thế Hùng cũng đề nghị dù địa phương đã tự chủ tài chính nhưng vì nguồn lực có hạn nên trước mắt cần ưu tiên nguồn lực đầu tư cho một số lĩnh vực trọng tâm về đào tạo dạy nghề, từng bước nâng cao đời sống cho cán bộ, nhân viên ngành giáo dục, bảo tồn văn hóa tại vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn.