(Tổ Quốc) - Sau một thời gian dài tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh, tối 17/3, vở nhạc kịch thuần Việt "Sóng" sẽ ra mắt công chúng yêu sân khấu tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ kỳ vọng vở nhạc kịch sẽ đem đến cho khán giả nhiều cảm xúc mới mẻ.
NSƯT Cao Ngọc Ánh - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ thực hiện vở nhạc kịch "Sóng" dựa trên cảm hứng về chuyện tình đẹp đẽ của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ với kỳ vọng sẽ đặt nền móng chuyên nghiệp hóa nhạc kịch ở Việt Nam bằng việc hình thành quy trình, tiêu chuẩn cũng như trực tiếp sản xuất và dàn dựng một chương trình nhạc kịch hiện đại. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với NSƯT Cao Ngọc Ánh để về vở diễn.
+ Sóng là vở nhạc kịch thuần Việt khá đồ sộ được thực hiện trong khi sân khấu vừa quay trở lại sau một thời gian dài khó khăn bởi dịch bệnh. Chị có thể chia sẻ về vở diễn và tại sao chị không chọn tác phẩm từ nền có sẵn của nước ngoài để làm sẽ thuận lợi hơn?
- Nếu dựng lại một vở nhạc kịch đã có sẵn đó là bước đi đơn giản và an toàn. Nhưng quan điểm làm nghề của tôi với nghệ thuật, tính sáng tạo luôn được đưa lên hàng đầu. Dự án này tôi đã ấp ủ từ một năm trước. Để hoàn tất vở nhạc kịch thuần Việt mang phong cách Broadway Sóng, tôi đã đọc thơ của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ. Càng đọc càng bị cuốn vào, tôi thấy mảng thơ của hai người rất đẹp. Nó đẹp nên nó đúng, đúng đến tận bây giờ. Tôi nghĩ trong xã hội phải đến 65% khi được hỏi có thuộc câu thơ nào của Xuân Quỳnh không thì ít nhất họ thuộc một câu. Nhà hát Tuổi trẻ là một trong những nơi Lưu Quang Vũ gắn bó nhiều nhất, với loạt tác phẩm kinh điển được dàn dựng khi ông đang ở đỉnh cao sự nghiệp. Năm nào Nhà hát cũng có hẳn Tháng kịch Lưu Quang Vũ.
Năm nay, chúng tôi muốn mạo hiểm và thử sức khai thác về Xuân Quỳnh nhiều hơn, lấy cảm hứng từ cuộc đời và tình yêu của bà. Tôi không dại gì để đem cả cuộc đời đầy sóng gió, đầy cung bậc cảm xúc, cao nhất của hạnh phúc rồi đau đớn tột cùng của họ vào 120 phút. Tôi chỉ dựa trên câu chuyện tình yêu để kết nối những bài thơ của họ trở thành vở nhạc kịch, chứ không phải là một vở nhạc kịch kể về cuộc đời của họ.
Về việc "làm mới" câu chuyện cũ mà nhiều người đã biết, những sự kiện xảy ra cách đây vài chục năm, do đó, làm sao để có cái mới, để kéo khán giả đến rạp, trong 120 phút của vở diễn, không thể kể hết cuộc đời cũng như những cung bậc cảm xúc của Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ vì họ sống trong giai đoạn chiến tranh, hậu chiến tranh và bao cấp, rất xa bây giờ.
Sóng lấy cảm hứng về vẻ đẹp trong thơ Xuân Quỳnh và cuộc đời của bà nhưng tất cả các công đoạn của vở diễn, sáng tạo câu chuyện cho đến phát triển lời thoại, giai điệu, dàn dựng vũ đạo… đều được làm sao cho gần gũi nhất với khán giả đương thời. Sóng lại được thể hiện bằng thể loại nhạc kịch, nơi hội tụ tất cả các yếu tố nhảy múa, diễn xuất, ca nhạc… Đồng thời, Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng với phong cách hiện đại, sử dụng các kỹ thuật sân khấu mới, kỹ xảo hiện đại để đánh thức, trợ giúp thêm thị giác khán giả.
Tác phẩm nghệ thuật không chỉ đơn giản là một tác phẩm nghệ thuật mà phải là một sản phẩm nghệ thuật. Nếu như đã có một sản phẩm tốt thì tôi tin là sẽ có khán giả đến với mình.
+ Qua vở nhạc kịch này, chị muốn gửi thông điệp gì tới khán giả?
- Xuân Quỳnh luôn luôn có những ước mơ, những khát vọng. Và người phụ nữ để thực hiện được những ước mơ của mình luôn khó khăn gấp đôi đàn ông nên người phụ nữ phải dám đấu tranh, dám hy sinh và cả kiên định nữa mới đạt được những ước mơ đó.
Để chuyển tải thông điệp này, tôi đã chọn cách làm mới và chắp cánh cho thơ Xuân Quỳnh bằng âm nhạc. Đặc biệt, trong Sóng hình tượng thuyền và biển được khai thác như người kể chuyện để khắc họa cuộc đời và những thăng trầm của nữ thi sĩ. Là bài hát chủ đề xuyên suốt vở nhạc kịch, ca khúc Thuyền và biển được phối khí biến hóa, phù hợp với tâm trạng của nhân vật, tình tiết diễn tiến của câu chuyện. Khán giả sẽ được nghe Thuyền và biển lúc êm đềm ngọt ngào, lúc vui tươi háo hức và cũng có lúc cuộn trào dữ dội.
Ngoài Thuyền và biển, trong Sóng, các nhạc sĩ Minh Đạo, Tường Văn đã phổ nhạc cho hơn 15 bài thơ nổi tiếng của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ như: Sóng, Nếu ngày mai em không làm thơ nữa, Tự hát, Mắt của trời xanh, Nhà chật...
Chắc hẳn là những người yêu thơ Xuân Quỳnh khi xem Sóng họ sẽ thấy thơ của bà được tô đẹp hơn, được truyền tới khán giả với một cung bậc nữa thông qua âm nhạc và thông qua những lớp diễn.
Điều mà tôi tâm đắc nhất là phần âm nhạc của Sóng, bởi trong thể loại nhạc kịch, âm nhạc gần như là linh hồn, là kịch tính, là xương sống của vở diễn. Trong vở này, tất cả phần lời của ca khúc đều sử dụng thơ của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ, kể cả những câu thoại.
Có thể nói đây là sự sáng tạo rất mới mẻ bởi vì thường khi các nhạc sĩ phổ nhạc một bài thơ chỉ dùng ý thơ thôi, để làm sao có thể chủ động trong giai điệu của mình. Nhưng ở đây, chúng tôi đều cố gắng giữ nguyên bản các bài thơ, có bài chỉ sửa một từ thôi, đó là sự kỳ công của ê-kíp dựng vở.
+ Được biết vở diễn thu hút một lượng lớn diễn viên, hầu hết lại là diễn viên trẻ. Trong khi sân khấu nhạc kịch còn quá mới mẻ với các nghệ sĩ, do dịch bệnh, họ cũng không được tập luyện nhiều. Vậy chị đã truyền cảm hứng thế nào cho diễn viên?
- Nghệ sĩ là phải sống thật với vai diễn, nếu như bạn chỉ diễn giả vờ thì không bao giờ thành công. Khán giả ngày hôm nay đòi hỏi một lối diễn xuất cực kỳ điêu luyện, sự quyến rũ về ngôn ngữ cơ thể và giọng nói sẽ là chất liệu rất quan trọng đối với khán giả đến với sân khấu. Ngày xưa các cụ nhà ta phải đi xem vở chèo mất mấy lần để biết kép đấy là ai, đào ấy là ai, để nhận diện ra rằng vở diễn hay đến mức nào?
Hiện nay Nhà hát Tuổi trẻ có một thế hệ đào kép mới, các bạn ấy đang nỗ lực khẳng định mình, đang xây dựng một diện mạo cập nhật xu hướng chung của sân khấu thế giới, bởi vì may mắn là Nhà hát Tuổi trẻ có những cơ hội hợp tác với nước ngoài. Các diễn viên trẻ hiện nay rất nỗ lực và yêu nghề, sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng cống hiến. Thực ra tôi truyền cảm hứng thế nào cho diễn viên là một vấn đề hoàn toàn khác, vì nó phụ thuộc vào nhận thức. Đôi khi những nỗ lực ấy không được phân tích, không được mổ xẻ, không được bóc tách thì sẽ bị nhầm lẫn về cảm xúc. Khi làm việc, tôi luôn luôn trao đổi, gợi mở, gợi ý, lắng nghe lẫn nhau, thậm chí những diễn viên giỏi cũng điều chỉnh được cảm xúc của tôi! Đánh thức cảm xúc của khán giả, đó là điều tôi mong muốn nhất. Tôi rất sợ những diễn viên hời hợt, chỉ thuộc lời, thuộc thoại mà không cảm xúc, tôi cần những người biết dâng hiến và hy sinh cho vai diễn. Tôi đã từng nói với những bạn diễn của mình về sự học hỏi từ những người thầy của mình là: Trên sân khấu, tất cả đều là giả, chỉ có mối quan hệ mới là thật. Khi tôi chia sẻ điều đó thì các bạn đều tĩnh tâm suy nghĩ và có những thay đổi tốt cho vai diễn của mình.
+ Chị kỳ vọng gì ở vở diễn "Sóng"?
- Thông qua việc làm Sóng, Nhà hát Tuổi trẻ kỳ vọng sẽ đặt nền móng chuyên nghiệp hóa nhạc kịch ở Việt Nam bằng việc hình thành quy trình, tiêu chuẩn cũng như trực tiếp sản xuất và dàn dựng một chương trình nhạc kịch hiện đại. Tuy nhiên, khi sản xuất vở diễn còn rất nhiều vấn đề, từ con người, vật chất cho đến vận hành… nên câu chuyện xã hội hóa, câu chuyện đồng hành cũng được Nhà hát Tuổi trẻ tính đến.
Trong quá trình làm Sóng, cá nhân tôi và ê-kíp thực sự gặp rất nhiều thử thách. Thể loại nhạc kịch dù đã xuất hiện ở Anh 300 năm, ở Mỹ cũng hơn 100 năm nhưng ở Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ, đạo diễn chuyên sâu về nhạc kịch được đào tạo bài bản hầu như không có. Bên cạnh đó, dịch bệnh đã khiến việc tập vở vô cùng khó khăn, vở diễn đã phải kéo lui thời gian ra mắt gần 1 năm.
Sau hai năm ngưng trệ, nghệ sĩ đang ở tình thế buộc phải tạo ra những cú hích. Gần một năm nay, Nhà hát tuyển diễn viên "3 trong 1" tức là vừa diễn, vừa hát và vừa nhảy mượt mà. Quá nửa diễn viên trong nhạc kịch Sóng đều được tuyển từ bên ngoài trong đó có hai diễn viên đóng vai chính. Trong bối cảnh ấy, cá nhân tôi có thể chọn hướng đi khác, cách làm khác, nhưng tôi và tập thể Nhà hát vẫn quyết tâm làm, bởi tôi nhận ra rằng: Trên con đường mới đang phát quang này tôi không đi một mình.
+ Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
NSƯT Cao Ngọc Ánh tốt nghiệp trung cấp 7 năm diễn viên múa Trường Múa Việt Nam năm 1990. Tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh- biên đạo Múa năm 2002. Tu nghiệp Trung hạn tại Nhật Bản thể loại Nhạc kịch năm 2014. Tu nghiệp ngắn hạn tại Nhà hát SHIKI (chuyên nhạc kịch)- Top 1 Nhật Bản. NSƯT Cao Ngọc Ánh hiện là Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ.