(Tổ Quốc) - Lao động và việc làm là lĩnh vực chịu tác động lớn trong xu hướng phát triển hiện nay với nhiều cơ hội và thách thức đòi hỏi sự đổi mới.
Cùng với việc mở cửa nền kinh tế và gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tư do (FTA) và gần đây nhất (vào ngày 08/6/2020) việc thông qua Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) đã mở ra cơ hội hợp tác về mọi mặt giữa Việt Nam và EU, một trong những đối tác kinh tế vô cùng quan trọng. Điều này cũng mang tới nhiều cơ hội và thách thức cho thị trường lao động Việt Nam.
Nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA dự kiến giúp tăng thêm việc làm khoảng 146.000/năm, trong đó, tập trung vào những ngành thâm dụng lao động và có tốc độ xuất khẩu cao sang thị trường EU. Mức tăng thêm việc làm trong một số ngành dự kiến như sau: dệt may tăng 71.300 (năm 2025) và 72.600 (năm 2030) mức tăng tương ứng so với năm 2018 là 1,2%, 2,3% và 2,4%; ngành da giày có tốc độ tăng việc làm là 4,3% và 3,8% vào các năm 2025 và 2030…Tuy nhiên, một số ngành sẽ chịu tác động giảm việc làm như ngành lâm nghiệp, khai khoáng, sản xuất lúa gạo với mức giảm từ 0,26 - 0,36%/năm. Song hành với việc tăng thêm số lượng việc làm mà còn có khả năng làm tăng tiền lương của người lao động thông qua hoạt động của thị trường hiệu quả hơn và tác động lan toả về tiền lương từ các doanh nghiệp FDI. Theo tính toán, mức lương của các doanh nghiệp FDI sẽ cao hơn khoảng gần 1% so với doanh nghiệp trong nước.
Bên cạnh việc số lượng công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp được gia tăng, sự chuyển dịch cơ cấu lao động từ các ngành thâm dụng lao động tay nghề thấp sang các ngành sử dụng nhiều lao động chất lượng cao cũng là xu hướng phát triển chung của thị trường lao động. Điều này được chứng minh rõ qua sự gia tăng của tỷ trọng phát triển lao động trong ngành điện tử và sản phẩm điện tử (tăng từ 8,03% năm 2012 lên 15,7% năm 2017) dưới tác động của dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp FDI thời gian qua. Đánh giá về thị trường lao động trong tương lai, trong khuôn khổ tham luận tại Hội thảo khoa học "Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI và vai trò của kiểm toán nhà nước" ngày 8/6/2020, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung cho biết "Việc làm sử dụng lao động phổ thông, ít kỹ năng sẽ giảm dần, thay vào đó là việc làm yêu cầu lao động có trình độ cao hơn và nhiều kỹ năng hơn".
Mặc khác, đòi hỏi ngày càng cao về năng suất lao động đang là một trong những thách thức với lao động Việt Nam bởi hiện nay mức năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực (Tính theo PPP 2011, NSLĐ của Việt Nam chỉ bằng 7,2% của Singapore; 18,4% của Malaysia; 36,2% của Thái Lan; 43% của Indonesia và bằng 55% của Philippines)
Những thách thức này đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng của người lao động Việt Nam để thích ứng với các yêu cầu mới của công việc, với các ngành nghề mới để tránh khỏi nguy cơ mất việc và thất nghiệp. Giải pháp cho vấn đề này không nằm ngoài chìa khóa "đào tạo" cùng một chiến lược phân tích, dự báo thị trường lao động tiệm cận với thực tế ở đó Bộ LĐTBXH giữ vai trò cầu nối quan trọng.
Tư lệnh ngành LĐTBXH cũng cho biết Bộ LĐTBXH sẽ chủ động phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, chủ động phân tích, dự báo xu hướng chuyển dịch trong lao động – việc làm, nhu cầu lao động trong nước và quốc tế để thường xuyên báo cáo, tham mưu cho Chính phủ. Bộ sẽ khảo sát, đánh giá sát sao hơn nữa thị trường lao động ở các địa phương trọng điểm, để đưa ra các phương án chuẩn bị sẵn nguồn cung ứng lao động.
Bộ LĐTBXH cũng sẽ chủ động phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ ban ngành liên quan đánh giá, xác định được nhu cầu kỹ năng cần thiết cho nền kinh tế mới để có những điều chỉnh phù hợp cho hệ thống giáo dục và đào tạo trong nước, đặc biệt là công tác xây dựng kế hoạch tuyển sinh, đào tạo đáp ứng đúng và đủ nhu cầu các ngành nghề mới.