• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đào tạo kỹ năng số cho doanh nghiệp du lịch xanh

Du lịch 04/12/2023 16:36

(Tổ Quốc) - Ngày 4/12, tại TP Huế, Trung tâm ASEAN - Nhật Bản (AJC) phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, tỉnh Thừa Thiên Huế và Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) đã tổ chức Hội thảo đào tạo "Kỹ năng số cho doanh nghiệp du lịch xanh".

Đến tham dự hội thảo, có các ông: Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế; đại diện Trung tâm ASEAN - Nhật Bản, Ngân hàng phát triển Châu Á cùng hơn 40 học viên viên đến từ cơ quan du lịch quốc gia, doanh nghiệp du lịch, cơ sở đào đạo du lịch các nước thành viên ASEAN.

Đào tạo kỹ năng số cho doanh nghiệp du lịch xanh - Ảnh 1.

Quang cảnh tại lễ khai mạc hội thảo.

Hội thảo đào tạo "Kỹ năng số cho doanh nghiệp du lịch xanh" được tổ chức nhằm mục đích chia sẻ kinh nghiệm và trang bị cho các bên liên quan trong ngành du lịch các kiến thức về quản lý và xúc tiến điểm đến, phát triển du lịch xanh và bền vững. Đây cũng là cơ hội để tăng cường kết nối hợp tác khu vực và nâng cao năng lực cho các cán bộ, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và cộng đồng du lịch đến từ khối nhà nước và tư nhân của ASEAN.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho hay, theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), du lịch quốc tế đang trên đà phục hồi và sẽ đạt được gần 90% so với mức trước đại dịch vào cuối năm nay, với nhiều điểm đến đã khôi phục hoặc thậm chí vượt qua lượng khách đến và doanh thu trước đại dịch. Tuy nhiên, khu vực ASEAN đang bị tụt lại phía sau, từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, khu vực Châu Á và Thái Bình Dương chỉ phục hồi được 62% so mức trước đại dịch do việc mở cửa trở lại du lịch quốc tế chậm hơn.

Đào tạo kỹ năng số cho doanh nghiệp du lịch xanh - Ảnh 2.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.

Một trong những xu hướng mới nổi của ngành du lịch sau đại dịch là mối quan tâm ngày càng cao đối với du lịch bền vững và tính bền bỉ của du lịch. Để phục hồi và phát triển ngành du lịch trong thời kỳ mới này, chúng ta cần nhận thức và suy nghĩ lại về du lịch theo hướng bền vững hơn, chú ý hơn đến tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, quản lý điểm đến và phát triển nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp du lịch trở nên mạnh mẽ và kiên cường hơn cũng rất quan trọng, vì phần lớn các doanh nghiệp du lịch đều có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, rất dễ bị tổn thương trước những khủng hoảng có thể xảy đến trong tương lai.

"Tôi đánh giá cao khóa đào tạo với chủ đề "Kỹ năng số cho doanh nghiệp du lịch xanh" đã giải quyết một trong những mối quan tâm lớn nhất trong ngành của chúng ta, đồng thời mời các giảng viên có kinh nghiệm và phù hợp đến đây để chia sẻ kiến thức và kỹ năng thực tế cần thiết nhằm thúc đẩy việc ứng dụng các kỹ năng số, cũng như hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch cách sử dụng các giải pháp số để nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới và linh hoạt hơn", ông Hà Văn Siêu nhìn nhận.

Theo ông Steven Schipani, Chuyên gia du lịch cấp cao Ngân hàng Phát triển Châu Á, công nghệ số đã trở thành một công cụ thiết yếu để xây dựng một doanh nghiệp du lịch thành công và quản lý du khách hiệu quả. Công nghệ số cho phép các doanh nghiệp tiếp cận nhiều khách hàng hơn, vận hành hiệu quả hơn và mang lại những trải nghiệm đáng nhớ cho khách hàng. Đặc biệt, công nghệ số cũng có thể giúp các doanh nghiệp du lịch nhỏ và siêu nhỏ có khả năng truy cập các cơ sở dữ liệu với chi phí phù hợp, đồng thời nắm bắt được các thông tin chuyên sâu về hành vi của khách hàng cũng như xu hướng thị trường.

Đào tạo kỹ năng số cho doanh nghiệp du lịch xanh - Ảnh 3.

Ông Steven Schipani, Chuyên gia du lịch cấp cao, Ngân hàng Phát triển Châu Á phát biểu tại hội thảo.

Đại dịch COVID-19 đã gây ra những tổn thất nghiêm trọng, nhưng cũng tác động rất lớn đến việc đẩy mạnh sử dụng công nghệ số trong ngành du lịch và lữ hành. Tuy nhiên, hầu hết những doanh nghiệp du lịch nhỏ và siêu nhỏ truyền thống tại khu vực Đông Nam Á vẫn chưa thể sử dụng công nghệ số một cách hiệu quả. Điều này khiến họ đối mặt với nhiều thách thức để bắt kịp với quá trình phục hồi du lịch vốn được chờ đợi từ lâu và cũng cũng đang trên đà phát triển trở lại trên toàn khu vực.

Trong bối cảnh đó, chương trình đào tạo này được tổ chức nhằm chuyển giao kiến thức và kỹ năng cần thiết để đào tạo các doanh nghiệp du lịch nhỏ và siêu nhỏ cách sử dụng các công nghệ số hiện nay nhằm tiếp cận và phân tích thông tin người tiêu dùng, tiếp thị và quảng bá sản phẩm và dịch vụ mang hiệu quả kinh tế cao, đồng thời nâng cao hiệu suất cũng như lợi nhuận.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng hy vọng, hội thảo lần này sẽ nâng cao kỹ năng số và quảng bá tiếp thị số cho các cán bộ quản lý nhà nước về du lịch và doanh nghiệp dịch vụ du lịch, nhằm tăng cường sự hiện diện của doanh nghiệp trên môi trường số, mở rộng những cơ hội tiếp cận và thu hút khách hàng từ internet, thúc đẩy du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thắt chặt tình đoàn kết và hữu nghị giữa các quốc gia, góp phần nâng cao nhận thức bản sắc chung cộng đồng ASEAN.

Lê Chung

NỔI BẬT TRANG CHỦ