• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đặt tiêu chuẩn khác nhau, hàng trăm giáo viên xét thăng hạng bị thiệt thòi?

Giáo dục 24/10/2018 21:45

(Tổ Quốc) - Trong những ngày qua báo chí liên tục đưa tin về những bất thường trong xét thăng hạng giáo viên ở tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trước tình hình này, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tổ chức họp Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên THPT hạng II vào hôm nay (24/10).

Theo thông tin từ báo VTC news, Sở GDĐT Thừa Thiên - Huế đã gửi giấy triệu tập thủ trưởng các đơn vị tham dự cuộc họp chiều 24/10 để rà soát, bàn kế hoạch giải quyết những bất thường trong việc xét thăng hạng giáo viên khi có phản ánh của một nhóm giáo viên tại địa phương này.

Bất thường trong xét thăng hạng giáo viên ở tỉnh này bắt nguồn từ đơn thư phản ánh của các giáo viên ở tỉnh Thừa Thiên- Huế về việc xét thăng hạng giáo viên từ hạng III lên hạng II của tỉnh này, trong danh sách gửi kèm cho thấy có một nhóm giáo viên ở trường THPT Thừa Lưu (trường ở mức độ trung bình về chất lượng giáo viên cũng như học sinh) thế nhưng lại trong top các trường có nhiều giáo viên được xét thăng hạng, tiếp đó là các trường An Lương Đông, Cao Thắng, Đặng Trần Côn, Phú Bài (các trường này cũng chỉ nằm ở nhóm các trường có chất lượng trung bình khá của tỉnh). Trong khi đó các trường xếp cuối về tỉ lệ giáo viên được xét thăng hạng như THPT Nguyễn Đình Chiểu, Đặng Huy Trứ, Bùi Thị Xuân… lại là những trường được đánh giá là có quy mô giáo viên và học sinh tương đối cao.

Đặt tiêu chuẩn khác nhau, hàng trăm giáo viên xét thăng hạng bị thiệt thòi? - Ảnh 1.

Từ tháng 01/2018 giáo viên không phải thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp (ảnh minh họa: TTXVN)

Thêm vào đó, tiêu chí xét thăng hạng của các trường khác nhau cũng được xem xét như là nguyên nhân chính dẫn đến bất thường trong lần tổ chức xét thăng hạng này. Chẳng hạn, với trường Nguyễn Đình Chiểu, Hương Trà, Phong Điền yêu cầu giáo viên phải kinh qua chức vụ Tổ trưởng trở lên hoặc từng tham gia Ban giám khảo các hội thi mới được nộp hồ sơ; hay trường Bùi Thị Xuân, Thuận An, Nguyễn Chí Thanh thì yêu cầu giáo viên đã từng kinh qua chức vụ tổ phó trở lên… Hoặc ở những trường Thừa Lưu, An Lương Đông, Đặng Trần Côn... thì chỉ yêu cầu đủ thâm niên công tác (7 năm trở lên) và có thêm một số thành tích khác là được nộp hồ sơ.

Các giáo viên này cũng đặt câu hỏi là tại sao trong cùng một Sở GDĐT mà các trường lại đưa ra các tiêu chí xét thăng hạng khác nhau như vậy và yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong việc xem xét hồ sơ xét thăng hạng lần này đối với giáo viên trong tỉnh để mang lại sự công bằng cho mọi người.

Được biết, năm nay tỉnh Thừa Thiên- Huế có 447 giáo viên giảng dạy tại các trường THPT, Trung tâm được thăng hạng từ bậc III lên bậc II. Các giáo viên không phải thi mà chỉ xét hồ sơ, và việc xét thăng hạng giáo viên THPT từ hạng III lên hạng II của tỉnh năm 2018 được Sở GDĐT chỉ đạo các trường làm dân chủ, công khai, minh bạch. Để xét thăng hạng, một Hội đồng liên ngành gồm: Sở GDĐT, Sở Nội vụ, Thanh tra tỉnh… đã được thành lập. Sở GDĐT đã hướng dẫn bằng các văn bản và Hội đồng đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Bộ, ngành, trung ương, UBND tỉnh và không có bất cứ một sự vận dụng nào.

Theo hướng dẫn, mỗi hồ sơ của giáo viên phải đầy đủ 4 lời khai, đánh giá của cá nhân giáo viên đó, của tổ trưởng chuyên môn, công đoàn và hiệu trưởng. Nếu không có đủ chữ ký thì không được công nhận…

Quỳnh Nga (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ