(Tổ Quốc)- Trước nghịch lý lớp học thiếu giáo viên giảng dạy nhưng không có cơ chế tuyển thêm biên chế giáo viên, một thị xã ở Đắk Nông đã đồng ý để phụ huynh học sinh góp tiền thuê giáo viên về dạy.
- 02.10.2018 Chấp nhận hình thức hợp đồng để xử lý thiếu giáo viên
- 27.09.2018 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu giải quyết ngay tình trạng thiếu giáo viên tại các tỉnh Tây Nguyên
- 25.09.2018 Thừa, thiếu giáo viên và kỳ thi trung học phổ thông quốc gia tiếp tục được 'mổ xẻ'
- 24.09.2018 Tây Nguyên và bài toán thiếu hàng nghìn giáo viên
- 07.04.2017 Hà Nội: Thiếu giáo viên tiếng Anh
Trong năm học 2018-2019, nhiều địa phương tại Tây Nguyên đang thiếu hàng nghìn giáo viên, đặc biệt ở bậc mầm non và tiểu học. Riêng địa bàn tỉnh Đắk Lắk thiếu khoảng 1.000 giáo viên và 1.400 nhân viên mầm non, tỉnh Đắk Nông thiếu 643 giáo viên, trong đó, bậc mầm non thiếu 510 giáo viên, tiểu học thiếu 133 giáo viên.
Năm học này, số lượng học sinh của tỉnh Đắk Nông đông hơn năm học trước khoảng 7.000 em, cùng với yêu cầu về tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy và lực lượng giảng dạy, với số học sinh hiện tại 173.000 em thì tỉnh Đắk Nông đang thiếu 643 giáo viên, trong đó huyện Đắk G'long thiếu khoảng 300 giáo viên.
Tình trạng thiếu giáo viên tại các trường trên địa bàn tỉnh đã diễn ra nhiều năm nay, như tại thị xã Gia Nghĩa, số học sinh liên tục tăng hàng năm, nhưng 5 năm qua không được giao biên chế bổ sung, trong năm học này, thị xã tăng gần 1.000 học sinh nhưng vẫn thiếu gần 100 giáo viên đứng lớp. Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, tạm thời UBND thị xã đã chỉ đạo ngành giáo dục tiến hành xã hội hóa, đồng ý để phụ huynh học sinh góp tiền thuê giáo viên về dạy cho con em mình. "Với tình trạng thiếu giáo viên hiện nay, UBND thị xã đã có ý kiến chỉ đạo theo tinh thần của tỉnh cũng như ngành giáo dục, tiến hành xã hội hóa đối với một số trường, một số lớp có đủ điều kiện có thể hợp đồng thêm giáo viên. Cái này thì phụ huynh học sinh góp tiền để thuê giáo viên dạy trước mắt, để tránh tình trạng không có giáo viên", Trưởng phòng Nội vụ thị xã Gia Nghĩa Nguyễn Tiến Tùng cho biết hướng giải quyết của thị xã, thông tin đăng trên báo Vov sáng nay.
Năm học mới bắt đầu từ lâu nhưng tỉnh Tây Nguyên vẫn thiếu giáo viên trầm trọng, đặc biệt là cấp tiểu học và mầm non (ảnh minh họa VTV)
Trước đó, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên tại các tỉnh Tây Nguyên, tiếp theo chỉ đạo tại công văn 8593/VPCP-TCCV (ngày 07/9/2018), ngày 27/9/2018 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lại tiếp tục có công văn yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo có biện pháp giải quyết ngay biên chế giáo viên còn thiếu tại các tỉnh này, bảo đảm quyền lợi của học sinh. Thế nhưng từ đó đến nay, việc giải quyết tình trạng thiếu giáo viên có vẻ vẫn là một bài toán khó đối với các nhà quản lý…