(Tổ Quốc) - Hạ tầng hàng không quá tải, sản phẩm, dịch vụ chưa đa dạng, hấp dẫn được các chuyên gia đánh giá là một trong những “nút thắt” cản trở sự phát triển của ngành Du lịch Việt Nam.
Tìm giải pháp gỡ "nút thắt" về hàng không
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) Nguyễn Trùng Khánh cho biết, theo một thống kê gần đây thì có đến 80% hành khách du lịch Việt Nam đi bằng đường hàng không. Tuy nhiên, một trong những hạn chế hiện nay đó là các thị trường trọng điểm như Hà Nội, TP HCM, Nha Trang đang thực sự quá tải, nhiều thời điểm chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế.
Nói về vấn đề này, ông Lương Hoài Nam - chuyên gia hàng không cho rằng, hạ tầng quá tải là điều tất yếu. Lấy dẫn chứng về việc này, ông Nam cho biết hiện Việt Nam có 22 sân bay nhưng tổng công suất mới ngang bằng sân bay Changi (Singapore), sân bay Suvarnabhumi (Bangkok, Thái Lan), sân bay quốc tế Kuala Lumpur (Malaysia).
Theo Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường, thực trạng quá tải hàng không trên thực tế đã diễn ra từ nhiều năm qua. Việc tắc nghẽn không riêng tại sân bay mà còn cả đường tiếp cận vào sân bay, điển hình là sân bay Tân Sơn Nhất. Chính vì vậy, việc phát triển và mở rộng sân bay vệ tinh là cần thiết. Tuy nhiên, tồn tại hiện nay đó là chính sách còn khiếm khuyết, chưa tạo động lực cho các doanh nghiệp vào tham gia đầu tư.
Ông Cường cho biết thêm, chúng ta cần có chính sách đồng bộ nếu muốn tháo gỡ nút thắt về hàng không. Hệ thống cảng hàng không sân bay nếu vài năm tới không gỡ được sẽ càng tắc, làm ảnh hưởng đến cả ngành hàng không và ngành du lịch của Việt Nam.
Để giải quyết vấn đề này, ở góc độ tư nhân, ông Chu Việt Cường - thành viên HĐQT Vietjet đề nghị, cần xã hội hóa mạnh hơn để tư nhân cùng tham gia phát triển, huy động vốn cho hạ tầng. Theo ông, hiện nhiều quốc gia như Australia, Anh, Mỹ... cho tư nhân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng hàng không và một số sân bay tại Australia, Thái Lan cho tư nhân quản lý vận hành nên đạt chất lượng rất tốt.
"Chúng ta không nên chỉ 'chăm chăm chờ vốn Nhà nước' trong đầu tư hạ tầng hàng không. Cho phép tư nhân, quỹ đầu tư nước ngoài tham gia phát triển hạ tầng cơ sở sẽ giúp giải bài toán đầu tư này", ông Cường nhấn mạnh.
Băn khoăn bài toàn giữ khách
Cùng với "nút thắt" về hàng không, nhiều chuyên gia về du lịch cũng bày tỏ băn khoăn về vấn đề chi tiêu của khách du lịch khi đến Việt Nam hiện còn rất hạn chế. Nguyên nhân chính là do ngành du lịch chúng ta đang thiếu sản phẩm du lịch và các dịch vụ ở điểm đến.
Cụ thể, bà Nguyễn Thùy Yên - Phó giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết, mức chi tiêu trung bình của khách quốc tế tại địa phương này là 2,4 triệu đồng và thời gian lưu trú trung bình 2,7 ngày. Hiện doanh thu từ khách quốc tế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của du lịch Việt Nam.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng cho rằng: các sản phẩm du lịch hiện cứng nhắc, không đa dạng và linh hoạt, do "các điểm tham quan địa phương thường bị ràng buộc bởi cơ chế". Do đó, ông đề xuất các địa phương có thể giao trực tiếp cho doanh nghiệp phát triển sản phẩm du lịch nhưng cần đảm bảo doanh thu cho địa phương.
Dựa trên đánh giá của du khách sau tour, ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc Saigontourist cho biết du khách chưa chi tiêu nhiều và chưa hài lòng với du lịch Việt Nam là do vấn đề giao thông, môi trường ô nhiễm, chưa đầy đủ dịch vụ mua sắm, giải trí. Ngoài ra, nguyên nhân còn nằm ở khả năng hỗ trợ du khách khi giải quyết sự cố, trình độ ngôn ngữ, visa, chi phí tour cao do chưa có đường bay thẳng tới các điểm du lịch.
Về giải pháp để tháo gỡ những tồn tại trên, ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, ngoài mục tiêu tăng nhanh lượng khách đến, ngành du lịch còn cần tìm những giải pháp để khách ở lại lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn.
Theo đó, nhiều chuyên gia đưa ra ý kiến các địa phương có thể giao trực tiếp cho doanh nghiệp phát triển sản phẩm du lịch nhưng cần đảm bảo doanh thu cho địa phương; Các đơn vị lữ hành cũng cần có sự sáng tạo trong sản phẩm du lịch; Cần nâng cao đào tạo cả đội ngũ nhân lực, cả đội ngũ quản lý du lịch ở điểm đến; Tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm du lịch như phát triển cảnh quan biển, cảnh quan núi rừng; Thường xuyên bảo tồn, phục dựng, tu bổ di sản để góp phần nâng cao giá trị gia tăng của du khách.