• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đầu tuần tới, Thủ tướng sẽ đối thoại với doanh nghiệp

Kinh tế 19/12/2019 16:52

(Tổ Quốc) - Thủ tướng sẽ đối thoại với doanh nghiệp trong bối cảnh thế giới đang thay đổi, hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nhưng cũng có không ít rủi ro và thách thức.

Phát biểu tại buổi họp báo sáng 19/12, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, ngày 23/12, Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp với chủ đề “Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp – Hội nhập, hiệu quả, bền vững” sẽ được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Hội nghị có sự tham dự của khoảng 1.000 đại biểu, bao gồm lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương; Đại diện các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, bao gồm các tổ chức quốc tế như WB , ADB, AFD, JICA, KOICA, USAID,…; Các tổ chức chính trị-xã hội; VCCI và các Hiệp hội doanh nghiệp đa ngành, chuyên ngành, hiệp hội quốc tế; Các chuyên gia kinh tế; Các doanh nghiệp trong và ngoài nước…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ trực tiếp chủ trì Hội nghị này.

Đầu tuần tới, Thủ tướng sẽ đối thoại với hàng nghìn doanh nghiệp - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng nêu thông tin về Hội nghị tại buổi họp báo. Ảnh: Hà Giang

Bức tranh doanh nghiệp có nhiều điểm sáng ấn tượng

Con số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cao liên tục trong 5 năm gần đây đã cho thấy tinh thần khởi nghiệp kinh doanh đang ngày càng mạnh mẽ.

Trung bình giai đoạn 2016-2019, mỗi năm có trên 126 nghìn doanh nghiệp thành lập mới. Năm 2019, dự kiến đạt 136 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tổng số vốn đăng ký khoảng 1,7 triệu tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động lên khoảng 760 nghìn doanh nghiệp.

Cơ cấu quy mô doanh nghiệp cũng đang được chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng các doanh nghiệp quy mô vừa có xu hướng tăng trong khi tỷ trọng nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ giảm, tạo tiền đề hình thành lực lượng doanh nghiệp Việt Nam có vai trò dẫn dắt.

Trong những năm gần đây, bên cạnh các tập đoàn nhà nước, doanh nghiệp FDI lớn, đã xuất hiện những tập đoàn kinh tế lớn trong khu vực tư nhân với quy mô ngày càng tăng, tiềm lực lớn như SunGroup, FLC, Vingroup, Trường Hải, Vietjet,… tham gia đầu tư vào những ngành, lĩnh vực có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước như phát triển hạ tầng, công nghệ thông tin, lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực chế tạo kỹ thuật cao,...

Các doanh nghiệp đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư từ các ngành đơn thuần về khai thác tài nguyên thô sang các lĩnh vực chế biến, chế tạo và dịch vụ, tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm, hàng hóa; phát triển các mô hình kinh doanh bền vững, bao trùm hướng tới người thu nhập thấp, nhóm người yếu thế trong xã hội.

Sự lớn mạnh, linh hoạt và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có những bước tiến lớn và được các tổ chức có uy tín trên thế giới ghi nhận và đánh giá cao.

Hiện các khối doanh nghiệp tư nhân chiếm vị thế tuyệt đối về số lượng với 96,7% trong khi FDI là 2,6%, doanh nghiệp Nhà nước chỉ 0,5%.

Một trong những cái tên vượt trội, ghi dấu ấn là Tập đoàn Vingroup. Năm qua Tập đoàn này đã đánh dấu bước chuyển mình đáng kể trong hoạt động sản xuất kinh doanh khi tham gia lĩnh vực công nghiệp sản xuất xe hơi, công nghệ cao. Dấu ấn lớn nhất của Vingroup chính là đã tạo ra sự ngỡ ngàng cho thế giới khi ra mắt dòng ôtô "made in Vietnam" chỉ trong 12 tháng.

Cùng với Vingroup, FLC cũng "đặc biệt" không kém. Trong bối cảnh quan hệ kinh tế Việt – Mỹ nói riêng và quan hệ song phương nói chung đang có triển vọng phát triển mạnh mẽ thì Bamboo Airways đã ghi dấu ấn bằng việc ký hợp đồng mua hàng chục máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner trị giá gần 3 tỷ USD với Tập đoàn Boeing (Mỹ).

Nếu tính cả hợp đồng mua 20 máy bay 787 Dreamliner được ký thỏa thuận trong năm 2018, Bamboo Airways đang là khách hàng lớn của Boeing với hai hợp đồng thương mại trị giá gần 8,6 tỷ USD.

Theo thống kê, năm 2018, thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam là khoảng 34,7 tỷ USD. Với hai hợp đồng của Bamboo Airways ký kết trong 2018 – 2019, mức thâm hụt này có thể giảm tới gần 25%.

Những thương vụ này được cho là sẽ góp phần cân bằng cán cân thương mại và ảnh hưởng tích cực đến quan hệ giao thương hai nước, như Tổng thống Mỹ Donal - Trump từng nhận xét: “Họ (Việt Nam) có đơn hàng lớn với Mỹ có giá trị hàng tỷ USD, và chúng tôi đánh giá cao điều này, vì nó đồng nghĩa sẽ có việc làm cho người Mỹ và thiết bị chất lượng cao cho Việt Nam”.

Vẫn chưa hết, hiện doanh nghiệp vận tải hàng không trẻ này đang “nung nấu” một kế hoạch chinh phục đường bay Việt- Mỹ dù còn rất thận trọng xem xét để đưa ra quyết định cuối cùng.

Mặc dù vậy, bên cạnh những doanh nghiệp chủ chốt nói trên thì sự phát triển của khu vực doanh nghiệp vẫn còn chưa thực sự hiệu quả và bền vững. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng nhưng tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng kinh doanh vẫn còn ở mức cao. Tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và giải thể so với tổng số doanh nghiệp thành lập mới hàng năm trong giai đoạn 2017- 2019 trung bình khoảng 58,1%. Trong đó: năm 2017 là 57,3%; năm 2018 là 67,7% và 11 tháng đầu năm 2019 là 49,4%.

Ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, mặc dù đã có những dấu hiệu tích cực trong 2-3 năm gần đây, song số lượng doanh nghiệp quy mô lớn và vừa của Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn so với cấu trúc tại các nền kinh tế khác có khu vực doanh nghiệp phát triển bền vững hơn. Hiện tượng này dẫn tới sự mất cân đối trong cấu trúc các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, năng lực khoa học công nghệ của các doanh nghiệp còn hạn chế; trình độ quản trị doanh nghiệp còn thấp; khả năng liên kết yếu, năng lực cạnh tranh thấp để có thể xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, tham gia vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu...

Chính phủ luôn "sát cánh" cùng doanh nghiệp

Đầu tuần tới, Thủ tướng sẽ đối thoại với hàng nghìn doanh nghiệp - Ảnh 2.

Hội nghị là dịp để Thủ tướng Chính phủ cùng các cơ quan Bộ ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cùng nhìn lại, đánh giá tình hình phát triển của khu vực doanh nghiệp thời gian qua về các kết quả đạt được; những hạn chế, tồn tại.... Ảnh: Hà Giang

Những năm gần đây, việc thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần doanh nhân được Đảng và Chính phủ quan tâm hơn bao giờ hết. Lần đầu tiên, có 03 Nghị quyết dành riêng cho 03 khu vực kinh tế, gồm: Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; Nghị quyết số 10/NQ-TW ngày 03/6/2017, Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và mới đây nhất là Nghị quyết số 50/NQ -TW ngày 20/8/2019của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Thực hiện chủ trương của Đảng, hàng loạt các cải cách mạnh mẽ về môi trường đầu tư kinh doanh thông qua việc hoàn thiện chính sách pháp luật đã được Quốc hội ban hành như: sửa đổi các Luật Đầu tư, Doanh nghiệp, các Luật chuyên ngành về đất đai, tín dụng, thuế, hải quan, lao động,...Ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp như: Nghị quyết số 02/NQ-CP (trước đây là các Nghị quyết số 19) về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 35/NQ-CPngày 16/5/2016 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020...

Sau hơn 30 năm đổi mới, khu vực doanh nghiệp ngày càng phát huy và khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội quốc gia. Với tinh thần luôn đồng hành cùng doanh nghiệp của Đảng và Nhà nước, Thủ tướng đã nhiều lần đối thoại với doanh nghiệp để giải quyết những khúc mắc, khó khăn nhằm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, cởi mở.

Còn nhớ, cuối tháng 4/2016, chỉ ít ngày sau khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lần đầu đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp. Cuộc đối thoại diễn ra tại TP.HCM, kéo dài từ sáng đến 13h30 chiều. Khi đó, Thủ tướng đã ghi nhận nhiều phát biểu tâm huyết, đóng góp giải pháp của hàng trăm doanh nhân trên cả nước.

Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp với chủ đề “Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp – Hội nhập, hiệu quả, bền vững” là lần thứ ba kể từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, Hội nghị lần này thể hiện được sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc khơi gợi, thôi thúc lòng tự hào dân tộc của các doanh nhân Việt Nam, phát huy mạnh mẽ nội lực để bứt phá, phát triển, là động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, xã hội nhanh và bền vững.

Hội nghị là dịp để Thủ tướng Chính phủ cùng các cơ quan Bộ ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cùng nhìn lại, đánh giá tình hình phát triển của khu vực doanh nghiệp thời gian qua về các kết quả đạt được; những hạn chế, tồn tại; nguyên nhân và đề xuất, giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp mạnh mẽ, hiệu quả và bền vững hơn nữa.

Thông qua Hội nghị lần này, Chính phủ thể hiện sự quyết tâm luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phát huy tinh thần đoàn kết, biến lòng tự hào dân tộc thành sức mạnh để phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đưa các doanh nghiệp Việt Nam tiến lên nấc thang mới trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; đồng thời tăng cường trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, cùng nhau tạo dựng đất nước độc lập, tự chủ, bền vững và hùng cường.

Trả lời Báo Điện tử Tổ Quốc về tiêu chí lựa chọn chủ đề cho Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp với chủ đề “Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp – Hội nhập, hiệu quả, bền vững”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, năm nay, với tình hình phát triển doanh nghiệp rất mạnh mẽ cũng như yêu cầu về hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp của chúng ta không chỉ "ngồi đợi" các nhà đầu tư nước ngoài đến mà phải năng động trong việc phát triển ra thế giới để tìm thị trường cũng như đầu tư ra nước ngoài.

Do vậy, chủ đề về hội nhập và hiệu quả bền vững là yêu cầu rất tất yếu tại thời điểm cuối năm 2019 để bước sang năm 2020 - đây cũng là năm cuối cùng của giai đoạn nhiệm kỳ 2016 - 2020. Chúng ta phải hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - xã hội 5 năm và bắt đầu cho kế hoạch 5 năm giai đoạn tiếp theo.


Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ