(Tổ Quốc) - Hai vụ bạo lực học đường xảy ra liên tiếp ở TP Đà Nẵng trong những ngày qua đặt ra vấn đề về trách nhiệm và tình yêu thương của những người làm nghề giáo đối với trẻ em.
Vụ một giáo viên nhóm lớp độc lập tư thục Elm School (đóng trên đường Nguyễn Phước Lan, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) bạo hành, bỏ đói nhiều em nhỏ, khiến dư luận bức xúc chưa kịp lắng xuống thì xảy ra việc một học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Nguyễn Phan Vinh (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) bị đánh bầm tím ở trường.
Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã vào cuộc, có những động thái xử lý ban đầu, nhưng dù kết luận như thế nào thì chính những đứa trẻ vẫn chịu tổn thương nhiều nhất.
Ở vụ việc đầu, khi cô giáo P.T.G thừa nhận có những hành vi bạo hành như đẩy ngã, đánh, xô, tát, xách, ném, kéo lê, dọa nạt, đút cơm thô bạo, bỏ đói trẻ, cho trẻ ăn lại thức ăn đã nhả ra…, thì có lẽ bất kỳ cha mẹ nào có con đang ở tuổi học mầm non cũng đều cảm thấy bất bình. Cha mẹ có con là nạn nhân của cô P.T.G càng đau xót đến nhường nào.
Ở vụ việc thứ hai, dù kết luận ban đầu không phải do cô giáo N. bạo hành, nhưng nhà trường và bản thân cô giáo không thể tránh khỏi trách nhiệm. Nhiều câu hỏi được đặt ra như: Vì sao cô giáo lại bắt một đứa trẻ phải kèm cho bạn học trong giờ nghỉ trưa? Vì sao cô vắng mặt trong khoảng 1 tiếng đồng hồ đó? Một đứa trẻ 6 tuổi có thể dùng thước chỉ bài để tạo ra những vết bầm tím khắp hai chân của bạn mình như thế không?
Chưa bàn đến tính đúng - sai, hợp lý - không hợp lý, thỏa mãn - không thỏa mãn đối với kết luận điều tra ban đầu, chỉ nói về thiên chức và trách nhiệm của "cô nuôi dạy trẻ" thì rõ ràng cả hai vụ việc nói trên đều tạo cảm giác bất an cho các bậc cha mẹ.
Giáo viên bậc mầm non và bậc tiểu học, nhất là dạy lớp 1, là nghề đặc biệt, mang tình yêu đặc biệt. Muốn dạy trẻ tốt, trước hết cô giáo phải yêu trẻ, phải trở thành "mẹ hiền", rồi mới nói đến chuyện giỏi nghiệp vụ. Nếu thật sự yêu trẻ, cô P.T.G đã không có những hành vi bạo hành đáng sợ như thế. Nếu thật sự yêu trẻ, cô N. đã suy nghĩ thấu đáo và hành xử phù hợp hơn, chứ không bỏ mặc hai học trò 6 tuổi "tự học" trong lúc cả lớp nghỉ trưa.
Trong nhiều phương pháp giáo dục, có lẽ giáo dục bằng tình yêu thương dễ đạt hiệu quả nhất, nhưng là phương pháp khó nhất. Khi thăm một trường tiểu học trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) hôm 5/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nói rằng, dạy dỗ và chăm sóc trẻ em là một công việc đặc biệt, đòi hỏi kiến thức, sự kiên trì, tấm lòng bao dung, nhân ái, yêu thương con trẻ. Đây là công việc rất vất vả, cần nỗ lực hơn nữa với phương châm "nhà trường là nền tảng, học sinh là trung tâm, thầy cô là động lực" và "mỗi ngày đến trường là một ngày vui".
Mong muốn của người đứng đầu Chính phủ cũng chính là kỳ vọng của các bậc cha mẹ có con đang tuổi học - chơi - ăn ngủ.
Bạo hành trẻ em là vấn nạn trong nhiều năm qua. Theo Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), trung bình mỗi năm, cả nước phát hiện khoảng 2.000 vụ bạo hành trẻ em. Con số này làm người lớn giật mình, bởi những đứa trẻ khi bị bạo hành thì không có khả năng tự vệ, cũng không biết tìm kiếm sự trợ giúp của bất kỳ ai.
Đến khi phát hiện vụ việc thì thân thể và tinh thần các em đều bị tổn thương. Lúc đó, điều mà chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình có thể làm là khắc phục hậu quả (giúp các em giảm nhẹ sự thương tổn, xử lý các hành vi sai phạm của những người có liên quan), chứ không thể quay ngược thời gian để phòng tránh, ngăn chặn vụ việc xảy ra.
Ngày 7/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 23/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030". Theo đó, cả nước phấn đấu giảm tỉ lệ trẻ em bị xâm hại xuống dưới 4,5% vào năm 2025 (hiện nay là 5%); giảm tỉ lệ lao động trẻ em xuống dưới 4,9% vào năm 2025 (hiện nay là 5,3%).
Để thực hiện mục tiêu nói trên, các tỉnh, thành phố đang xây dựng kế hoạch triển khai "Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030" phù hợp với đặc điểm của địa phương mình. Chỉ mong rằng những "chương trình hành động" không phải là lý thuyết trên giấy, mà cần được áp dụng vào thực tiễn với những nội dung thiết thực, để không còn những vụ bạo hành gây đau đớn về thể xác và tinh thần cho trẻ nữa.
Muốn vậy, sinh viên học ngành Sư phạm Mầm non, ngành Giáo dục Tiểu học, phải được học về Luật Trẻ em và các điều khoản của Bộ luật Hình sự liên quan bạo hành, xâm hại trẻ em...
Hơn thế nữa, ngành Giáo dục cần tuyển chọn nghiêm túc, kỹ lưỡng các giáo viên bậc mầm non và tiểu học kèm chế độ đãi ngộ xứng đáng, đồng thời kiểm soát nghiêm ngặt việc cấp phép cho các cơ sở tư thục. Các cô giáo phải là những người giàu lòng trắc ẩn, có trái tim yêu thương con người thì mới có thể vun xới những mầm xanh phát triển lành mạnh và an toàn.
Nếu không đủ tình yêu trẻ, xin đừng làm nghề giáo!