(Tổ Quốc) - Trong 2 năm xảy ra dịch bệnh Covid-19, ngành Du lịch Quảng Bình gần như “ngủ đông” một thời gian dài bởi dịch bệnh bùng phát đã làm cho khách du lịch không thể thực hiện chuyến trải nghiệm của mình.
Thách thức trước dịch bệnh Covid-19
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, ngành du lịch Quảng Bình đã thực hiện nhiều phương án nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh vừa khai thác du lịch với phương châm "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".
Khoảng thời gian xảy ra dịch bệnh, ngành Du lịch Quảng Bình đã có cơ hội nhìn lại chính mình và từ đó có những phương án cụ thể để chấn chỉnh công tác tuân thủ pháp luật về du lịch tại một số đơn vị cung cấp dịch vụ lữ hành; tiếp thu và giải quyết kiến nghị của khách và các đơn vị hoạt động du lịch.
Trong thời gian này, nhiều công ty du lịch đã triển khai các hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ, tìm những hướng đi mới trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 đã và đang có những diễn biến phức tạp. Để khai thác được khách du lịch, các đơn vị đã tìm ra những phương án đa dạng hóa các sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch thích ứng với điều kiện khắc nghiệt của thời tiết và biến đổi khí hậu.
Đặc biệt là việc chủ động đón đầu xu hướng thị trường khách trong trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để sẵn sàng đón khách, thực hiện các chiến dịch quảng bá, xúc tiến thu hút khách du lịch. Quảng Bình là một trong những địa phương đầu tiên đón khách du lịch sau thời gian phải dừng hoạt động do dịch Covid-19, với slogan: "Quảng Bình – điểm đến an toàn và khác biệt".
Một trong những nỗ lực của ngành Du lịch trong thời điểm này được ghi nhận là việc đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đối số trong lĩnh vực du lịch như: ứng dụng công nghệ số trong quảng bá các sản phẩm du lịch. Quản lý và phát triển điểm đến du lịch thông minh; từng bước hoàn thiện hệ thống thông tin số ngành Du lịch; Hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch.
Chuyển đổi số, cơ hội lớn của ngành du lịch
Nhằm hỗ trợ các đơn vị du lịch trong tình hình mới, ngành Du lịch tuyên truyền, đào tạo, nâng cao nhận thức về ứng dụng công nghệ số hóa trong ngành Du lịch. Sở Du lịch đã tiến hành xây dựng các nền tảng cơ sở dữ liệu về các điểm du lịch, ứng dụng CNTT mạng không gian phục vụ phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình.
Việc xây dựng ứng dụng QuangBinh Tourism cung cấp đầy đủ thông tin cho khách du lịch khi đến với Quảng Bình, phát triển các kênh du lịch Quảng Bình trên nền tảng số… Từ đó duy trì kết nối thường xuyên, liên tục với các thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế qua các nền tảng số và hoạt động liên kết, hợp tác với các đơn vị trong nước và nước ngoài.
Ông Trần Xuân Quang, Chánh Văn phòng Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cho biết: Sở Du lịch Quảng Bình sẽ cùng cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đẩy mạnh hơn nữa việc chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, tập trung thực hiện một số giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch sau dịch bệnh và trong tình hình mới.
Việc tuyên truyền và giải thích cho người lao động trong các doanh nghiệp du lịch về sứ mệnh, sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số trong ngành này, cũng như những lợi ích to lớn của việc chuyển đổi số mang lại cho sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành Du lịch nói riêng. Quán triệt tinh thần đổi mới, sẵn sàng cho phép thử nghiệm và ứng dụng công nghệ mới; liên kết chuyển đổi số với các cơ quan nhà nước với hiệp hội du lịch Quảng Bình.
"Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số sẽ giúp ngành du lịch khai thác hiệu quả hơn các giá trị gia tăng từ môi trường số, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững hơn, góp phần đưa du lịch Quảng Bình thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Quảng Bình", ông Trần Xuân Quang cho biết.
Hiện tại việc xây dựng và kết nối cơ sở dữ liệu về lưu trú, lữ hành, điểm đến. Điều này, giúp cho Sở Du lịch nắm bắt tốt thông tin về du khách khi đến với Quảng Bình, từ đó có những dự báo về chính sách, các chương trình quảng bá du lịch đúng đối tượng, trọng tâm, mặt khác tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và khách hàng nắm bắt thông tin một cách nhanh chóng và chính xác, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Bên cạnh đó, ngành Du lịch đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quảng bá sản phẩm du lịch. Tiến hành số hóa trong hoạt động quảng bá sản phẩm, giao dịch, quản lý du lịch, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ số để hỗ trợ du khách tìm những điểm đến an toàn, cơ sở cung cấp dịch vụ an toàn và cập nhật những thông tin, hoạt động của ngành Du lịch.
Có thể khẳng định rằng, xu thế và bối cảnh dịch bệnh Covid hiện nay, ngành du lịch Việt Nam nói chung và ngành Du lịch Quảng Bình nói riêng cần chủ động chuyển đổi số, phát huy lợi ích của công nghệ số, tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh có sự gắn kết các chủ thể từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và Sở Du lịch.