• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa huyện Lắk

Văn hoá 15/12/2023 20:12

(Tổ Quốc) - Ngày 15/12, đã diễn ra hội thảo khoa học "Giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa truyền thống huyện Lắk" do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với UBND huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk tổ chức.

Nhiều tiềm năng phát triển du lịch văn hóa

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học tỉnh Đắk Lắk TS Vương Hữu Nhi cho biết: Huyện Lắk là huyện giàu tiềm năng về đất đai, con người, có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời và rất nhiều các điều kiện để phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, đặc biệt là các điều kiện để phát triển du lịch. Phát triển Du lịch Lắk thể hiện quyết tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nguyện vọng của nhân dân các dân tộc huyện Lắk trong việc xây dựng và phát triển để huyện nhanh chóng trở thành một huyện giàu và đẹp, trong đó Du lịch là một trong 3 đột phá quan trọng.

Huyện Lắk có hệ thống sông suối phong phú, tiêu biểu như thác Bìm Bịp xã Yang Tao, suối đá Đăk Phơi, hang đá ba tầng, thác Liêng Puh Pêt (xã Krông Nô),... tất cả đều nằm ở trong những cánh rừng nguyên sinh tạo nên khung cảnh đẹp, huyền bí thu hút sự tò mò, khám phá của khách du lịch.

Đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa huyện Lắk - Ảnh 1.

Các đại biểu tại hội thảo

Hồ Lắk – là hồ nước ngọt tự nhiên lớn thứ hai Việt Nam, được Nhà nước công cấp quốc gia là di tích lịch sử - văn hóa thắng cảnh hồ Lắk, quanh hồ Lắk có các quần thể sinh học đa dạng, có tiềm năng lớn cần khai thác và phát triển du lịch. Ngoài ra còn các hệ thống hồ đập khác như hồ Thủy điện Tua sarh, hồ Buôn Triết, hồ Buôn Tría, hồ Ea Rbin. Vừa phục vụ sản xuất điện năng, cung cấp nước làm nông nghiệp vừa thuận lợi phát triển du lịch.

Vườn Quốc gia Chư Yang Sin thuộc hệ sinh thái núi cao, trải dài sang tận tỉnh Lâm Đồng rộng 58.947 ha là vùng giàu tài nguyên thiên nhiên, có tính đa dạng sinh học cao bao gồm 876 loài thực vật bậc cao có mao mạch, 203 loài chim, 46 loài thú lớn, 29 loài bò sát lưỡng cư ngoài ra còn có trữ lượng lâm sản rất lớn.

Bên cạnh đó, huyện Lắk với nhiều dấu tích văn hoá, lịch sử của các dân tộc, quê hương lâu đời như: M'nông, Mông, Tày, Thái, ÊĐê ... vùng đất có nhiều văn hóa đặc sắc, nhiều phong tục tập quán và giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Nơi đây nhiều nghề truyền thống như nghề làm gốm, đan lát, dệt thổ cẩm; trong tín ngưỡng, phong tục, lễ hội văn hóa dân gian, âm nhạc dân gian... Đối với di sản văn hóa phi vật thể: Việc phục dựng các nghi lễ, các trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống được duy trì phát triển góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc

"Với những tiềm năng về di tích danh lam, thắng cảnh đã thu hút một lượng lớn du khách đến với nơi đây. Năm 2023, huyện Lắk có lượng khách đạt 20.653 lượt, trong đó khách quốc tế là 1.403 lượt, khách trong nước là 19.250 lượt. So với năm 2022, lượt khách tăng 1,6 %, doanh thu đạt 17 tỷ đồng (tăng 18%)" - TS Vương Hữu Nhi cho biết thêm.

Đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa huyện Lắk - Ảnh 2.

Không gian du lịch Y Sol House của anh Y Sôl Sruk (bìa phải) ở xã Yang Tao (huyện Lắk).

Mặc dù đạt được những kết quả nhất định nhưng du lịch huyện Lắk vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại. Phó Chủ tịch UBND huyện Lắk Nguyễn Anh Tú cho hay, hiện nay, các di tích văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn đã được cấp có thẩm quyền xếp hạng nhưng chưa bố trí được kinh phí để đầu tư, tu bổ; sản phẩm du lịch cộng đồng đã bước đầu hình thành và có sự thành công nhất định, tuy nhiên vẫn còn dừng lại ở mức nhỏ lẻ. Đội ngũ cán bộ, nhân viên du lịch còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng; trong số 115 lao động đang hoạt động dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện thì có hơn 50% lao động chưa qua đào tạo…

Phát triển du lịch cần gắn với bảo tồn văn hóa

Để phát triển du lịch huyện Lắk ngày càng phát triển, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, Giám đốc Trung tâm Truyền thông – Văn hóa – Thể thao huyện Lắk Bùi Xuân Tiệp chia sẻ, khách du lịch đến với huyện Lắk không chỉ vì vẻ đẹp tự nhiên thơ mộng, mà phần lớn họ đến hay quyết định quay trở lại vì những cuốn hút về văn hóa. Chính vì vậy, cần phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch.

Qua đó, theo ông Bùi Xuân Tiệp, chúng ta cần phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể các cấp trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Đồng thời, cần có những cơ chế đặc thù đãi ngộ, động viên và tôn vinh đội ngũ nghệ nhân kịp thời, để họ phát huy mọi khả năng đóng góp cho công tác bảo tồn văn hóa truyền thống. Những chính sách này sẽ góp phần phát huy vai trò, tính sáng tạo của nghệ nhân trong bảo tồn di sản văn hóa, đồng thời giúp họ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công tác bảo tồn di sản cho đội ngũ kế cận

"Đặc biệt, việc xác định và xây dựng thương hiệu du lịch các địa phương từ di sản văn hóa cần phải tạo nên sự khác biệt hấp dẫn, đặc sắc cho từng sản phẩm du lịch" – ông Bùi Xuân Tiệp nhấn mạnh.

Đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa huyện Lắk - Ảnh 3.

Sản phẩm gốm của người M'nông (xã Yang Tao, huyện Lắk).

Nhìn từ góc độ bảo vệ môi trường, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lắk Y Thiêm Quan cho rằng, để phát triển du lịch bền vững huyện Lắk cần có sự cân nhắc giữa việc thu hút khách du lịch và đảm bảo bảo vệ môi trường và văn hóa địa phương. Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường như quản lý chặt chẽ việc phát triển xây dựng giáo dục du lịch bền vững cho cộng đồng địa phương và khách du lịch và khuyến khích các hoạt động du lịch có ích cho cộng đồng nó sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch của địa phương.

"Cần đầu tư phát triển du lịch theo hướng bền vững, khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên thiên nhiên, văn hóa truyền thống, đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện; ưu tiên phát triển loại hình du lịch như: Mô hình du lịch cộng đồng nhằm bảo tồn, lưu giữ tài nguyên thiên nhiên và văn hóa đặc sắc của huyện Lắk. Cùng với đó, gắn nội dung giáo dục môi trường với các chương trình đào tạo cho mọi đối tượng tham gia vào hoạt động du lịch; có kế hoạch bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa trong vùng gắn với bảo tồn và khai thác vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên, tăng cường hợp tác liên ngành và quốc tế về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch" – ông Y Thiêm Quan nói.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Anh Tú, thời gian tới huyện sẽ chủ động xây dựng sản phẩm du lịch theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, đồng thời gắn với đặc thù, thế mạnh của địa phương như: khôi phục một số nghi lễ, lễ hội phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào địa phương; khôi phục và phát triển một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ, khuyến khích phát triển các làng nghề truyền thống nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc như làng nghề dệt thổ cẩm buôn Lê, buôn Jun (thị trấn Liên Sơn), buôn M'Liêng (xã Đắk Liêng), làng nghề gốm ở xã Yang Tao…/.

Linh Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ