(Tổ Quốc) - Sau nhiều tháng ứng phó với dịch bệnh COVID-19, Sở Du lịch TP.HCM đã triển khai Kế hoạch phục hồi hoạt động ngành du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch COVID-19 vào chiều 16/10.
- 16.10.2021 Ngắm kiến trúc Indochine mãn nhãn trong hai resort của Sun Group được CN Traveller vinh danh
- 16.10.2021 Quảng Bình mở cửa du lịch an toàn sau dịch với các tour trọn gói
- 16.10.2021 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với các đơn vị về phương án khôi phục lại các hoạt động du lịch trong thời gian tới
- 15.10.2021 Nhìn nhận đúng vai trò của chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề du lịch
- 15.10.2021 Tái khởi động du lịch hậu Covid: Xu hướng du lịch nào sẽ lên ngôi?
Ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua
Theo báo cáo của Sở Du lịch TP.HCM, do biến động liên tục của dịch bệnh Covid-19, các chỉ tiêu của ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Cụ thể năm 2020, khách quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh là 1.303.750 lượt, giảm 84,8% so cùng kỳ năm 2019 (năm 2019 là 8.600.000 lượt), đạt 14,49% kế hoạch năm 2020; khách du lịch nội địa đến Thành phố Hồ Chí Minh là 15.879.000 lượt, giảm 51,5% so cùng kỳ năm 2019 (năm 2019 là 32.770.000 lượt), đạt 46,7% kế hoạch năm 2020; tổng thu du lịch đạt 84.512 tỷ đồng, giảm 39,6% so với cùng kỳ năm 2019 (năm 2019 là 140.070 tỷ), đạt 57,4% so với kế hoạch năm 2020.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Khách quốc tế mới đến Thành phố Hồ Chí Minh là 0 lượt. Khách du lịch nội địa: ước đạt 7.750.000 lượt khách, giảm 47% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 0.3% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 38.259 tỷ đồng giảm 43% so với 6 tháng đầu năm 2019 và tăng 12% so với 6 tháng đầu năm 2020.
Báo cáo của 26 doanh nghiệp lữ hành đầu ngành cũng chỉ ra khi dịch covid-19 bùng phát lại vào đầu năm 2021 đến ngày 01 tháng 3 năm 2021 đã có hơn 930 đoàn hủy tour với số lượng hơn 43.100 khách, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp lữ hành trên 363 tỷ đồng.
Theo thống kê của Ủy ban nhân dân Thành phố Thủ Đức và các quận/huyện trên địa bàn Thành phố chỉ còn khoảng 50% số lượng doanh nghiệp lữ hành đang hoạt động. Trong đó, có đến 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ, doanh nghiệp lữ hành chuyên kinh doanh thị trường inbound đã tạm ngưng hoạt động. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến ngày 31 tháng 7 năm 2021 có tổng cộng 189 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành rút giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành (trong đó có 170 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế và 19 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa).
Diễn biến phức tạp của dịch bệnh đã gây tâm lý e ngại đi du lịch của người dân, hạn chế đến các điểm tham quan đông người, làm giảm đáng kể lượng khách tham quan của các điểm đến từ 50% - 70% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, do gánh nặng về chi phí duy trì hoạt động, một số điểm tham quan đã tạm ngưng hoạt động từ tháng 8/2020 (Khu du lịch văn hóa Suối Tiên). Nhân sự của các điểm tham quan đã giảm từ 30% - 50% nhằm duy trì chi phí hoạt động của điểm đến trong năm 2020. Hiện các điểm tham quan du lịch đã tạm dừng hoạt động vào cuối tháng 5 năm 2021 theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố.
Đối với các cơ sở lưu trú, trên địa bàn thành phố có hơn 50% cơ sở hạng 3 sao/ tương đương tạm ngưng hoạt động, các cơ sở lưu trú hạng 4 sao và 5 sao/ tương đương hoạt động cầm chừng; doanh thu lưu trú giảm 70% so với năm 2019, doanh thu hoạt động ăn uống giảm 80% so với năm 2019, doanh thu các hoạt động dịch vụ khác giảm 68% so với năm 2019, lượng lao động giảm 35% so với năm 2019.
Đối với các đơn vị vận tải khách du lịch, doanh thu hầu như phụ thuộc vào lượng khách của các công ty lữ hành lớn của Thành phố, nên trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, tình hình kinh doanh của các đơn vị vận chuyển giảm từ 60 - 80% (công ty du lịch Hòa Bình Việt Nam, Vietravel, Saigontourist, Thiên Phương, Hải Vân…).
Phục hồi du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch COVID- 19
Phát biểu tại "Hội nghị triển khai Kế hoạch phục hồi du lịch Thành phố Hồ Chí Minh trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch COVID- 19 giai đoạn cuối năm 2021 và năm 2022", bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, Kế hoạch sẽ xác định lộ trình, giải pháp từng bước phục hồi hoạt động du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2022 theo nguyên tắc: "An toàn tới đâu thì mở cửa tới đó và mở cửa thì phải an toàn".
Xác định thị trường nội địa giữ vai trò chủ lực trong giai đoạn phục hồi ngành du lịch; Tập trung xây dựng nguồn nhân lực an toàn, điểm đến an toàn và dịch vụ du lịch an toàn trên địa bàn Thành phố; Chủ động kết nối các tỉnh, thành để phát triển tuyến, điểm an toàn liên vùng.
Phấn đấu huy động được nhiều nguồn lực tham gia trong quá trình triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi. Đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả hoạt động và đảm bảo an toàn cho du khách, người lao động ngành du lịch.
Đối tượng tham gia là những khách du lịch có mã QR xanh hoặc xuất trình một trong các giấy tờ như: Là F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày; đã tiêm chủng (ít nhất 01 mũi đối với loại Vaccine tiêm 02 mũi và ít nhất 14 ngày sau khi tiêm); kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính còn hiệu lực.
Theo đó, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cũng thông tin rằng lộ trình phục hồi du lịch sẽ chia làm 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1 (từ ngày 01/10/2021 – ngày 31/10/2021), mở du lịch nội vùng và thí điểm du lịch liên tỉnh: khách du lịch đang sinh sống và làm việc tại Thành phố có thể tự đi du lịch hoặc đi theo đoàn đến các điểm tham quan trên địa bàn Thành phố. Các cơ sở lưu trú và các điểm tham quan được hoạt động với công suất tối đa 50%.
Giai đoạn 2 (từ ngày 01/11/2021 đến ngày 31/12/2021), Đẩy mạnh du lịch nội vùng và mở du lịch liên tỉnh: khách tự đi du lịch nội vùng hoặc đi theo đoàn; khách du lịch liên tỉnh đi theo đoàn. Hoạt động lưu trú với công suất tối đa 70% và xem xét mở thêm một số dịch vụ (ăn uống tại chỗ, spa...). Hoạt động điểm tham quan với công suất tối đa 70%.
Giai đoạn 3 (trong năm 2022): khôi phục tất cả các hoạt động và sản phẩm du lịch trên địa bàn Thành phố, không giới hạn loại hình, quy mô và phạm vi.
Bà Phan Thị Thắng, phó chủ tịch UBND TP cho biết, thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có tỷ lệ tiêm chủng cao so với cả nước, trong đó, lực lượng lao động ngành du lịch Thành phố theo thống kê sơ bộ tỷ lệ đã tiêm đủ liều đạt 80%. Đây là một trong những điều kiện quan trọng để đưa ngành du lịch trở lại quỹ đạo hoạt động.
Ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn với tỷ lệ đóng góp vào GRDP của Thành phố từ 10-12% trong giai đoạn trước dịch bệnh; với đặc trưng là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp nên tập trung phục hồi du lịch sẽ kéo theo sự phục hồi của các ngành nghề khác. Do vậy, phó chủ tịch UBND TP cho rằng việc xây dựng và triển khai hiệu quả kế hoạch phục hồi hoạt động ngành du lịch Thành phố là rất cần thiết và có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay.
Bà Phan Thị Thắng cũng cho biết, vừa qua Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã làm việc với các tỉnh, vùng Đông Nam Bộ (Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu) để thí điểm các tour du lịch liên tỉnh theo hình thức khép kín từ giữa tháng 10/2021. Và từ nay đến cuối tháng 10 sẽ tiếp tục làm việc với các tỉnh Nam Trung Bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long để chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn 2 của Kế hoạch phục hồi và đẩy mạnh du lịch nội địa từ tháng 11.
Cũng trong sự kiện, Sở du lịch TP.HCM đã công bố Bộ Tài nguyên du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, gồm 366 tài nguyên đã được hoàn thiện và cập nhật trên nền tảng định vị trực tuyến Google Map, Google Earth, trong đó: 13 điểm đến gắn với giá trị tài nguyên tự nhiên, sinh thái; 225 điểm đến gắn với giá trị tài nguyên văn hóa vật thể; 8 hoạt động gắn với du lịch (tài nguyên du lịch phi vật thể) được hình thành từ các lễ hội dân gian, lễ hội hiện đại, tập tục truyền thống và 120 điểm đến gắn với giá trị công trình nhân tạo.
Đồng thời sự kiện cũng công bố phiên bản mới của trang thông tin điện tử xúc tiến du lịch TP.HCM www.visithcmc.vn và phát động Chương trình 100.000 vouchers du lịch Thành phố Hồ Chí Minh dành cho lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19....