(Tổ Quốc) - Ngày 10/10/2023, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị sơ kết giữa kỳ Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Phấn đấu năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,49%
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện các CTMTQG Đầu Thanh Tùng nhấn mạnh: CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2023 đã tập trung vào giảm nghèo, nâng cao trình độ dân trí, phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Nhờ đó, các gia đình hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã được hỗ trợ để vượt qua khó khăn, cải thiện đời sống và tạo ra các cơ hội để phát triển. Người dân nghèo đã được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như: hỗ trợ vốn kinh doanh, đào tạo nghề, bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí cho con em, đặc biệt là giải quyết vấn đề về nhà ở.
Theo báo cáo kết quả thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững tại hội nghị, giai đoạn 2021-2025, tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương phân bổ cho tỉnh Thanh Hóa là 1.640 tỷ 539 triệu đồng. Trong đó, Trung ương đã giao 945 tỷ 033 triệu đồng; còn lại 695 tỷ 506 triệu đồng (thực hiện năm 2024 và 2025) chưa được giao.
Kết quả giải ngân vốn đầu tư phát triển được Trung ương phân bổ năm 2022 và năm 2023 lũy kế đến ngày 30-9-2023 khoảng 410 tỷ 102 triệu đồng/945 tỷ 033 triệu đồng (đạt 43,4% so với kế hoạch vốn). Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững của tỉnh cao hơn tỷ lệ giải ngân Chương trình của cả nước (tỷ lệ giải ngân cả nước đạt 36,46%).
Kết quả giải ngân vốn sự nghiệp được Trung ương phân bổ năm 2021 đến năm 2023 (vốn năm 2022 được kéo dài sang năm 2023) lũy kế đến ngày 25-9-2023 được 138 tỷ 216 triệu đồng/685 tỷ 135 triệu đồng, đạt 20,17%. Trong đó, năm 2021 37 tỷ 455 triệu đồng; năm 2022, 52 tỷ 103 triệu đồng; năm 2023, 48 tỷ 658 triệu đồng...
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ngành cấp tỉnh, cùng với sự nỗ lực của các đơn vị, các địa phương và Nhân dân, các hoạt động thuộc Chương trình đã và đang triển khai thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Hệ thống văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của tỉnh cơ bản đầy đủ; các khó khăn, vướng mắc cơ bản được giải đáp. Cơ chế quản lý, điều hành được đảm bảo thống nhất từ tỉnh đến cơ sở.
Đồng thời, các dự án sử dụng vốn đầu tư công đã được phê duyệt và giải ngân đảm bảo tiến độ. Một số dự án, tiểu dự án sử dụng vốn sự nghiệp đã được triển khai thực hiện hỗ trợ đến người nghèo, cận nghèo, người mới thoát nghèo. cấp ủy, chính quyền các địa phương đã lồng ghép các hoạt động của Chương trình vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương... Qua đó, góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo (năm 2022 giảm 1,79%, vượt kế hoạch đề ra 1,5%/năm).
Cùng với đó, chương trình đã tập trung vào phát triển kết cấu hạ tầng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, vùng sâu và vùng khó khăn. Kết quả, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm, ước tính năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,49%, bình quân giai đoạn 2022-2023 (theo chuẩn mới giai đoạn 2022-2025) giảm 1,65%/năm, cao hơn so với mục tiêu kế hoạch.
Tham luận tại hội nghị, nhiều đại biểu là lãnh đạo các xã, đơn vị cấp huyện, sở ngành đã chia sẻ những kinh nghiệm quý, cách làm hay trong thực hiện phong trào thi đua "Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau"; hỗ trợ phát triển sản xuất góp phần giảm nghèo bền vững; tín dụng chính sách giúp người nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo; giới thiệu một số mô hình, điển hình trong thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững... Đồng thời, các đại biểu đã đề xuất những nội dung, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình trong thời gian tới.
Đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững
Đến tham dự hội nghị, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh đánh giá cao kết quả tỉnh Thanh Hóa đạt được trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững. Điểm nổi bật là cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh chỉ đạo, ban hành cơ chế, chính sách, chương trình, đề án hỗ trợ phát triển đồng bộ, thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua "Vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau"; phân công các huyện miền xuôi đỡ đầu các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn cùng phát triển kinh tế-xã hội.
Qua đó, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh tổ chức thực hiện các nội dung, hoạt động thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội liên kết vùng, thiết yếu phục vụ dân sinh, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, phục vụ sản xuất, lưu thông hàng hóa. Bên cạnh đó, cần tiếp tục phát triển các hoạt động sản xuất, tạo việc làm, sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, người nghèo theo chuỗi giá trị, liên kết trong sản xuất nông nghiệp.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cao, phát huy lợi thế, sản phẩm tiềm năng của địa phương; đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đã được phân bổ. Địa phương cần tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện có hiệu quả kế hoạch đưa huyện Thường Xuân và huyện Bá Thước thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn vào năm 2025. Tổ chức thực hiện đầy đủ các chính sách giảm nghèo thường xuyên nhằm hỗ trợ toàn diện người nghèo như bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, nhà ở, dạy nghề, việc làm, vay vốn tín dụng ưu đãi, trợ giúp pháp lý…
Cũng theo ông Lê Văn Thanh trao đổi, tỉnh Thanh Hóa cần khảo sát, đánh giá hiệu quả đầu tư trước đây làm cơ sở tham mưu cho cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ đầu tư, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên cấp huyện.
Phát biểu kết luận hội nghị, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững thời gian qua; đồng thời biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều thành tích được vinh danh khen thưởng tại hội nghị.
Tuy nhiên, để triển khai có hiệu quả hơn nữa CTMTQG giảm nghèo bền vững trong thời gian tới, ông Hưng đề nghị tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác giảm nghèo; đẩy mạnh thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp giảm nghèo nhanh và bền vững theo chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy và các kế hoạch, chỉ tiêu giảm nghèo, chỉ tiêu tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để thực hiện thành công CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.
Thêm vào đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, người nghèo và toàn xã hội đối với công tác giảm nghèo. Thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm và từng giai đoạn, làm cơ sở để xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo phù hợp.
"Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện sâu rộng, có hiệu quả phong trào "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau"; kịp thời phát hiện, tôn vinh, khen thưởng, động viên những tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích, đóng góp cho công tác giảm nghèo và những gương sáng thoát nghèo điển hình, tiêu biểu trong cộng đồng" – ông Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trao tặng Bằng khen cho 44 tập thể, 26 cá nhân, 17 hộ gia đình có thành tích xuất trong phong trào thi đua "Vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau", giai đoạn 2021-2023./.