(Tổ Quốc) - Đại biểu Lương Văn Hùng cho rằng, cần có những quy định pháp luật cụ thể về định danh bất động sản du lịch và các loại hình sản phẩm bất động sản du lịch, văn phòng kết hợp với nhà ở, nhà phố thương mại, làm rõ đặc tính, mục đích phát triển du lịch, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, quản lý, vận hành đối với mỗi loại hình.
Sáng 19/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Chưa có định danh rõ ràng về các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng, loại hình văn phòng kết hợp với nhà ở
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Lương Văn Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, hiện nay, Luật Nhà ở (sửa đổi) chưa có định danh rõ ràng về các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng, loại hình văn phòng kết hợp với nhà ở, nhà phố thương mại, các quy định về bất động sản này nằm rải rác ở các văn bản pháp luật khác nhau, nội dung không đồng bộ, chi tiết, chưa quy định cụ thể về cơ chế quản lý sử dụng đất vào mục đích hỗn hợp và việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đối với loại hình bất động sản này, cơ chế giao dịch loại hình bất động sản này trên thị trường.
Theo đại biểu, các dự án liên quan đến bất động sản du lịch cần tuân thủ pháp luật hiện hành về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đầu tư, quy hoạch đô thị, xây dựng, đảm bảo phù hợp với các quy hoạch và tình hình thực tế của mỗi địa phương từng thời kỳ.
Theo đại biểu, do chưa có quy định và định danh về bất động sản du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng, văn phòng kết hợp với nhà ở, nhà phố thương mại, và các quy định trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản hay các văn bản pháp luật liên quan chưa đề cập đầy đủ đến loại hình bất động sản này... nhưng các sản phẩm bất động sản này đã xuất hiện trên thị trường dẫn đến thực tế nhiều địa phương lúng túng, vướng mắc.
Đối với nhà nước đó là sự lúng túng trong quản lý giao dịch, sự thiếu thống nhất giữa các địa phương khi xác định chế độ sử dụng đất, thực hiện thủ tục hành chính, giải quyết tranh chấp phát sinh... Các chủ đầu tư sẽ gặp khó khăn trong thuyết phục khách hàng, tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho bất động sản du lịch, khó khăn do thủ tục hành chính phức tạp. Đối với khách hàng sau những tranh chấp liên quan đến bất động sản du lịch, tâm lý lo lắng, bất an vào sản phẩm đã đầu tư, việc chưa rõ ràng về pháp lý bất động sản du lịch cũng dẫn đến nhà đầu tư khó tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư sản phẩm này.
Do đó, theo đại biểu, để hoàn thiện Luật Nhà ở, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển khiển cần có những quy định pháp luật cụ thể về định danh bất động sản du lịch và các loại hình sản phẩm bất động sản du lịch, văn phòng kết hợp với nhà ở, nhà phố thương mại, làm rõ đặc tính, mục đích phát triển du lịch, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, quản lý, vận hành đối với mỗi loại hình.
Bổ sung vào Luật Nhà và các văn bản pháp lý liên quan quy định về loại hình bất động sản nghỉ dưỡng phù hợp với quy định của Luật Du lịch, quy định về việc sở hữu bất động sản du lịch của người nước ngoài và các chính sách ưu đãi đầu tư bất động sản du lịch như về vốn, về quyền sử dụng đất, quyền thuê đất, chính sách thuế, chính sách phát triển hạ tầng xung quanh các dự án bất động sản du lịch, đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả khai thác của dự án, chính sách đào tạo phát triển nguồn nhân lực, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài.
Đại biểu Lương Văn Hùng nhấn mạnh, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của đất nước, thu hút đầu tư, thu hút ngoại tệ về cho đất nước, hoàn thiện hệ thống đồng bộ các quy định giữa Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Du lịch... về phương thức quản lý các bất động sản đa công năng và hình thức sử dụng đất phù hợp với mỗi loại hình cần có khung pháp lý hoàn thiện về đầu tư, xây dựng, sử dụng, chuyện nhượng... và các cơ chế hợp tác đối với loại hình bất động sản đặc thù này.
Nhà ở di động giải pháp khả thi để người dân có ngay chỗ ở mới, tiết kiệm và hiệu quả
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho biết, dự thảo Luật chưa có quy định về nhà ở di động trong khi đây là loại nhà được nhiều nước trên thế giới đưa vào sử dụng từ lâu.
Tại Việt Nam hiện cũng đã bắt đầu sử dụng loại hình nhà di động nhưng chủ yếu phục vụ cho nhu cầu du lịch, nhà vườn, cắm trại. Đại biểu cho biết, tại Mỹ, nhiều khu phố cũng đã được hình thành nhanh chóng nhờ vào việc sử dụng nhà ở di động đã được lắp đặt sẵn cho những khu dân cư mới hoặc những khu đất được cho thuê mua.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh chỉ rõ thực trạng hiện nay, việc tái định cư cho người dân để triển khai các dự án thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gặp khó khăn là làm sao để người dân nhanh chóng có chỗ ổn định. Một vấn đề cấp bách hiện nay nữa là việc chuyển dân cư ở các khu chung cư cũ không đảm bảo an toàn để sống tạm ở một khu vực khác trong thời gian chung cư cũ được cải tạo hay xây mới.
Do đó theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, nhà ở di động là một giải pháp khả thi để giúp cho người dân có ngay một chỗ ở mới với thời gian nhanh hơn rất nhiều so với việc xây dựng nhà tạm hay nhà kiên cố. Điều kiện ăn ở, sinh hoạt của nhà ở di động cũng được bảo đảm không khác gì với nhà ở thông thường. Nhà ở di động có thể được sử dụng nhiều lần. Nhà nước, nhà đầu tư có thể mua, thuê lại đảm bảo chi phí hợp lý, không bất tiện, lãng phí như việc làm nhà tạm cho người dân sinh sống trong thời gian dài.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nhấn mạnh, việc luật hóa nhà ở di động giúp người dân có thêm lựa chọn cho nơi sinh sống của mình phù hợp với tài chính, phù hợp với cuộc sống năng động của người trẻ. Người dân cũng có thêm nhiều lựa chọn cho việc mua đất gắn liền với nhà ở, thuê đất và mua nhà ở di động đặt vào để sinh sống và sau này khi chuyển nơi khác thì cũng có thể chuyển nhà ở di động đến nơi ở mới. Mặt khác, loại nhà này mới cũng phù hợp với việc phục vụ cho phòng chống thiên tai, thảm họa hay dịch bệnh để các đội ngũ y tế cứu hộ an ninh, tình nguyện viên cũng có thể phục vụ thời gian dài.
Đại biểu phân tích thêm, nếu như nhà ở di động được chấp nhận đưa vào Luật thì cần có quy định khu vực dành cho loại nhà này thường là khu ngoại ô, đất thương mại được thiết kế cho mục đích ở; đối với trường hợp bố trí cư dân ở các khu chung cư ở tạm để xây lại thì cũng cho phép lập khu vực này ở trên đất công ích của địa phương. Bên cạnh đó, cũng phải có tiêu chuẩn về nhà ở di động.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cũng góp ý vào chính sách phát triển và quản lý sử dụng nhà ở, đề nghị tại khoản 5 Điều 6 quy định chính sách khuyến khích việc nghiên cứu và ban hành các mẫu thiết kế thiết kế điển hình đối với loại nhà ở phù hợp với từng khu vực, từng vùng miền; cần bổ sung thêm một nội dung Nhà nước có chính sách khuyến khích nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật trong xây dựng các chuỗi nhà truyền thống ở nông thôn theo từng vùng miền, bảo đảm duy trì nét văn hóa truyền thống, bảo đảm điều kiện sống hướng đến văn minh.
Đại biểu nhấn mạnh, cần quy định cụ thể để tránh trường hợp bê tông hóa các kiểu nhà ở nông thôn, đưa nhà đô thị về nông thôn mà phải dựa trên truyền thống của nông thôn để phát triển.
Liên quan đến các hành vi bị cấm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị bổ sung quy định về việc hạn chế vật nuôi trong chung cư sẽ được quy định tại Hội nghị nhà chung cư. Việc cho phép nuôi vật nuôi trong chung cư phải tuân thủ theo pháp luật về thú y và quy định của Hội nghị nhà chung cư.