• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

ĐBQH: Công chứng viên được ví như "thẩm phán phòng ngừa" nên cần trình độ chuyên sâu, giàu kinh nghiệm

Thời sự 25/06/2024 14:52

(Tổ Quốc) - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng cho rằng, do tính chất công việc đặc thù, công chứng viên được ví như thẩm phán phòng ngừa nên cần những người có trình độ pháp luật chuyên sâu, giàu kinh nghiệm.

Sáng 25/6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Cân nhắc giữ tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên theo Luật hiện hành

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên bày tỏ thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Công chứng để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành.

Việc sửa đổi Luật Công chứng nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới tổ chức, hoạt động của công chứng đáp ứng yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đề ra là phải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

ĐBQH: Công chứng viên được ví như "thẩm phán phòng ngừa" nên cần trình độ chuyên sâu, giàu kinh nghiệm - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên.

Liên quan tới tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên, khoản 3 Điều 8 dự thảo Luật quy định về một trong các tiêu chí để bổ nhiệm công chứng viên là có thời gian công tác pháp luật từ đủ 3 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân Luật, Thạc sĩ luật hoặc Tiến sĩ luật. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu cẩn trọng quy định nêu trên do quy định này chưa phù hợp với mục đích, quan điểm việc sửa đổi Luật là nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức của công chứng viên, lấy công chứng viên làm trung tâm.

Đồng thời, do tính chất công việc đặc thù của một công chứng viên được ví như thẩm phán phòng ngừa nên cần những người có trình độ pháp luật chuyên sâu, giàu kinh nghiệm. Do vậy, đại biểu đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành về thời gian công tác pháp luật là từ đủ 5 năm trở lên.

Công chứng viên làm nghề công chứng ngoài việc phải có bằng cử như luật trở lên thì cần phải có đủ kinh nghiệm thực tiễn, có thời gian công tác pháp luật đủ để bảo đảm thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật sau khi được bổ nhiệm công chứng viên.

Cân nhắc việc bổ sung phạm vi chịu trách nhiệm của công chứng viên

Góp ý về quyền và nghĩa vụ công chứng viên tại Điều 16, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng nhận thấy, quy định này trùng với nội dung tại khoản 4 Điều 4 của dự thảo Luật, do đó cần cân nhắc việc lặp lại quy định này. Đồng thời nếu giữ nguyên quy định này tại điểm k thì cần cân nhắc bổ sung phạm vi chịu trách nhiệm, bởi công chứng giao dịch không đúng sẽ gây ảnh hưởng tới quyền lợi của người thứ 3 mà không chỉ với người yêu cầu công chứng.

ĐBQH: Công chứng viên được ví như "thẩm phán phòng ngừa" nên cần trình độ chuyên sâu, giàu kinh nghiệm - Ảnh 2.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng

Về việc công chứng viên rút vốn khỏi Văn phòng công chứng (khoản 2 Điều 26), đại biểu cho rằng, việc quy định như dự thảo Luật sẽ dẫn đến làm mất quyền của các công chứng viên hợp danh về rút vốn khỏi Văn phòng công chứng khi mà Văn phòng chỉ còn dưới 4 công chứng viên. Vì vậy, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thêm về nội dung này để bảo đảm quyền được rút vốn bình đẳng, công bằng của các công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng.

Về thủ tục công chứng giao dịch (Chương V), đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề nghị Cơ quan soạn thảo cần quy định cụ thể hơn tại khoản 2 Điều 58 của dự thảo Luật và băn khoăn trường hợp tổ chức hành nghề công chứng không liên hệ được với người lập di chúc để thỏa thuận về việc chuyển cho tổ chức hành nghề công chứng khác lưu giữ di chúc thì xử lý thế nào? Vì thực tế có một số người sau khi lập di chúc và giao cho tổ chức hành nghề công chứng nhận lưu giữ thì họ có thể chuyển nơi khác ở, hoặc đi nước ngoài… Đồng thời, cần quy định cụ thể việc tổ chức hành nghề công chứng được quyền thu một phần phí lưu giữ di chúc tương ứng với thời gian đã lưu giữ; việc chịu trách nhiệm về làm mất, hỏng bản di chúc...

Cân nhắc cho phép thành lập văn phòng công chứng do 1 thành viên tại vùng sâu, vùng xa

Tham gia thảo luận về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp bày tỏ quan tâm tới nội dung về mô hình công chứng. Đại biểu đề nghị cho phép thành lập văn phòng công chứng do 1 thành viên làm chủ theo mô hình doanh nghiệp tư nhân nhằm khắc phục những bất cập ở địa phương khó khăn về kinh tế, vùng sâu, vùng xa. Đối với khu vực đô thị, đại biểu thống nhất với dự thảo có từ 2 công chứng viên trở lên.

ĐBQH: Công chứng viên được ví như "thẩm phán phòng ngừa" nên cần trình độ chuyên sâu, giàu kinh nghiệm - Ảnh 3.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Về quy định cấm công chứng viên quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng về công chứng viên và tổ chức mình, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng quy định như này là hạn chế quyền cung cấp thông tin của công chứng viên. Đại biểu đề nghị bỏ quy định này.

Về thẩm quyền công chứng giao dịch về bất động sản, đại biểu đề nghị không giới hạn công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở. Đại biểu cũng đề nghị cho phép công chứng ngoài trụ sở, việc này sẽ bớt phiền hà cho người dân khi phải đến trụ sở để công chứng.

Về tuyên bố vô hiệu của Tòa án, đại biểu đề nghị cần cân nhắc nội dung: Công chứng viên đã thực hiện việc công chứng, tổ chức hành nghề công chứng nơi đã thực hiện việc công chứng, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc lợi ích của nhà nước, xã hội.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng việc quy định văn bản vô hiệu được thực hiện theo Bộ Luật Hình sự thực tế đã áp dụng và không có vướng mắc và bất cập./.

Xuân Trường - Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ