(Tổ Quốc) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, chiều 15/1, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Nghiên cứu kỹ quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân
Thống nhất với nhiều nội dung trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng như báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đã trình Quốc hội, đại biểu Dương Tấn Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, về quy định liên quan đến xử lý dữ liệu cá nhân, việc thực hiện bảo vệ dữ liệu cá nhân trong hệ thống ngân hàng đang có nhiều vướng mắc, khó khăn.
Theo đại biểu, Nghị định 13/2023/NĐ-CP quy định chủ thể có quyền được biết về việc xử lý dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác. Chủ thể có quyền không đồng ý xử lý dữ liệu cá nhân của mình, có quyền xóa truy cập, yêu cầu hạn chế xử lý dữ liệu, phản đối xử lý dữ liệu trừ trường hợp có quy định khác.
Đại biểu cho biết, theo hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, toàn bộ các hoạt động thu thập, xử lý dữ liệu khách hàng nói chung, khách hàng cá nhân nói riêng được quy định ở các văn bản quy phạm pháp luật cấp độ dưới luật.
Mặt khác, đối với hoạt động ngân hàng, việc xử lý dữ liệu cá nhân, tác động tới dữ liệu cá nhân như thu thập, ghi, phân tích, xác nhận, lưu trữ, chỉnh sửa, công khai, kết hợp, truy xuất, thu hồi… không chỉ để cung cấp dịch vụ cho khách hàng, mà còn để quản lý hoạt động ngân hàng, quản lý rủi ro, bảo đảm an toàn, an ninh hệ thống tiền tệ. Nhiều hoạt động xử lý dữ liệu khách hàng cá nhân không phải cần sự chấp nhận của khách hàng.
Đại biểu cho rằng việc luật hóa các quy định này trong dự thảo luật là chưa đủ để tháo gỡ các vướng mắc trên thực tiễn, đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc luật hóa rõ hơn, để giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn thi hành luật.
Đề nghị bổ sung thêm một điều về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp
Góp ý về vấn đề doanh nghiệp khởi nghiệp, đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương nhận thấy, trong dự thảo Luật chưa điều nào đề cập đến việc các tổ chức tín dụng nói chung hay ngân hàng thương mại nói riêng hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Đại biểu cho rằng, ở các nước phát triển, các doanh nghiệp khởi nghiệp rất dễ dàng tiếp cận vốn vay vì ngân hàng chỉ cần thuê tư vấn độc lập đánh giá dự án có khả thi hay không là có thể cho vay vốn và dùng chính dự án làm tài sản thế chấp. Còn ở Việt Nam, muốn vay vốn phải có tài sản thế chấp ngoài dự án. Mà trong điều kiện bình thường, phải sau 3-5 năm tích lũy mới có tài sản, tức là sau 5 năm khởi nghiệp, doanh nghiệp mới có thể tiếp cận vốn vay.
Do đó, đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm một điều về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp để Việt Nam có thể trở thành quốc gia khởi nghiệp như các quốc gia khác trên thế giới.
Về vấn đề tài sản thế chấp khi vay vốn, đại biểu nhận thấy, "khẩu vị ưa thích" của hầu hết các ngân hàng thương mại hiện nay là tài sản cá nhân, đặc biệt là giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, sổ đỏ của người quản lý công ty làm tài sản thế chấp, cùng với tài sản hình thành từ dự án. Đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, thay vì sử dụng biện pháp đảm bảo an toàn vốn vay bằng các nghiệp vụ thẩm định, đánh giá dự án thì ngân hàng lại trói buộc trách nhiệm cá nhân của người quản lý và trách nhiệm của doanh nghiệp, gây tổn thương cho doanh nhân. Điều này là trái với chủ trương phát triển bền vững của Đảng và Nhà nước ta, vì trong phát triển bền vững, chỉ có năm loại tăng trưởng cần tránh, trong đó có "tăng trưởng không tương lai và tăng trưởng không lương tâm".
Đại biểu nhận thấy, điều này cũng trái với chủ trương nêu trong Nghị quyết 41 của Trung ương ngày 10/10/2023 để xây dựng đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới. Đồng thời việc yêu cầu lấy sổ đỏ thế chấp vi phạm Hiến pháp năm 2013 tại các Điều 21, 22 và 32 về quyền riêng tư của sở hữu các nhân; vi phạm Luật Doanh nghiệp 2020. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị bổ sung thêm một điều trong Luật sửa đổi lần này yêu cầu các tổ chức tín dụng công nhận tài sản cá nhân của người quản lý doanh nghiệp làm tài sản thế chấp cho các khoản vay đầu tư phát triển nhà.