(Tổ Quốc) - Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ dành một buổi để các đại biểu Quốc hội thảo luận tổ về các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Nhiều đại biểu cho rằng, đây là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm.
Theo ĐBQH Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai), đại biểu là đại diện tiếng nói của nhân dân. Mỗi vị đại biểu có khả năng tổng hợp nhiều ý kiến của nhân dân nên phải ý thức được rằng đây không phải là ý kiến của cá nhân của đại biểu.
Việc đóng góp ý kiến vào văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII cũng tùy thuộc vào chuyên môn, năng lực của từng người. Ví dụ, tôi có chuyên môn về lịch sử thì tôi có thể nói sâu về vấn đề bảo tồn di tích, giữ gìn phát huy truyền thống.
"Tuy nhiên, ở góc độ một đại biểu Quốc hội thì tôi cho rằng, mình là người tiếp xúc với nhân dân, với địa phương, cử tri thì mình phải nắm được vấn đề để từ đó đóng góp các ý kiến tốt nhất. Tất nhiên, nội dung văn kiện là rất lớn, nên theo tôi các đóng góp phải thiết thực, tránh đi vào lý thuyết"- Đại biểu Dương Trung Quốc nói.
Theo ĐBQH Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị), đây là đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp, vì vậy với trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, cần phải nghiên cứu kỹ nội dung để có những đóng góp thiết thực, tránh hình thức, đóng góp cho có chứ không thực tiễn.
ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nêu quan điểm, việc Đảng đưa văn kiện để xin ý kiến của nhân dân, cơ quan đoàn thể đó là sự minh bạch, chân chính, dân chủ. Phải thấy được đây là vinh dự và cũng là trách nhiệm.
“Mỗi đại biểu Quốc hội thì ít nhất có 300.000 - 400.000 người dân tín nhiệm bỏ phiếu. Do đó, đại biểu phải thấy được tiếng nói của mình chính là đại diện cho đông đảo nhân dân. Các ý kiến phải bằng tâm huyết, trí tuệ của mình để đóng góp những ý kiến sát với thực tiễn” - ĐBQH Nguyễn Anh Trí cho hay.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), đây là việc hết sức cần thiết, các đại biểu cần phải nghiên cứu, suy nghĩ, đưa ra các giải pháp, biện pháp để đề xuất, tham gia đóng góp với Trung ương trong nhiệm kỳ sắp tới về chiến lược phát triển kinh tế xã hội và các mục tiêu quan trọng khác của đất nước.
Dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng bao gồm: Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng; Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.