• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

ĐBQH lên tiếng: "Danh sách thí sinh được nâng điểm tuyệt nhiên không thấy con em nông dân nào mà toàn những gia đình quyền thế, có tầm ảnh hưởng..."

Thời sự 18/04/2019 14:10

(Tổ Quốc) - "Đáng nói trong danh sách thí sinh được nâng điểm tuyệt nhiên không thấy có con em nông dân, dân tộc nghèo nào cả. Rõ ràng việc nâng điểm này không phải để ưu đãi cho những người yếu thế mà dành cho những gia đình quyền thế, có tầm ảnh hưởng...", ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ quan điểm.

Nhiều thí sinh ở Hà Giang được nâng điểm trong vụ tiêu cực kỳ thi THPT quốc gia 2018 là con em của lãnh đạo đương nhiệm, gia đình có lý lịch "đặc biệt". Ngày hôm qua, danh sách các trường hợp thí sinh được nâng điểm thi ở Sơn La cũng đã dần lộ diện. Trong danh sách này, các thí sinh chủ yếu là con em các lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo sở, ban ngành.

Thông tin này một lần nữa lại dấy lên sự bức xúc trong dư luận. Chia sẻ quan điểm với Báo Điện tử Tổ Quốc, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, danh sách phụ huynh của các thí sinh được nâng điểm vào Đại học tại Sơn La đều là những người có chức quyền. Điều này càng cho thấy sự bất công, thiếu công bằng trong xã hội.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre): Danh sách nâng điểm không thấy con em nông dân

ĐBQH lên tiếng: Danh sách thí sinh được nâng điểm tuyệt nhiên không thấy con em nông dân nào mà toàn những gia đình quyền thế, có tầm ảnh hưởng... - Ảnh 1.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Nguồn: Thanh niên)

Nhìn qua danh sách thì toàn con em lãnh đạo, chân trong chân ngoài của lĩnh vực giáo dục, từ lãnh đạo tỉnh đến lãnh đạo sở ban ngành, các lĩnh vực: công an, biên phòng, giáo dục, kiểm lâm, ngân hàng.... . Đáng nói trong danh sách này không thấy có con em nông dân hay hộ dân tộc nghèo nào cả. Rõ ràng việc nâng điểm này không phải để ưu đãi cho những người yếu thế mà dành cho những gia đình quyền thế, có tầm ảnh hưởng...

Tôi cho rằng, ở đây xuất hiện băn khoăn, lo ngại của người dân về việc có hay không có sử dụng quyền lực, có hay không có tham nhũng, đưa nhận hối lộ, môi giới hối lộ, dùng quan hệ thân hữu để vun vén cho người thân, người nhà, cho bản thân.... Vì thế người dân vô cùng bức xúc và mong muốn phải làm rõ động cơ của việc nâng điểm. Bên trong, đằng sau việc nâng điểm đó là gì? Phải xử lý nghiêm đối với đội ngũ cán bộ tha hoá, đối với hệ thống giáo dục như hiện nay.

Việc công khai danh sách chỉ là một vấn đề, người dân còn đang mong đợi xem xử lý thế nào đối với những cá nhân có liên quan. Câu trả lời phải cho toàn thể nhân dân biết, chứ ở đây không chỉ cho con em các lãnh đạo này nghỉ học là xong. Đây cũng là bài học lớn để các địa phương khác rút kinh nghiệm trong các mùa thi cử.

Đặc biệt, tôi cho rằng khi sự việc gian dối trên được làm sáng tỏ, công khai thì những gia đình mà con em họ đáng ra đã được vào đại học - sẽ bớt nỗi đau và được an ủi phần nào, bởi sự gian dối trên đã cướp mất cơ hội được bước chân vào giảng đường đại học của con em họ.

ĐBQH Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai): Quan điểm của tôi là phải xử lý thật nghiêm!

ĐBQH lên tiếng: Danh sách thí sinh được nâng điểm tuyệt nhiên không thấy con em nông dân nào mà toàn những gia đình quyền thế, có tầm ảnh hưởng... - Ảnh 2.

ĐBQH Dương Trung Quốc.

Theo quan điểm của tôi thì việc này phải làm nghiêm, bởi chúng ta biết rằng thi cử là để đào tạo nguồn nhân lực, liên quan đến cả tương lai của chúng ta. Sự gian lận sẽ mang lại hệ quả bởi những người không xứng đáng có thể sau này sẽ được giữ những vị trí khác nhau trong xã hội và sẽ tác động ngược trở lại trong đời sống.

Nếu chúng ta đọc lại trong sử sách thì thấy thời xưa việc thi cử rất nghiêm. Tôi đọc sách cũng biết rằng, có những nhân vật nổi tiếng liên quan các vụ việc thi cử tương tự như vậy và bị xử lý nghiêm khắc. Có điều ngày xưa có tội thì phạt, có công thì thưởng. Đó cũng là cơ hội để sau những vấp ngã người ta phấn đấu và phát triển.

Nhìn rộng ra bên ngoài, ví như vụ việc chạy điểm tại một số trường đại học danh tiếng đang diễn ra ở Hoa Kỳ sẽ thấy họ cũng xử rất nghiêm, kể cả đối với những nhân vật có tiếng tăm nếu sai phạm. Họ xử lý công khai theo những chế tài hết sức cụ thể như phạt bao nhiêu tiền và thậm chí còn phải ở tù.

Trở lại với chúng ta, vụ việc này tôi cho rằng vô cùng nghiêm trọng, cần phải bị xử lý thì mới hạn chế, giảm thiểu để tránh tái diễn sau này.

Đối với các cháu học sinh, tôi đồng ý rằng chúng ta xử nghiêm như chúng ta đã làm, đó là các cháu không thể sử dụng những số điểm gian lận đó để được tuyển dụng vào các trường đại học, nhưng về lâu dài cũng phải tạo điều kiện cho các cháu tiếp tục khắc phục sai sót vì mục đích cuối cùng của chúng ta là đào tạo những công dân. Nhưng cũng chính vì thế, chúng ta phải nghiêm khắc hơn đối với cha mẹ các cháu và những người có liên quan.

Theo logic cuộc sống thì không ai đứng ra làm việc này từ thiện cả, chắc chắn phải có "đơn đặt hàng", diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó có cả những mối quan hệ, nịnh bợ, tiền nong ... Vì thế, cần phải xử lý theo mức độ khác nhau. Điều này cơ quan điều tra phải làm cho rõ ràng.

Tôi nhận thấy trong danh sách phụ huynh có con em được nâng điểm tại Sơn La, có rất nhiều người làm quan chức trong các lĩnh vực khác nhau, gồm: Phó Chủ tịch UNND huyện, ngân hàng, giáo dục, thống kê, kiểm lâm, thanh tra... Với các trường hợp như thế này chúng ta phải vừa làm nghiêm vừa đảm bảo cho họ có cơ hội sửa chữa, khắc phục.

Tuy nhiên, theo tôi là phải làm công khai, dám làm dám chịu thì trên cơ sở đó mới có thể sửa chữa thực sự được.

Có thể lúc đầu nghe thì có vẻ khắc nghiệt, nhất là ở đất nước chúng ta các quan chức đều trọng danh tiếng của mình. Nhưng cũng chính vì thế thì họ cần phải sống một cách tương xứng.

Các cơ quan có trách nhiệm phải làm đúng mức, đúng mức độ sai sót. Sai sót đến đâu chúng ta xử lý đến đấy.

ĐBQH Phạm Phú Quốc (đoàn TP. HCM): Cá nhân tôi vô cùng bức xúc!

ĐBQH lên tiếng: Danh sách thí sinh được nâng điểm tuyệt nhiên không thấy con em nông dân nào mà toàn những gia đình quyền thế, có tầm ảnh hưởng... - Ảnh 3.

ĐBQH Phạm Phú Quốc (Nguồn: Lao động)

Việc nâng điểm là những sai trái, vi phạm pháp luật rất rõ ràng, cần phải bị xử lý theo đúng luật pháp.

Tôi cho rằng, phải có tác động mới nâng chứ tự nhiên nâng sao được? Và để làm rõ vấn đề này phải là trách nhiệm của cơ quan điều tra. Cần phải làm cho rõ ràng sự việc. Phải công bằng trước xã hội bởi nhiều gia đình khác, con em họ đã rất nỗ lực học tập nhưng lại không vào được đại học chỉ vì sự gian lận của các trường hợp trên.

Sự dối trá  này cho thấy sự coi thường nhân văn, truyền thống giáo dục của người Việt và gây bức xúc cho người dân, cho xã hội.

Trong danh sách phụ huynh của các thí sinh được nâng điểm đa số là lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo sở, ban ngành. Họ là lãnh đạo thì vốn rất hiểu biết về pháp luật. Vì thế, trong trường hợp họ mắc sai phạm thì việc xử lý càng cần phải minh bạch. Phải công khai cho dân chúng biết họ sai ở mức độ nào? Không có lãnh đạo nào ở đây hết, nếu vi phạm pháp luật thì phải bị xử lý! Phải thượng tôn pháp luật.

Tôi có theo dõi vụ việc này, cá nhân tôi thấy rất bức xúc. Gia đình tôi có nhiều người làm nghề giáo và đều rất buồn về việc này vì sự việc đã bôi nhọ, xúc phạm ngành giáo dục nước nhà.

Sự việc này cần phải làm rõ để dân chúng thấu đáo, làm thế nào để đừng bao giờ xảy ra sự việc tương tự như vậy nữa!




Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ