(Tổ Quốc) - Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sáng 8/11, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đoàn Bình Dương đã bày tỏ bức xúc khi nói đến thực trạng một số người dùng mạng xã hội đang xem thường pháp luật, bất chấp đạo đức.
- 08.11.2019 Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Phim Việt Nam hiện đang được người dân hào hứng đón nhận
- 08.11.2019 Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: “Sẽ xây dựng trung tâm tiếp nhận phản ánh các thông tin sai, xấu”
- 08.11.2019 Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định không có chuyện bán kênh, bán sóng
- 08.11.2019 Thanh niên, cụ già vất vả làm giấy chứng nhận độc thân, góa bụa: Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định sẽ bớt thủ tục nhiêu khê nhờ cơ sở dữ liệu
- 08.11.2019 Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Chúng ta đang dễ dãi công khai thông tin cá nhân"
Đại biểu Trương Thị Bích Hạnh (Đoàn Bình Dương) nêu thực trạng, hiện nay, nhiều người dùng mạng xã hội xem thường pháp luật, bất chấp đạo đức gây bức xúc trong dư luận xã hội mà vẫn không bị phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Vị Đại biểu này nêu một dẫn chứng, gần đây, trên một số trang mạng, người dùng mạng xã hội Facebook cùng với một số người kinh doanh sản phẩm tự mệnh danh là "thực dưỡng chữa bệnh ung thư" đã đăng những lời lẽ chửi rủa, xúc phạm những người bệnh nhân ung thư đang điều trị bằng tây y với những lời lẽ vô cùng độc ác đến mức bất nhân.
"Họ cầu mong cho những người đang điều trị bệnh ung thư bằng tây y này chết hết sau khi đã tán gia bại sản. Họ mang nỗi đau, sự sống chết của bệnh nhân ung thư da mà chà đạp. Tuy nhiên, bên cạnh những người phẫn nộ lên án thì có hàng ngàn người ủng hộ hùa theo cái xấu cái ác một cách đáng lo ngại" – Đại biểu Hạnh bức xúc.
Từ thực trạng này, Đại biểu này đặt câu hỏi những hành vi như vậy đã đủ cơ sở pháp lý để xử lý chưa và tại sao không xử lý? Giải pháp để xử lý những vấn đề này.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, câu chuyện như Đại biểu Hạnh nêu tương tự như hai nhóm người cãi nhau đến mức xúc phạm trên không gian mạng thì giải quyết thế nào.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Tôi nghĩ rằng người bị hại có thể kiện ra tòa hoặc phản ánh lên cơ quan quản lý nhà nước. Đầu tiên là phải có người cảm thấy bị hại rồi trình báo lên cơ quan chức năng".
"Tôi nghĩ đây là câu chuyện về đạo đức ứng xử trên không gian mạng hơn là một câu chuyện pháp lý" – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chúng ta cần và nên có niềm tin vào cộng đồng mạng về khả năng tự điều chỉnh để hướng tới những giá trị tốt đẹp cũng như lên án, phản ánh các hành vi lệch chuẩn trên không gian mạng.
Tuy nhiên, thực tế trong thời gian qua vẫn có nhiều hành động xấu đã không được cộng đồng người sử dụng mạng xã hội lên án và loại trừ. Nếu câu chuyện đó diễn biến đến thành một kênh phát tán thông tin quan điểm lệch chuẩn đạo đức thì chúng ta hoàn toàn có thể yêu cầu nhà mạng hoặc đi cầu cơ quan quản lý Bộ Thông tin và Truyền thông vào cuộc xử lý.
"Ví dụ như vừa qua, chúng ta đã từng hạ kênh "Khá bảnh" xuống" – Bộ trưởng cho biết./.