(Tổ Quốc) -Theo Trung tâm dự bão khí tượng thủy văn, do ảnh hưởng của bão số 16, các tỉnh, thành ĐBSCL bầu trời xám xịt, trời đứng gió và bắt đầu có mưa. Hiện công tác di dời đang được thực hiện hết sức khẩn trương. Nhiều địa phương đã ra lệnh cưỡng chế dân nếu không hợp tác tránh trú bão.
Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, trong đêm qua, bão số 16 đã đi qua khu vực đảo Trường Sa và Huyền Trân. Tại đảo Trường Sa và Huyền Trân đã quan trắc được gió mạnh cấp 11, gió giật cấp 14, ở trạm DKI/19 quan trắc được gió mạnh cấp 13, giật cấp 15.
Sáng nay, bão số 16 tiếp tục di chuyển theo hướng Tây với cường độ giảm hơn so với thời điểm mạnh nhất khi ở khu vực đảo Trường Sa và Huyền Trân.
Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của bão số 16 – Tembin. Ảnh Trung tâm Dự báo KTTVTƯ. |
Hồi 7 giờ ngày 25/12, vị trí tâm bão ở cách Côn Đảo khoảng 320km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 13.
Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 200km về phía Tây Bắc, khoảng 100km về phía Đông Nam tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 14 có bán kính khoảng 50km tính từ vùng tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển 20-25km/h, đến 07 giờ ngày 26/12, vị trí tâm bão ở trên khu vực Tây Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11-12. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai kiểm tra công tác ứng phó với bão số 16 tại Kiên Giang
Trước diễn biến phức tạp của bão số 16, ngay sau khi kết thúc Hội nghi trực tuyến ứng phó với bão số 16 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì chiều 24/12, Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Bộ trưởng, Trưởng ban Chỉ đạo TW về PCTT Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đoàn đi kiểm tra tại Kiên Giang - Cà Mau.
Sáng 25/12 Bộ trưởng cùng đoàn công tác họp và làm việc với tỉnh Kiên Giang về công tác ứng phó với bão số 16. Kết luận tại cuộc họp Bộ trưởng nhấn mạnh, tuyệt đối không được chủ quan vì diễn biến của bão rất phức tạp khi vào đến gần bờ; chuẩn bị kéo dài thời gian ứng phó với bão do bão khi vào gần đất liền sẽ di chuyển chậm lại; chú trọng công tác di dân, các phương án khắc phục sự cố; tiếp tục tuyên truyền nhân dân và du khách thực hiện nghiêm lệnh cấm của tỉnh Kiên Giang về giao thông trên biển, nhất là khu vực đảo Phú Quốc; tập trung lực lượng cơ giới, lực lượng vũ trang địa phương giúp nhân dân đẩy nhanh thu hoạch lúa mùa. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường biểu dương lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã thực hiện tốt công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 16.
Sóc Trăng: Bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền tránh bão số 16
Trên địa bàn toàn tỉnh Sóc Trăng đã có 667 tàu, thuyền vào bờ an toàn; có 167 tàu, thuyền đã neo đậu tại Côn Đảo; công tác di dời dân cơ bản đã hoàn thành theo kế hoạch. Chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để triển khai các hoạt động ứng phó.
Đồn Biên phòng Bãi Giá và Đồn Biên phòng Vĩnh Châu sẽ bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền tránh bão Tembin. Ảnh:Báo Sóc Trắng
Đồn Biên phòng Bãi Giá và Đồn Biên phòng Vĩnh Châu sẽ bắn pháo hiệu số 2 gồm 9 phát, chia làm 3 lần, mỗi lần bắn liền 3 phát (2 phát pháo hiệu màu đỏ, một phát pháo hiệu màu xanh) để thông báo tin bão gần bờ và kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động đánh bắt trên biển về nơi trú ẩn.
Trước đó, tại phiên họp chỉ đạo ứng phó bão, Chủ tịch Sóc Trăng cho biết: Tại các điểm xung yếu, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt công tác ứng phó với bão số 16 (Tembin). Hiện nay, công tác sẵn sàng ứng cứu phải được coi là nhiệm vụ số một của các lực lượng chức năng.
Để đảm bảo an toàn cho người và tài sản, chiều qua, tỉnh đã chỉ đạo di dời dân ngoài tuyến đê biển vào nơi trú, tránh bão đã được bố trí; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các hộ dân chấp hành nghiêm việc di dời; chăm lo cuộc sống cho người dân tại nơi trú tránh bão; đảm bảo vệ sinh, môi trường, nước sạch và an toàn thực phẩm.
Cà Mau: Trắng đêm gồng mình ứng phó bão
Trong sáng 25/12 Cà Mau tiếp tục tập trung di dời người già, người bệnh, trẻ em đến nơi an toàn. Di dời hết dân ở cụm dân cư phía đông và khu vực Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân). Phải thực hiện quyết liệt, ai không di dời thì có biện pháp cưỡng chế. Khi di dời dân thì lực lượng bộ đội, công an phải có kế hoạch bảo vệ an toàn.
Tính đến 21 giờ ngày 24/12, tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Sông Đốc (Cà Mau), đơn vị đã kêu gọi được 1.360 phương tiện/9.419 người vào bờ neo đậu an toàn. Hiện còn 476 phương tiện đang trên đường vào các cửa biển gần nhất để tránh trú.
Tại đảo Hòn Chuối, Đồn Biên phòng đã giúp bà con cư dân chằng néo nhà cửa, di dời tài sản có giá trị lên vị trí an toàn; tổ chức dời bè cá lồng và bao lưới chống sóng để cá không thoát ra ngoài. Khi có gió mạnh và sóng lớn, Đồn Biên phòng Hòn Chuối sẽ di dời cư dân lên đồn tránh trú.
Hiện lực lượng Bộ đội Biên phòng Cà Mau đang khẩn trương phối hợp với các địa phương tiếp tục kêu gọi số phương tiện còn lại trên biển nhanh chóng vào bờ tránh bão; hỗ trợ những gia đình chính sách, gia đình neo đơn chằng chống nhà cửa và di dời dân ở các khu vực xung yếu vào nơi toàn. Tổ chức lực lượng phối hợp với công an tuần tra bảo vệ địa bàn, bảo vệ tài sản Nhân dân.
Đồn Biên phòng Sông Đốc duy trì 2 tổ công tác cơ động suốt đêm trên sông để nhắc nhở ngư dân neo đậu đúng nới quy định và ra cửa biển kêu gọi những chủ phương tiện còn neo ngoài cửa nhanh chóng vào bờ.
Người dân dự trữ mì gói.ảnh: Báo Cà Mau
|
Trước đó, trong ngày 24/12, Cà Mau đã tập trung tăng cường tuyên truyền thông tin về hướng di chuyển của bão và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Trung ương, địa phương. Hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà, đặc biệt tại các khu dân cư ven biển, trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ vật liệu để thực hiện. Kiên quyết yêu cầu tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn. Di dời những tài sản có giá trị, người già, trẻ em đến nơi an toàn ở một số vùng xung yếu. Cho học sinh nghỉ học, các nhà máy xí nghiệp cho công nhân nghỉ làm việc từ ngày 25 đến hết ngày 26/12. Yêu cầu dừng ngay các cuộc họp không cần thiết để tập trung công tác phòng, chống bão.
Bạc Liêu: Quyết liệt di dân, không để thiệt hại về người khi bão đổ bộ
Đến chiều 24/12, toàn huyện có 81 tàu thuyền và 165 thuyền viên còn hoạt động trên biển. Ngành chức năng đã liên lạc và kêu gọi tàu thuyền vào trú bão, chỉ còn 1 tàu chưa liên lạc được. Bộ đội Biên phòng đang phối hợp với gia đình để liên lạc với phương tiện này. Huyện đã triển khai phương án sơ tán dân sống ven kè Gành Hào vào TX. Giá Rai, ưu tiên người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người bệnh tật… Còn tại TP. Bạc Liêu, đã thông tin bão số 16 cho các hộ dân sống ven biển Nhà Mát. Bộ đội Biên phòng vận động các hộ kinh doanh mua bán tại bờ kè Nhà Mát tạm nghỉ kinh doanh. Thành phố cũng đã triển khai phương án sơ tán dân vào trú bão ở các điểm an toàn…
Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Quang Dương và Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung kiểm tra kè Gành Hào (huyện Đông Hải). Ảnh: Báo Bạc Liêu
Phát biểu chỉ đạo tại chuyến kiểm tra thực tế ở huyện Đông Hải và TP. Bạc Liêu, Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Quang Dương khẳng định, người dân các nơi này còn chủ quan trong công tác ứng phó bão số 16. Các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân biết sự nguy hiểm của bão số 16 để chủ động phòng tránh. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các địa phương cần quyết liệt hơn trong công tác di dân, không để thiệt hại về người khi bão vào.
Trước đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có buổi họp khẩn, các đồng chí trong Ban Thường vụ được phân công cụ thể phụ trách từng địa bàn các huyện, thị, thành phố. Sau khi được phân công, các đồng chí trong Ban Thường vụ đã xuống địa bàn chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các huyện, thị, thành phố triển khai các giải pháp ứng phó bão số 16.