(Tổ Quốc) - Việc dạy - học ngoại ngữ cho tới vấn đề thí điểm dạy tiếng tiếng Nga, Trung đang là câu chuyện giáo dục được quan tâm nhiều nhất.
Tại hội nghị triển khai giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025 của đề án "dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020" (gọi là Đề án 2020) được Bộ GDĐT tổ chức nhằm tìm kiếm các giải pháp cho nhiệm vụ quan trọng này, nhiều vấn đề nêu ra được dư luận quan tâm, từ chất lượng việc dạy học ngoại ngữ của Việt Nam cho tới vấn đề thí điểm dạy tiếng tiếng Nga, Trung như ngoại ngữ thứ nhất từ năm lớp 3 kể từ năm 2017...
Trong bức thư ngỏ gửi Bộ Chính trị về quốc sách cho tiếng Anh vừa được chia sẻ, GS Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho biết “chúng ta tôn trọng sự đa dạng và bình đẳng văn hóa, nhưng trên hết phải xuất phát từ chính quyền lợi chính đáng và thiêng liêng của dân tộc ta khi lựa chọn và quyết định ngoại ngữ thứ nhất.” Theo ông, đầu tiên là tiếng Anh, sau đó mới đến các thứ tiếng quốc tế khác.
Giờ học ngoại ngữ của học sinh tiểu học. |
GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thì cho rằng, cần kiến nghị Quốc hội quy định tiếng Việt là ngôn ngữ chính và tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai. Chỉ khi phổ cập tiếng Anh thành công thì chúng ta mới đi nhanh trên con đường hội nhập.
Còn quan điểm của ông Nguyễn Tuấn Hải, Giám đốc Giáo dục trường Phổ thông liên cấp Alfred Nobel School cho rằng, không nên có khái niệm ngoại ngữ thứ nhất như cách tiếp cận của Bộ GDĐT mà cần theo đuổi phương hướng và nguyên tắc biến tiếng Anh thành công cụ ngôn ngữ cho giáo dục. Các ngoại ngữ khác như tiếng Nga, Trung hay Nhật ngữ chỉ là các môn tự chọn theo sở thích hoặc nhu cầu của học sinh.
Trong khi đó, bàn về việc dạy và học tiếng Anh của Đề án 2020, TS Vũ Thị Phương Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng và Hỗ trợ chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường ĐH và CĐ Việt Nam) tán đồng với chủ trương nhập các giáo trình của các nước tiên tiến. Theo bà, thay vì cứ loay hoay tự viết ra một giáo trình mới mà có thể sẽ kém hơn chương trình của các nước tiên tiến, thì tốt nhất hãy mua chương trình của họ mặc dù giá của nó không hề rẻ. Tuy nhiên, bà Phương Anh cũng cho rằng, không cần triển khai chủ trương này cho cả 63 tỉnh, thành.
Chia sẻ trên trang Facebook các nhân của GS Ngô Bảo Châu về câu chuyện thí điểm dạy tiếng Nga và tiếng Trung từ năm lớp 3 học theo hệ chương trình 10 năm đang diễn ra sôi động, GS Châu cho rằng việc học sinh được chọn ngoại ngữ thứ nhất để học là một chính sách tiến bộ, trong các ngoại ngữ được chọn để học nên có tiếng Trung.
Còn theo ý kiến của ông Vũ Văn Trà, Phó GĐ Sở GDĐT Hải Phòng, đối với việc dạy - học tiếng Anh cần có giáo trình SGK phổ thông và lộ trình trình độ cần đạt được sau 12 năm đồng thời phải xác định để không lãng phí, dạy đến đâu được đến đấy.
Thầy Nguyễn Quốc Hùng MA, người thầy có nhiều năm gắn bó với việc dạy và học tiếng Anh thì bày tỏ quan điểm không nên đưa tiếng Nga và tiếng Trung làm ngoại ngữ bắt buộc. Thầy Hùng cho rằng, mấy chục năm qua chúng ta chỉ học tiếng Anh nhưng kết quả tới nay vẫn rất thấp.
Bàn về đào tạo giáo viên, ông Nguyễn Minh Trí, Phó GĐ Sở GDĐT Quảng Ngãi cho rằng, Bộ GDĐT xác định 3 trọng tâm trong thời gian tới là bồi dưỡng nâng cao chất lượng giáo viên, xây dựng cơ sở học liệu bài bản và củng cố hệ thống khảo thí quốc gia có chất lượng. Tuy nhiên, vấn đề đạt chuẩn của giáo viên dạy ngoại ngữ theo Đề án 2020 hiện nay còn nhiều bất cập, nhiều nơi tỉ lệ đạt chuẩn cao nhưng không phản ánh đúng thực chất. Nếu không thay đổi phù hợp thì đến năm 2020, chúng ta sẽ có một bản thành tích 100% giáo viên đạt chuẩn, nhưng thực tế vẫn là “ đạt chuẩn một cách chư chuẩn”.
Cô giáo Phạm Thị Nga, Giảng viên bộ môn tiếng Anh, trường ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội nêu quan điểm, Bộ GDĐT chỉ nên tập trung đào tạo tiếng Anh cho học sinh thật tốt và để ngoại ngữ tiếng Nga, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc... là môn học tự chọn và tùy điều kiện từng địa phương để học sinh lựa chọn./.
Tuấn Minh