• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Để có ngành giám tuyển nghệ thuật Việt Nam chuyên nghiệp

Văn hoá 28/06/2024 15:12

(Tổ Quốc) - Với mong muốn chuyên nghiệp hóa nghề giám tuyển nghệ thuật, sắp tới đây, trong năm học 2024 - 2025, trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) sẽ có môn học liên quan đến giảng dạy về giám tuyển nghệ thuật. Theo các chuyên gia, dù muộn nhưng đây được coi là một bước tiến trong đào tạo, góp phần từng bước chính thức ghi nhận công việc cũng như vị trí giám tuyển trong tổng thể bức tranh nghệ thuật ở Việt Nam.

Bước tiến đầu trong đào tạo

Theo Phó Hiệu trưởng trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) PGS.TS Nguyễn Việt Khôi, trong xu thế hội nhập, văn hóa nghệ thuật ngày càng phát triển hơn thì vai trò người giám tuyển sẽ càng được coi trọng. Việt Nam chúng ta không thể đứng ngoài xu thế ấy. Tuy nhiên, phần lớn giám tuyển đang hành nghề ở Việt Nam theo cách không chuyên nghiệp. Họ thường là nghệ sĩ hoặc là những người được học về nghệ thuật ở nước ngoài chứ không nhiều người được đào tạo về giám tuyển.

Trong khi đó, trên thế giới, ngành giám tuyển nghệ thuật khá phát triển. Giám tuyển không chỉ có trong các bảo tàng, các viện nghệ thuật mà còn là công việc khá thịnh hành trong phòng tranh của các gia đình giàu có.

Một giám tuyển nghệ thuật ở nước ngoài được đào tạo rất chuyên nghiệp và bài bản nên họ có rất nhiều cơ hội việc làm, có thu nhập cao, có nhiều đất diễn.

Để giám tuyển nghệ thuật Việt Nam ngày càng phát triển - Ảnh 1.

Phần lớn giảm tuyển ở Việt Nam là nghệ sĩ hoặc là những người được học về nghệ thuật ở nước ngoài chứ không có mấy người được đào tạo về giám tuyển (ảnh minh họa)

Chính vì thế, với mong muốn chuyên nghiệp hóa nghề giám tuyển ở Việt Nam, sắp tới đây, trong năm học 2024 - 2025, trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) sẽ có môn học liên quan đến giảng dạy về giám tuyển nghệ thuật.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Việt Khôi cho biết: "Sau khi thành lập, trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật đã nhanh chóng hoàn thiện cơ cấu tổ chức. Trên cơ sở 5 tổ bộ môn cũ, trường tổ chức lại thành 4 khoa trực thuộc. Trong đó, ngành Visual Art - Nghệ thuật Thị giác được mở ra với hai chuyên ngành là Nhiếp ảnh nghệ thuật và Nghệ thuật tạo hình đương đại. Ở đó, chúng tôi thiết kế chương trình giảng dạy có những môn chưa bao giờ xuất hiện trong chương trình đào tạo mỹ thuật truyền thống.

Đặc biệt, trong học năm 2024 - 2025, chúng tôi cũng đã xây dựng và lồng ghép giảng dạy môn học về giám tuyển nghệ thuật vào trong chương trình đào tạo Nghệ thuật thị giác. Tại đây sinh viên sẽ được trang bị về lý thuyết nền tảng giám tuyển nghệ thuật đương đại cũng như được "thực chiến" tại các dự án nghệ thuật cũng như những cuộc triển lãm lớn. Cùng với học chuyên ngành sinh viên còn được đào tạo về ngoại ngữ cùng các kiến thức văn hóa và kỹ năng mềm thậm chí cả khả năng diễn thuyết trước công chúng".

Để giám tuyển nghệ thuật Việt Nam ngày càng phát triển - Ảnh 2.

Trong học năm 2024 - 2025, trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) sẽ đưa môn học về giám tuyển nghệ thuật vào trong chương trình đào tạo Nghệ thuật thị giác (ảnh minh họa)

"Tuy nhiên, chúng tôi chưa dám nói là một chương trình đào tạo về giám tuyển vì quá lớn lao, nhưng môn học về giám tuyển sẽ có mục tiêu rõ ràng, đó là đào tạo ra những cử nhân có khả năng tham gia sâu hơn vào đời sống nghệ thuật đang phát triển tại Việt Nam. Họ phải hiểu được cách làm việc với các gallery, có khả năng ứng dụng vào các chương trình nghệ sĩ cư trú, vào các festival, các triển lãm nghệ thuật chuyên nghiệp. Việc có thêm môn học này, chúng tôi rất kỳ vọng vào ngành giám tuyển ở Việt Nam trong tương lai. Đây sẽ là một công việc mà xã hội rất quan tâm" – PGS.TS Nguyễn Việt Khôi nói.

Cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước

Là Giảng viên Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng là một trong những người giảng dạy về môn học này, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng việc đưa một học phần về giám tuyển nghệ thuật vào chương trình học khá là quan trọng bởi nó được coi là bước tiến đầu trong đào tạo, góp phần từng bước chính thức hóa ghi nhận công việc cũng như vị trí giám tuyển trong tổng thể bức tranh nghệ thuật ở Việt Nam. Chúng tôi cũng mong khái niệm giám tuyển được nhìn nhận một cách chính thống trong hệ thống giáo dục, từ đó sẽ là bàn đạp để chúng tôi có thể mời được những giám tuyển chuyên nghiệp cả ở trong nước và quốc tế đến nói chuyện, giảng dạy và chia sẻ với sinh viên. Những người học chỉ có thể nhìn thấy tương lai của mình khi được tiếp cận, làm việc với những người chuyên nghiệp. Đồng thời, chúng tôi tin tưởng rằng, không chỉ sau khi ra trường, sinh viên mới có khả năng đến với nghề giám tuyển chuyên nghiệp mà ngay cả trong năm học thứ nhất, thứ hai các bạn sẽ có thể làm được những chương trình, dự án quy mô nhỏ".

Cũng theo nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, song song với việc đào tạo, Nhà nước cần cũng thừa nhận vị trí và chức danh nghề nghiệp cho giám tuyển nghệ thuật. Bởi, những giám tuyển nghệ thuật đang hoạt động Việt Nam cũng rất mong mỏi được khẳng định tên tuổi, uy tín của mình bằng danh vị này. Đồng thời, trong các bảo tàng và tổ chức nghệ thuật của Nhà nước cũng phải thay đổi linh hoạt trong cơ chế quản lý, mời những giám tuyển chuyên nghiệp về công tác để những sự kiện nghệ thuật đạt được chất lượng cao và giàu chuyên môn hơn, góp phần nâng tầm nghệ thuật Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Để giám tuyển nghệ thuật Việt Nam ngày càng phát triển - Ảnh 3.

Đây được coi là bước tiến đầu trong đào tạo, góp phần từng bước chính thức hóa ghi nhận công việc cũng như vị trí giám tuyển trong tổng thể bức tranh nghệ thuật ở Việt Nam (ảnh minh họa)

Đồng quan điểm trên, Giám đốc nghệ thuật Heritage Space, giám tuyển Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ: "Để phát huy được tốt nhất vai trò của giám tuyển nghệ thuật, thì cần sự phát triển đồng bộ, sự hỗ trợ về mặt cơ sở hạ tầng, tài chính từ phía Nhà nước. Và để có thể thay đổi nhanh nhất ở Việt Nam hiện nay, thì chúng ta nên thành lập Hội đồng Nghệ thuật độc lập. Trong đó, có sự tham gia của phía Nhà nước cùng với những chuyên gia độc lập, là những nghệ sĩ có uy tín là giám tuyển hay nhà nghiên cứu, để từ đó bắt đầu tạo ra các chương trình hoạt động nghệ thuật đạt được chất lượng cao. Đó chính là mô hình mà tất cả các quốc gia đang phát triển đều tổ chức. Còn nếu không, rõ ràng là sẽ có sự khác biệt rất lớn giữa khối nhà nước và khối tư nhân. Như chúng tôi thì làm gì thì cứ làm, Nhà nước làm gì cứ làm, nhưng không tận dụng hết các vai trò và năng lực của nhau trong phát triển nghệ thuật Việt Nam".

Còn theo giám tuyển độc lập, nghệ sĩ Trần Lương, để giám tuyển nghệ thuật phát triển đạt được chất lượng cao trong thời gian tới, bên cạnh việc Nhà nước cần thừa nhận giám tuyển là một nghề chính thức thì Nhà nước cũng cần bắt đầu trao cơ hội, vị trí và trách nhiệm cho giám tuyển trong phát triển nghệ thuật Việt Nam cũng như phát triển công nghiệp văn hóa trong giai đoạn hiện nay. Tạo điều kiện cho các giám tuyển trao đổi, giao lưu học tập và phát huy nghề nghiệp tại các không gian triển lãm đương đại nước ngoài như gian triển lãm đương đại ở Venice Biennale… Bên cạnh đó, những người thực hành giám tuyển nghệ thuật cũng cần phải tiếp tục tự học để bù đắp các khoảng trống và mở rộng kiến thức liên ngành để sáng tạo, phát triển đúng với vai trò và chức năng của mình, góp phần đưa nghệ thuật Việt Nam ngày càng vươn ra thế giới./.

Thương Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ