(Tổ Quốc) - Tác phẩm chất lượng cao là do con người - văn nghệ sỹ sáng tạo ra. Để có tác phẩm chất lượng cao, các nghệ sỹ phải tự đổi mới mình, tìm ra hướng đi mới để có tác phẩm hay hơn, đẹp hơn và có giá trị hơn.
- 20.10.2023 Triển lãm và trao giải “Festival Nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam” lần thứ hai, năm 2023 tại Bình Thuận
- 11.10.2023 Hà Nội mùa thu qua góc máy của nhiếp ảnh gia Chu Việt Hà: Bình yên mà cũng độc, lạ!
- 24.09.2023 Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống kỷ niệm 45 năm xuất bản số đầu tiên
- 25.08.2023 Festival Nhiếp ảnh trẻ 2023: sân chơi của những người cầm máy trẻ
Đây là vấn đề được đặt ra tại tọa đàm “Giải pháp nào để có nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật chất lượng cao?” do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức ngày 18/11 tại Hà Nội.
Vì sao ít tác phẩm xứng tầm?
Tại tọa đàm, Đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Trần Thị Thu Đông cho biết: Tọa đàm được tổ chức với mong muốn xác định hướng đi đúng, những việc cần phải làm để nhiếp ảnh Việt Nam tiếp tục phát triển trong những yêu cầu mới của đất nước; tập trung đưa ra các giải pháp để trong thời gian tới có nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật chất lượng cao, đáp ứng kỳ vọng của công chúng yêu nhiếp ảnh. Đồng thời, tháo gỡ những điểm hạn chế để thúc đẩy nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam vượt qua khỏi sự trì trệ, vươn lên phát triển với một tầm cao mới, một niềm tin mới, một khí thế mới, góp phần xây dựng một nền nghệ thuật nhiếp ảnh chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước và sự nghiệp chấn hưng văn hóa trong thời kỳ đổi mới.
Theo Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Trần Thị Thu Đông, để có nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật chất lượng cao trước hết cần phát hiện, bồi dưỡng và tạo điều kiện tốt nhất cho tài năng phát triển, nuôi dưỡng những khát vọng cống hiến cho dân tộc và đất nước; rèn luyện tinh thần lao động nghệ thuật tận hiến để trở thành những văn nghệ sỹ lớn, có nhiều tác phẩm hay, để đời, có giá trị sâu sắc, cao đẹp về tư tưởng và nghệ thuật; phản ánh chân thật, toàn diện hiện thực của đất nước, soi chiếu tâm hồn, tính cách tốt đẹp của con người Việt Nam, góp phần bồi đắp nền tảng tinh thần cho xã hội, củng cố niềm tin vững chắc vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, chấn hưng sự nghiệp văn hóa, văn nghệ.
Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam nhấn mạnh: Tác phẩm chất lượng cao là do con người - văn nghệ sỹ sáng tạo ra. Người nghệ sỹ với tài năng và lao động cùng với sự rung động trái tim trước cuộc sống, đi sâu vào đời sống nhân dân, thở cùng nhịp thở của nhân dân. Đặc biệt là chính bản thân các nghệ sỹ phải tự đổi mới mình, tìm ra hướng đi mới hay hơn, đẹp hơn và có giá trị hơn.
“Song song với việc đổi mới sáng tạo, cần khắc phục kịp thời những mặt hạn chế, yếu kém trong sáng tác, giám khảo, lý luận phê bình văn học, nghệ thuật, hoàn thiện thống nhất tổ chức bộ máy và hoạt động đi vào nền nếp của Hội với tính chất là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp”, bà Trần Thị Thu Đông nói.
Đổi mới, tránh lối mòn
Các tham luận tại tọa đàm đã tập trung bàn luận về các vấn đề nổi cộm như: Trình độ, thái độ ban giám khảo; nâng cao năng lực quảng bá; Tác động của công nghệ (nhất là AI) với ảnh nghệ thuật; Đào tạo nguồn nhân lực cho nhiếp ảnh; Đầu tư sáng tác; yếu tố “vùng miền” trong sáng tác và thẩm định ảnh; Ảnh bộ và ảnh đơn; Lối mòn cần tránh, giải pháp nâng cao chất lượng ảnh nghệ thuật; ...
Phó trưởng Ban Lý luận phê bình nhiếp ảnh Lưu Quang Phổ nhận định, ảnh nghệ thuật Việt Nam không phải chưa có chất lượng cao mà chỉ nhàm chán vì cảm giác bị copy; cũng chưa hay bởi chưa đi sâu vào nội dung mà đa phần chỉ diễn tả vẻ đẹp bề ngoài bằng đường nét, bố cục, ánh sáng, màu sắc. Chúng ta phải đổi mới điều này nếu không muốn bị xã hội quay lưng.
Ông Lưu Quang Phổ cho rằng, định hướng của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam là rất quan trọng. Ông đưa ra giải pháp tình thế nhưng có tính khả thi trong ngắn hạn, đó là thay đổi điều lệ các cuộc thi, liên hoan theo hướng chuyên sâu, chuyên đề. Bên cạnh đó, cần cân nhắc để đưa vào chương trình hoạt động của Hội các hoạt động hỗ trợ công bố tác phẩm, triển lãm cá nhân, hỗ trợ dự án… của hội viên theo một phương pháp và liều lượng phù hợp.
Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Trần Phong đưa ra ý kiến về đội ngũ thẩm định ảnh hiện nay: "Đội ngũ làm công tác thẩm định ảnh hiện nay, thực ra còn yếu và chắc chắn là không đều tay. Đã có dư luận xì xào về công tác giám khảo ở các cuộc thi về bề dày nghề nghiệp, tuổi Hội còn khá mỏng mà cũng chưa có thành tích gì đáng kể, vị giám khảo kia không trung thực, thiên vị cho học trò và thân quen. Giám khảo thiếu vốn sống, vốn nghề tất nhiên kết quả thẩm định của anh ta sẽ lệch lạc trôi về một hướng khác. Hội ta đã có nhiều lần tổ chức tập huấn về công tác thẩm định ảnh, gần đây nhất là tại Cà Mau; tuy nhiên hiệu quả của nó đến đâu thì còn là vấn đề lâu dài".
Ông Trần Phong cho rằng: "Trong sáng tạo nghệ thuật, người cầm máy cần tìm cho mình hướng đi riêng, và điều quan trọng là không lặp lại chính mình, không lặp lại người khác. Người thẩm định ảnh cần có sự đổi mới, luôn cập nhật thông tin, giàu vốn ảnh để có sự đánh giá chuẩn mực, đúng hướng góp phần nâng cao chất lượng ảnh. Tránh lối mòn trong ảnh nghệ thuật - vấn đề đặt ra không chỉ đối với người sáng tác mà còn đối với người thẩm định".
Nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh Vũ Đức Tân cho rằng, để có tác phẩm nhiếp ảnh hay có nhiều “mắt xích”, trong đó yếu tố tác giả là quan trọng. Người làm nghệ thuật cần trải đời và dấn thân, nghĩa là tác giả cần và dám đầu tư thời gian, tâm sức để thực hiện tác phẩm. Người nghệ sỹ phải có sở thích kèm với lao động, với mục đích cuộc sống thì mới dễ có tác phẩm hay.
Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Nguyễn Đức Toàn cho rằng, để có nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật chất lượng cao thì người sáng tác cần đặt lại yếu tố con người trong tác phẩm sáng tạo của mình một cách sâu sắc, khai thác nhân tố đó, đào sâu tìm tòi sáng tạo hơn nữa để tác phẩm ảnh đầy ắp hơi thở của của cuộc sống, lấy cuộc sống con người làm trung tâm của nguồn cảm hứng sáng tạo, bằng những thủ pháp nghệ thuật, hướng ống kính đi sâu hơn vào hiện thực cuộc sống con người…
“Đổi mới chính mình trong sáng tạo nghệ thuật là đòi hỏi cấp thiết của những người cầm máy sáng tác ảnh. Đổi mới trong quan điểm nghệ thuật và cả đổi mới trong tư duy về góc nhìn trong từng cú bấm máy, tránh lối mòn của người đi trước… sẽ là tiền đề để sáng tạo nên những tác phẩm ảnh nghệ thuật có chất lượng cao, có giá trị đi cùng năm tháng”, Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Nguyễn Đức Toàn chia sẻ.
Các đại biểu thống nhất cần tiến hành một số biện pháp để nhiếp ảnh phát triển mạnh mẽ hơn, đó là: Đổi mới tư duy, suy nghĩ, đổi mới cách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; cần đặc biệt quan tâm hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách; đổi mới tư duy công bố tác phẩm; tiếp tục đổi mới đội ngũ lãnh đạo, quản lý; tạo ra một cuộc vận động sáng tạo nhiếp ảnh có quy mô toàn xã hội./.