• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã kết nối và giục giã nhiều thế hệ văn nghệ sĩ đi theo cách mạng, đi cùng nhân dân

Văn hoá 24/02/2023 08:12

(Tổ Quốc) - Theo nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 vẫn là cơ sở để định dạng và "thăng hoa" văn hóa Việt Nam. Những yêu cầu được đặt ra trong Đề cương về văn hóa vẫn chưa hề xưa cũ, thậm chí còn nguyên tính cấp thiết. Bởi lẽ, đây chính là cương lĩnh đầu tiên về văn hóa của nước ta.

80 năm về trước, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 - văn kiện chính thức đầu tiên về công tác văn hoá, văn nghệ của Đảng ta do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Cho đến nay, giá trị và tính thực tiễn của bản Đề cương này vẫn còn nguyên giá trị.

Để tiếp tục phát huy giá trị lịch sử, giá trị thực tiễn to lớn của Đề cương về văn hóa Việt Nam, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và ý kiến kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, vào ngày 27/2/2023, Bộ VHTTDL, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, chủ trì, phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng và các cơ quan có liên quan tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển".

Nền tảng cho sự phát triển văn hóa

Nói về bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn - Ủy viên Hội đồng Thơ, Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, đây chính là nền tảng cho sự phát triển văn hóa, "soi rọi" cho sự phát triển của văn học - nghệ thuật (VHNT) Việt Nam. Ra đời khi cách mạng Việt Nam vẫn còn trong bóng tối, nhưng "ánh sáng" của Đề cương về văn hóa Việt Nam đã lan tỏa rộng khắp.

Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã kết nối và giục giã nhiều thế hệ văn nghệ sĩ đi theo cách mạng, đi cùng nhân dân - Ảnh 1.

Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đem lại một không khí mới cho văn hóa Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 hầu hết các trí thức, văn nghệ sĩ đã nhìn thấy con đường đi với nhân dân, phụng sự Tổ quốc là con đường lớn cho sự nghiệp và cuộc đời mình. Trong ảnh là các văn nghệ sĩ cách mạng tiêu biểu trong kháng chiến chống Pháp. Từ phải qua trái: Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Hoàng Trung Thông, Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân Sanh, Học Phi, Nguyễn Đỗ Cung (hàng trên); Nam Cao, Nguyên Hồng, Kim Lân, Nguyễn Đình Thi (hàng dưới) - Ảnh tư liệu

Chính Đề cương về văn hóa Việt Nam đã kết nối và giục giã nhiều thế hệ văn nghệ sĩ đi theo cách mạng, đi cùng nhân dân. Đọc lại bản Đề cương sau 80 năm, không thể không ngạc nhiên về tầm nhìn chiến lược của Đảng ta trong phát triển văn hóa, VHNT được trình bày một cách rõ ràng và ấn tượng.

Cũng theo nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, một vấn đề được lưu ý trong Đề cương về văn hóa Việt Nam là chống lại sự nô dịch hóa trong lĩnh vực văn hóa. "Nô dịch hóa" về văn hóa là điều mà ít ai nghĩ đến trước đây. Mãi đến năm 1995, Tổ chức Thương mại Thế giới WTO được thành lập mới đưa ra một điều khoản "miễn trừ về văn hóa" nhằm ngăn chặn các nước nhỏ bị nô dịch hóa bởi các nước lớn trong lĩnh vực văn hóa.

Nghĩa là, mọi mặt hàng đều có quy định chung và bị chế tài bởi luật chống phá giá, trừ sản phẩm văn hóa. WTO cho phép mọi quốc gia được quyền đầu tư cho văn hóa, trợ giá cho sản phẩm văn hóa mà không e ngại rào cản nào.

Một bộ phim có kinh phí sản xuất hàng trăm tỉ đồng vẫn có thể bán vé vài ngàn đồng, một cuốn sách in ấn công phu vẫn có thể phát không đến độc giả. Đó là "miễn trừ về văn hóa". Đề cương về văn hóa Việt Nam đã nhận diện được nguy cơ "nô dịch hóa" từ rất sớm và đã văn bản hóa một chủ trương bảo vệ văn hóa nước nhà ngay giai đoạn cam go nhất.

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho rằng, với ba tiêu chí "dân tộc hóa", "đại chúng hóa" và "khoa học hóa", Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã đặt cơ sở để củng cố và phát triển văn hóa Việt Nam. Ý thức "phải kịch liệt chống những xu hướng văn hóa bảo thủ, chiết trung, lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm", đến hôm nay, những chủ trương ấy vẫn còn là kim chỉ nam cho những nhà hoạt động văn hóa. Đặc biệt nếu không làm việc này trong lĩnh vực VHNT, những tác phẩm đi ngược lại truyền thống và cổ súy cho những tư tưởng lệch lạc được ra đời sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường cho đời sống tinh thần của xã hội.

Đề cương về văn hóa Việt Nam đưa ra lời cảnh tỉnh suốt 80 năm qua đã trực tiếp dẫn dắt và "uốn nắn" hoạt động sáng tác và truyền bá VHNT. Một số luật sau này như Luật Xuất bản hoặc Luật Điện ảnh cũng bám sát và cụ thể hóa ba tiêu chí chủ đạo của Đề cương.

Chưa hề xưa cũ

Theo nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, khi Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời, văn hóa Việt Nam đang chơi vơi trong chế độ nửa thực dân, nửa phong kiến. Văn hóa Việt Nam lúc ấy gần như bị xóa bỏ thuần phong mỹ tục và sa đà vào những mê cung lắt léo, học đòi phương Tây. Do đó, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã phải đặc biệt nhấn mạnh "Văn hóa mới Việt Nam là một thứ văn hóa có tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung".

Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã kết nối và giục giã nhiều thế hệ văn nghệ sĩ đi theo cách mạng, đi cùng nhân dân - Ảnh 2.

Hai yếu tố "dân tộc" và "dân chủ" mang tính quyết định cho sự tồn tại một nền văn hóa. Không có "dân tộc" thì sẽ vong bản, mà không có "dân chủ" thì sẽ lạc hậu. Sự cộng hưởng "dân tộc" và "dân chủ" tạo ra một nền văn hóa của một quốc gia tự trọng, tự lực và tự cường. Sự cộng hưởng "dân tộc" và "dân chủ" giúp xác lập vị trí văn hóa, là bước tiến đầu tiên và cũng là chốt chặn sau cùng cho sự thịnh suy của đất nước Việt Nam.

Từ câu chuyện trào lưu thâm nhập các dòng văn hóa nước ngoài những năm trước đây, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho rằng, chúng ta càng thấy nền văn hóa Việt Nam cần phát huy sức mạnh "dân tộc" và "dân chủ", đúng với tinh thần của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam.

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho biết, đồng chí Trường Chinh hoạt động văn nghệ với bút danh Sóng Hồng, từng có những năm tháng "Ngựa mỏi đi bước một/ Người suy nghĩ vấn vương/ Nhiều khi ý kiến lớn/ Vụt đến lúc đi đường". Vì vậy, khi biên soạn Đề cương về văn hóa Việt Nam, ông nhận ra thực tế đế quốc Nhật "đàn áp các nhà văn chống Nhật và mua chuộc các nhà văn có tài" và kiến nghị phải "tổ chức các nhà văn" và "tranh đấu giành quyền lợi thực tại cho các nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ".

"Vì sao Đề cương về văn hóa Việt Nam nhấn mạnh như vậy? Vì chính những người cầm bút đã góp phần gìn giữ và phát triển tiếng Việt" - nhà thơ Lê Thiếu Nhơn đặt vấn đề và cho rằng, một dân tộc sẽ vượt qua giông tố lịch sử, nếu tiếng nói và chữ viết của họ vẫn được bảo vệ và lưu truyền bền bỉ. Đầu thế kỷ XX, chữ Nôm mai một dần và chữ quốc ngữ hình thành. Người Việt đã tiếp thu và sử dụng chữ quốc ngữ như một thứ ngôn ngữ dễ đọc, dễ viết. Thậm chí, người Việt còn nỗ lực Việt hóa nhiều chữ Pháp để làm phong phú thêm tiếng Việt.

Thế nhưng, để tiếng Việt không mất đi sự trong sáng bởi sự xâm thực của ngoại ngữ và rơi vào hoàn cảnh tàn lụi, Đề cương về văn hóa Việt Nam triển khai kế hoạch "Tranh đấu về tiếng nói, chữ viết" bằng ba giải pháp, thứ nhất là "thống nhất và làm giàu thêm tiếng nói", thứ hai là "ấn định mẹo văn ta" và thứ ba là "cải cách chữ quốc ngữ".

Cũng theo nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, nhờ mục tiêu rõ ràng như vậy, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã trở thành nền tảng phát triển tiếng Việt suốt 80 năm qua. Ngay từ buổi sơ khai của cách mạng, các nhà văn như Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Xuân Diệu, Đặng Thai Mai, Vũ Ngọc Phan, Hoài Chân, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Tô Hoài... đã tích cực tham gia vào cuộc chấn hưng tiếng Việt. Lộ trình trong sáng tiếng Việt từng bước được nhiều thế hệ tác giả Việt Nam vun đắp, khiến tiếng Việt ngày càng giàu đẹp.

Tuy nhiên, thông điệp "tranh đấu về tiếng nói, chữ viết" vẫn còn rất nóng bỏng, vì công nghệ thông tin và lối sống thực dụng đang làm méo mó tiếng Việt. Những kiểu nói tắt, nói sai nghĩa gốc, nói độn tiếng Anh... đang phổ biến trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng.

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho rằng, đây là vấn đề cần được soi chiếu bằng Đề cương về văn hóa Việt Nam, nhằm có sự chấn chỉnh kịp thời. Các nhà văn, nhà thơ cần thấm nhuần tư tưởng của bản Đề cương để bằng ngòi bút có những đấu tranh, phản bác kịp thời chống lại sự "vấy bẩn" tiếng Việt. Bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt cũng là góp phần phát triển VHNT Việt Nam.

Sau 80 năm, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 vẫn là cơ sở để định dạng và "thăng hoa" văn hóa Việt Nam. Những yêu cầu được đặt ra trong Đề cương vẫn chưa hề xưa cũ, thậm chí còn nguyên tính cấp thiết. Bởi lẽ, đây chính là cương lĩnh đầu tiên về văn hóa của nước ta.

Từ giá trị thực tiễn của Đề cương về văn hóa 1943, chúng ta có thêm Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" và Nghị quyết Trung ương số 33 khóa XI về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước"./.


Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ