(Tổ Quốc) - Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ ba nói rằng nước này có thể rút khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Tuyên bố này được đưa ra sau khi ông cho rằng Washington đã bị đối xử tệ nhiều năm qua tại tổ chức này.
"Chúng tôi sẽ rời đi nếu phải làm", ông Trump nói trong một cuộc vận động tranh cử ở Pittsburgh. "Họ đã làm phiền chúng tôi trong nhiều năm qua và điều đó sẽ không xảy ra nữa".
Ông Trump nói rằng Hoa Kỳ không cần WTO nếu tổ chức này không giải quyết được những lỗ hổng có lợi cho một số quốc gia.
Ông Trump đã nhiều lần chỉ trích những lỗ hổng pháp lí của WTO. Nguồn: AP
"Họ nhìn nhận một số quốc gia nhất định như Trung Quốc, Ấn Độ, hay nhiều quốc gia nữa – họ coi đây là những nơi đang phát triển, những quốc gia đang phát triển. [...] Chà, những nước này đã phát triển và họ có những lợi thế to lớn. Chúng tôi không để điều đó xảy ra nữa", ông nói.
Ông Trump đã nhiều lần nhắc lại những chỉ trích của ông đối với WTO, cho rằng Mỹ bị thiệt thòi khi là thành viên của khối này. Tổng thống Mỹ cũng đã nhiều lần gọi WTO là "thảm họa" và là "tai họa" đối với Mỹ.
Ông Trump gần đây đã chỉ đạo Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer tìm cách thúc đẩy nhiều thay đổi trong WTO để ngăn các nước đang phát triển sử dụng các lỗ hổng pháp lý.
Nhà Trắng chỉ ra trong một bản ghi nhớ rằng Trung Quốc và nhiều quốc gia khác tiếp tục định hình họ là các nước đang phát triển, cho phép họ được hưởng những lợi ích từ tình trạng đó và đưa ra các cam kết yếu hơn so với các thành viên WTO khác".
Ngay sau khi đưa ra bản ghi nhớ này, ông Trump đã nói trong một tuyên bố rằng WTO "đang bị phá vỡ" khi các nước giàu nhất thế giới được cho là các nước đang phát triển và được đối xử đặc biệt để tránh các quy tắc của WTO.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã được Hoa Kỳ xác định là bên lợi dụng nhiều nhất các quy định của WTO. Kể từ khi gia nhập WTO, Trung Quốc đã được xác định rằng đây là một quốc gia đang phát triển, theo bản ghi nhớ trên.
Theo Sputnik, các cuộc thảo luận về cải cách WTO đã diễn ra trong nhiều năm và 164 quốc gia thành viên của tổ chức vẫn chưa đạt được sự đồng thuận. Họ được chia thành hai phe, với một nhóm các quốc gia - bao gồm Nga - ủng hộ sự phát triển hơn nữa của tổ chức này và một nhóm khác kêu gọi phát triển một định dạng mới cho khối.