• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

WTO đang đối diện với 3 cuộc khủng hoảng

Thế giới 27/11/2018 14:07

(Tổ Quốc) - Điều khẩn thiết là tại G-20 Argentina sắp tới, các bên đạt đến một lộ trình cải tổ WTO.

Điều cần phải làm hiện nay là hiện đại hóa WTO để có thể đáp trả các thách thức thương mại của thế kỷ 21. Sự hiện đại hóa này còn khẩn thiết hơn nữa bởi những căng thẳng thương mại quốc tế sẽ còn tăng mạnh, giữa Mỹ và Trung Quốc, giữa Mỹ và một số khu vực như châu Âu. Đứng trước các thách thức hiện nay, nếu không có giải pháp khẩn cấp thì tất cả những gì đã được kỳ công kiến tạo trong nhiều thập kỷ qua trên lĩnh vực tự do thương mại sẽ nhanh chóng sụp đổ.

Cải tổ bế tắc do Mỹ và Trung Quốc

Ngày 16/11, tại Paris đã diễn ra Hội nghị thảo luận về tương lai của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và chủ nghĩa thương mại đa phương, theo sáng kiến của Bộ Kinh tế - Tài chính và Bộ Ngoại giao Pháp. Diễn ra chưa đầy 1 tháng sau Hội nghị ở Ottawa (Canada) về cùng các chủ đề, Hội nghị Paris quy tụ các nhà kinh tế, luật sư, giảng viên đại học và đại diện giới doanh nghiệp nhưng không có sự tham dự của các đại biểu Mỹ. Thương mại là một trong những ưu tiên của Hội nghị thượng đỉnh G7 mà Pháp là nước chủ nhà vào năm 2019 tới.

WTO đang đối diện với 3 cuộc khủng hoảng - Ảnh 1.

Cải tổ WTO đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Theo báo Pháp Les Echos, ngày 16/11, Bộ Kinh tế - Tài chính Pháp chỉ rõ: "Ngày nay, WTO đang phải đối diện với 3 cuộc khủng hoảng". Khủng hoảng thứ nhất liên quan tới sự bất lực từ 30 năm nay của WTO trong việc xây dựng các quy định mới. Khủng hoảng thứ hai liên quan đến sự vận hành của WTO như việc các thẩm phán của Cơ quan giải quyết tranh chấp (ORD) không được bổ nhiệm thay thế làm đình trệ việc xét xử tranh chấp thương mại giữa các nước. Đến cuối năm 2019, ORD sẽ chỉ còn duy nhất 1 thẩm phán. Khủng hoảng thứ ba liên quan đến sự tồn tại của chính WTO: Tổ chức này có thể làm được gì trước những quyết định đơn phương của Mỹ cũng như trước những hành xử đáng nghi ngờ của Trung Quốc?

Sáng kiến có khá nhiều. Giữa tháng 9 vừa qua, Ủy ban Châu Âu đã đưa ra các đề nghị cải tổ làm cơ sở cho việc thảo luận lần này. Đầu tháng 11, EU, Mỹ, Nhật Bản, Argentina và Costa Rica đã đề nghị hiện đại hóa hệ thống thông tin liên quan tới các chính sách trợ cấp với việc đưa ra các hình phạt đối với các quốc gia không thông báo về những trợ cấp của họ. Trước khi diễn ra Hội nghị thượng đình G-20 vào ngày 30/11 và 1/12 tới, EU cũng sẽ đưa ra một đề nghị về cải cách ORD. Tổng thống Pháp E. Macron đã đề nghị Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tới thiết lập lộ trình về cải cách WTO. Nhưng điều này không dễ với việc tháng 5 vừa qua, Mỹ từ chối ký văn kiện chung cuộc của Hội nghị Bộ trưởng OECD, trong đó nói đến cải cách WTO cũng như sự thay đổi thái độ vào phút chót của Tổng thống Mỹ Trump không chịu ký tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh G-7 tại Charlevoix (Canada) tháng 6 vừa qua.

WTO như vậy sẽ chỉ còn cố gắng tồn tại và ít ra là hỗ trợ việc ký kết các thỏa thuận thương mại đa phương giữa một vài nước. Đây là điều đã xảy ra đối với Thỏa thuận về tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi thương mại mà chỉ được 110 nước trong tổng số 164 thành viên của WTO chấp nhận. Đây cũng là những gì đang nổi lên trong lĩnh vực thương mại điện tử và tự do hóa lĩnh vực dịch vụ.

Trả lời phỏng vấn Les Echos về khả năng Mỹ rút khỏi WTO, Giáo sư Jean-Marc Siroën thuộc Trường Đại học Paris-Dauphine, cho rằng: "Mỹ chẳng được lợi gì khi rút khỏi WTO. Hơn nữa, quyết định rút hay không là thuộc thẩm quyền của Quốc hội Mỹ chứ không của Tổng thống. Mặt khác, nếu Mỹ không còn là thành viên WTO thì bất cứ nước nào cũng có thể áp đặt thuế hải quan lên hàng xuất khẩu của Mỹ nếu họ muốn. Mỹ chắc chắn muốn tránh nguy cơ trả đũa thương mại. Chiến lược của ông Trump là ở lại WTO và tìm cách làm cho tổ chức này không hiệu quả".

Pháp nỗ lực vận động cải tổ WTO

WTO hiện phải đối mặt với nhiều vấn đề. Chẳng hạn trong việc định ra các quy tắc mới cho thương mại như trong lĩnh vực thương mại điện tử vốn đang xoay chuyển thương mại thế giới. Cho đến nay, WTO vẫn chưa thành công trong việc tiến hành đàm phán về vấn đề này bởi WTO bao gồm 164 thành viên và chính nguyên tắc đồng thuận đã ngăn cản việc WTO đạt được thỏa thuận trên một số lĩnh vực. Vấn đề khác nằm ở chỗ Trung Quốc là một nền kinh tế được quản trị bởi các nguyên tắc không hoàn toàn là kinh tế thị trường khi nhìn vào sự trợ cấp lớn của nhà nước và các hành xử về sở hữu trí tuệ. Điều này đã được Tổng thống Trump lên án và Pháp chia sẻ quan điểm này. Tuy nhiên, cách tiếp cận của Pháp về mặt phương pháp có sự khác biệt bởi một cuộc chiến tranh thương mại sẽ không làm cho Trung Quốc thay đổi. Điều cần làm là đối thoại và đó chính là cốt lõi của chủ nghĩa đa phương.

Tại Hội nghị cấp Bộ trưởng WTO năm 2017 tại Buenos Aires, WTO đã thất bại trong việc đi đến thống nhất cấm mọi hình thức trợ cấp đối với đánh bắt hải sản phi pháp. Trên một hồ sơ hiển nhiên như vậy mà nhiều thành viên còn chây ỳ không chịu đi đến đồng thuận. Bởi vậy, cải cách WTO có thể sẽ phải cho phép làm việc nhiều hơn trên công thức nhiều bên, tức là khởi đầu đàm phán với một số bên và sau đó dung nạp thêm các bên khác.

Đối với Châu Âu, thẩm quyền trong lĩnh vực thương mại quốc tế thuộc về Ủy ban Châu Âu. EU là một siêu cường về thương mại và trên vấn đề thương mại quốc tế, không thể để cho Mỹ hoặc bên nào khác áp đặt các quy định, chuẩn mực. Chính vì vậy EU phải có vai trò quan trọng trong cải tổ hệ thống thương mại quốc tế theo hướng bình đẳng. Các đề xuất của EU đi theo hai hướng chính. Một mặt, EU đã tiến hành làm việc với Nhật Bản, Mỹ để thúc đẩy việc áp dụng tốt hơn các quy định của WTO, nhất là trên vấn đề trợ cấp và minh bạch. Chính nhờ sự đối thoại này mà Mỹ đã hiểu được quyết tâm của EU trong việc cải tổ WTO. Tại Hội nghị G-20 về Thương mại ở Mar del Plata, các bên liên quan đã thành công trong việc thúc đẩy Mỹ tham gia vào thông cáo cuối cùng trong đó có điều khoản về hiện đại hóa WTO. Đúng là có những toan tính đơn phương của Mỹ nhưng thế giới cần sự có mặt của họ để có thể biến đổi WTO và ở khía cạnh này, cách tiếp cận theo nhóm đã cho thấy hiệu quả. Mặt khác, EU cũng hình thành một nhóm làm việc với Trung Quốc để tìm ra giải pháp chấm dứt tình trạng tê liệt của cơ quan giải quyết tranh chấp trong WTO./.

(Theo báo Pháp)

Hoài Nam

NỔI BẬT TRANG CHỦ