(Tổ Quốc) - Ngày 27/12, hướng tới kỷ niệm Ngày truyền thống ngành lưu trữ Việt Nam (03/01), Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ) phối hợp với trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn tổ chức Tọa đàm "Di sản với giới trẻ".
- 10.11.2023 Tránh chồng chéo trong quy định quản lý “di sản tư liệu” giữa Luật Lưu trữ và Luật Di sản Văn hóa
- 24.03.2023 Triển lãm “Đà Nẵng nhìn từ biển qua Di sản tư liệu thế giới - Châu bản triều Nguyễn”
- 24.02.2023 Nhiều hoạt động đặc sắc tại lễ hội Quán Thế Âm và lễ đón nhận Bằng công nhận ma nhai Ngũ Hành Sơn là di sản tư liệu thế giới
Tọa đàm được tổ chức nhằm giới thiệu khai lược nguồn tài liệu lưu trữ và di sản tư liệu do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I quản lý, các hoạt động phát huy giá trị di sản của Trung tâm trong những năm qua đã góp phần quảng bá di sản tư liệu đến với đông đảo công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Đồng thời, chia sẻ những góc nhìn và kinh nghiệm của các cơ sở giáo dục, truyền thông, văn hóa nhằm thức tỉnh và thay đổi tư duy của người trẻ về việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Qua đó, trao đổi về các định hướng và mong muốn để kết nối chặt chẽ hơn nữa giữa giới trẻ với di sản thông qua nhiều kênh và hoạt động hợp tác.
Phát biểu tại Tọa đàm, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng cho biết: Tuyên ngôn quốc tế về tài liệu lưu trữ, được thông qua tại phiên họp thứ 36, Hội nghị toàn thể của UNESCO năm 2011, đã ghi nhận vai trò của tài liệu lưu trữ trong việc cung cấp bằng chứng xác thực về mọi mặt hoạt động, đảm bảo nền hành chính minh bạch cũng như gìn giữ ký ức chung của xã hội loài người. Đảng và Nhà nước cũng khẳng định "Tài liệu lưu trữ quốc gia là di sản của dân tộc, có giá trị đặc biệt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa".
Cũng theo ông Đặng Thanh Tùng, hệ thống các di sản của dân tộc Việt Nam rất đa dạng và phong phú như: di sản thiên nhiên, di sản văn hóa và những di sản mà ngành lưu trữ đang giữ gìn được gọi là di sản tư liệu. Bên cạnh ba di sản tư liệu thế giới được công nhận, hiện nay Việt Nam còn sở hữu một kho tàng "đồ sộ" các di sản tư liệu đang được lưu trữ trong các Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, trung tâm di sản, thư viện, bảo tàng, đình chùa, đền miếu...
"Các tài liệu, tư liệu được lưu trữ qua nhiều thời kỳ khác nhau là một minh chứng hùng hồn về một đất nước anh hùng, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Những người lưu trữ phải có trách nhiệm đưa những di sản tư liệu đó đến với công chúng, đặc biệt giới trẻ. Chúng ta phải công nhận, so với trước đây, ở Việt Nam, xã hội nói chung, đặc biệt giới trẻ đang ngày càng quan tâm đến di sản văn hóa của dân tộc, trong đó có di sản tư liệu. Đây là một động lực lớn đối với những người làm lưu trữ như chúng tôi. Chính động lực đó đã làm thay đổi ngành lưu trữ, tôi cho rằng, chúng ta đang ở thời khắc thay đổi quan trọng về tư duy, cách tiếp cận, về di sản nói chung và đặc biệt là với di sản tư liệu - một phần quan trọng của tài liệu lưu trữ" – ông Đặng Thanh Tùng nhấn mạnh.
Xuyên suốt tọa đàm, các khách mời tham dự là các chuyên gia trong các lĩnh vực lưu trữ, giáo dục, quản lý di sản, truyền thông đã cùng trao đổi, bày tỏ quan điểm, góc nhìn rộng rãi về tài liệu lưu trữ nói chung và di sản tư liệu thế giới nói riêng. Qua đó, có thêm nhiều quan điểm để kết nối chặt chẽ hơn nữa giới trẻ với tài liệu lưu trữ và di sản.
Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I Trần Thị Mai Hương cho biết: "Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đang lưu trữ khối tài liệu đặc biệt có giá trị của cha ông để lại, trong đó có tài liệu đã trở thành di sản tư liệu thế giới đó chính là "Châu bản Triều Nguyễn"… Để có thể tiếp cận được với công chúng, chúng tôi cũng phải lắng nghe công chúng, đặc biệt các bạn giới trẻ đang cần những tài liệu, tư liệu nào đưa ra giới thiệu với mọi người. Bởi những người làm lưu trữ chúng tôi quan niệm, tài liệu lưu trữ phải có giá trị cho cuộc sống, phải phục vụ được nhu cầu của cộng đồng".
"Trong tương lai không xa, Trung tâm sẽ là một điểm đến văn hóa và những câu chuyện xung quanh tài liệu lưu trữ sẽ rất hấp dẫn, đầy đủ, chính xác. Để xây dựng được tương lai đó phụ thuộc nhiều vào giới trẻ nhưng cũng rất cần sự trải nghiệm của những người đi trước, càng nhiều người thì sức lan tỏa càng lớn. Đặc biệt, với thời đại công nghệ 4.0, giới trẻ chủ yếu tiếp cận thông tin qua công nghệ nên chúng ta cần phải xây dựng những hoạt động có yếu tố công nghệ, đưa những câu chuyện văn hóa, di sản vào để có thể đến gần hơn với trẻ" – bà Trần Thị Mai Hương cho biết thêm.
Đây không chỉ thời khắc quan trọng của ngành lưu trữ mà đây còn là thời khắc quyết định trong giáo dục di sản, lịch sử dân tộc cho thế hệ trẻ. Theo TS Vũ Đức Liêm – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: "Trong cách tiếp cận mới về giáo dục lịch sử và di sản, tôi cho rằng "văn bản gốc" đóng vai trò trung tâm. Nếu trước đây, các em học sinh, sinh viên chủ yếu học tập theo các nhận định lịch sử của các nhà sử học thì bây giờ, chúng tôi đã đưa vào giáo trình các văn bản gốc, tài liệu gốc để các em học sinh tiếp cận và cảm nhận rõ nét hơn về lịch sử của dân tộc Việt Nam".
Chia sẻ về các hoạt động tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang được tổ chức với những cách thức sôi nổi và đạt được nhiều hiệu ứng tích cực, bà Đường Ngọc Hà, Trưởng phòng Giáo dục Truyền thông, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết: "Chúng tôi đã tổ chức các hoạt động thu hút người xem như triển lãm trưng bày kết hợp hình thức kể các câu chuyện để tránh sự khô khan; tổ chức tour đêm Văn Miếu... Đặc biệt chúng tôi có áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin, không diễn giải lịch sử theo cách truyền thống mà trình chiếu các nội dung về lịch sử theo cách hiện đại. Qua đó, dần dần tiếp cận được sự quan tâm của các bạn trẻ".
Bên cạnh đó, Tọa đàm cũng nhận được nhiều ý kiến từ sinh viên các trường đại học, học viện, nhà nghiên cứu về cách ứng xử với di sản, như sưu tầm, lưu trữ, truyền đạt tài liệu của gia đình, dòng họ, cơ quan, đơn vị phục vụ cho việc học tập, công tác./.