(Tổ Quốc) - Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của nghệ thuật biểu diễn đương đại, nghệ thuật biểu diễn truyền thống như Múa rối, Cải lương, Chèo, Tuồng… cũng có nhiều tiềm năng và dư địa để khai thác, xây dựng các sản phẩm, dịch vụ đặc sắc, có thể tạo nên sự bứt phá trong công nghiệp văn hóa.
Khác với những nguồn tài nguyên vật chất, nghệ thuật truyền thống chính là "kho báu" quan trọng trong phát triển công nghiệp văn hóa mà không hề khiến các giá trị văn hóa hao hụt, mà càng tăng thêm. Với giá trị tốt đẹp, tính thẩm mỹ cao, nghệ thuật truyền thống không chỉ góp phần phát triển kinh tế, mà còn như một "tấm khiên" bảo vệ công chúng trước những văn hóa phẩm độc hại trong đời sống. Để hiểu hơn về sự phát triển của nghệ thuật truyền thống gắn với công nghiệp văn hóa, Báo điện tử Tổ Quốc đã có cuộc trò chuyện với Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam NSND Nguyễn Tiến Dũng.
+ Năm 2016, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo ông, chiến lược này có vai trò như thế nào đối với sự phát triển của nghệ thuật truyền thống nói riêng và văn hóa nói chung?
- Khi bắt đầu tiếp cận với chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, tôi cũng rất lúng túng, nhưng khi đọc, tìm hiểu và vận dụng vào thực tế, tôi phải cho rằng đây là một định hướng rất tốt cho nghệ thuật truyền thống nói riêng và văn hóa nói chung trong giai đoạn tới. Bởi thông qua sự phát triển này, chúng ta có thể mang nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với khán giả trong nước, đồng thời quảng bá hình ảnh, con người và đất nước của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Ở Việt Nam, chúng ta có rất nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Chúng ta đang sở hữu một gia tài lớn về văn hóa, đặc biệt nghệ thuật truyền thống rất phong phú và giàu bản sắc. Đây được coi như là một vũ khí để phát triển văn hóa Việt Nam ra thế giới. Từng giai đoạn sẽ tạo ra giá trị văn hóa nghệ thuật theo sự phát triển xã hội. Thực hiện công nghiệp văn hóa nghĩa là văn hóa sẽ trở thành một sản phẩm mang lại rất nhiều lợi ích về kinh tế cho đất nước. "Công nghiệp" và "văn hóa" là hai yếu tố tạo nên một giá trị rất lớn giúp công chúng trong nước và quốc tế hiểu được cốt lõi, giá trị văn hóa của một đất nước. Đây là một chiến lược rất đúng đắn không chỉ giúp cho nghệ thuật truyền thống phát triển mà còn góp phần làm cho văn hóa của Việt Nam ngày càng lớn mạnh.
+ Trong tất cả loại hình nghệ thuật truyền thống, múa rối là một loại hình sân khấu độc đáo, đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng khán giả. Vậy trong thời gian qua, Nhà hát Múa rối Việt Nam đã có những bước chuyển mình như thế nào để góp phần phát triển công nghiệp văn hóa, thưa ông?
- Để có thể phát triển đúng với chiến lược của công nghiệp văn hóa mà Chính phủ đưa ra, Nhà hát Múa rối Việt Nam cũng đã nỗ lực rất nhiều. Năm 2022, tuy vẫn còn tác động của đại dịch Covid, nhưng Nhà hát vẫn có được 300 buổi diễn, đó là điều bất ngờ lớn đối với Nhà hát. Và chúng tôi luôn tư duy, muốn Nhà hát trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với công chúng, thì cần phải thay đổi và sáng tạo từ không gian của đến phong cách biểu diễn. Bởi xu thế của mọi người hiện nay, mỗi điểm đến cần có những có cảnh quan đẹp để check-in, nên Nhà hát đã vận động các cán bộ, cùng với nghệ sĩ để thiết kế sáng tạo ra một không gian mới cho Nhà hát.
Đặc biệt, trong các buổi biểu diễn, chúng tôi không chỉ biểu diễn theo hình thức truyền thống mà đã đưa thêm những yếu tố công nghệ vào để khán giả xem họ sẽ cảm thấy hấp dẫn và thích thú hơn. Nghệ thuật truyền thống của chúng ta đã đẹp nhưng khi đưa thêm công nghệ vào nó lại càng lung linh khiến cho người xem cảm thấy đây là một buổi biểu diễn mang tính chuyên nghiệp cao, có hơi thở của thời đại. Cùng với đó, nhà hát đã xây dựng các chương trình phù hợp với nhiều đối tượng khán giả. Qua đó, đã giúp nhà hát thu hút rất nhiều khán giả đến xem và chụp ảnh hơn, minh chứng là năm 2023, đến thời điểm bây giờ, chúng tôi đã có gần 1000 buổi diễn, số lượng bán vé đã tăng lên rất nhiều so với các năm trước, đặc biệt, chúng tôi đã thành công khi thu hút được nhiều đối tượng khán giả trong nước đến với nhà hát.
+ Bên cạnh những kết quả đạt được, đâu là khó khăn khi phát triển nghệ thuật truyền thống gắn với công nghiệp văn hóa, thưa ông?
- Một trong những thách thức lớn nhất của các nhà hát chính là nguồn lực kế cận. Đây là một vấn đề "khó" đối với các nhà hát để vận hành phát triển nghệ thuật truyền thống trong tương lai. Hiện nay, mặc dù Nhà hát Múa rối Việt Nam vẫn có đủ nguồn lực để phát triển, nhưng tính bước đi dài hơi thì không đủ. Các thế hệ trẻ hiện nay gần như không đầu quân cho các ngành nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt nghệ thuật truyền thống.
Bên cạnh đó, Nhà hát Múa rối Việt Nam và các nhà hát truyền thống khác cũng đang gặp khó khăn trong đầu tư nguồn lực liên quan đến công nghệ để phát triển công nghiệp văn hóa. Chúng tôi vẫn còn đang thiếu và đang loay hoay trong đầu tư và phát triển công nghệ, các trang thiết bị hiện đại. Để có thể tạo nên một sản phẩm văn hóa, nghệ thuật truyền thống, yếu tố quan trọng nhất chính là trang thiết bị và con người. Tuy nhiên, khi đưa công nghệ vào, những người làm nghệ thuật cũng phải rất cẩn thận nếu không sẽ làm mất đi vẻ đẹp của nghệ thuật truyền thống. Vậy nên chúng ta phải có sự phát triển đồng bộ cả về cơ sở vật chất và con người.
+ Vậy theo ông, trong thời gian tới, chúng ta cần phải làm gì để khắc phục những thực trạng trên góp phần phát triển nghệ thuật truyền thống gắn với công nghệ văn hóa?
- Nghệ thuật truyền thống vẫn đang theo hướng đi cũ là duy trì và phát triển. Tuy nhiên, muốn gìn giữ được cần phải phát triển và quảng bá, phải có các thế hệ trẻ tiếp nối thì mới có thể giữ được. Và trong xu thế hội nhập hiện nay, chúng ta phải có phương cách để đưa nghệ thuật truyền thống đến với các bạn trẻ nhiều hơn nữa. Các đơn vị nghệ thuật có thể kết nối với các trường học tổ chức cho học sinh xem các chương trình biểu diễn, tương tác với nghệ sĩ… khi các em xem và hiểu được cái hay của nghệ thuật truyền thống, các em sẽ nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật và góp phần tạo nên một lớp trẻ với những sáng tạo về nghệ thuật trong tương lai.
Cùng với đó, muốn phát triển, đưa nghệ thuật truyền thống trở thành một sản phẩm của công nghiệp văn hóa, chúng ta phải có sự đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị và quan trọng nhất là đầu tư dành cho con người. Vậy nên, tôi mong muốn Nhà nước, các cơ quan quản lý sẽ có chiến lược đầu tư, cơ chế chính sách phát triển dành cho các đơn vị nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống. Khi có sự hỗ trợ của Nhà nước, họ sẽ đứng vững và vận hành theo cách riêng để phát triển. Bên cạnh đó, cần phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao dành cho nghệ thuật truyền thống, cần phải đào tạo chuyên môn, cử đi học tập nước ngoài để theo kịp với sự phát triển của công nghệ hiện nay.
Đặc biệt, nghệ thuật biểu diễn truyền thống cần phải tăng cường kết nối du lịch để tạo nên các sản phẩm văn hóa du lịch độc đáo, qua đó, vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa góp phần quảng bá rộng rãi tới đông đảo công chúng.
+ Cảm ơn NSND Nguyễn Tiến Dũng đã chia sẻ!