(Tổ Quốc) - Chiều 27/3, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 5 thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Đề nghị chưa thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7
Tham gia thảo luận, đại biểu Ma Thị Thúy, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang thống nhất với nhiều nội dung trong báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời góp ý một số nội dung vào dự thảo Luật, cụ thể:
Về vấn đề trợ cấp hưu trí, đại biểu cho rằng, mức trợ cấp hưu trí xã hội chưa đảm bảo nguyên tắc an sinh xã hội vì chỉ là trợ cấp cho người cao tuổi chuyển sang từ Luật Người cao tuổi, sẽ không đảm bảo mức sống tối thiểu hoặc gần tiệm cận mức sống tối thiểu của nhóm người cao tuổi này.
Do đó, nếu chỉ thay đổi về hình thức mà không có thay đổi căn bản về chính sách thì đây cũng là một vấn đề cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Theo đại biểu, ít nhất mức hưu trí xã hội cũng phải cao hơn so với mức trợ cấp xã hội… đề nghị Chính phủ cần xem xét kỹ, đánh giá báo cáo rõ ràng hơn để Quốc hội xem xét quyết định.
Về bảo hiểm xã hội bắt buộc, đại biểu cho rằng dự thảo Luật quy định giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với các đối tượng khác, thu nhập ổn định thường xuyên là không phù hợp, vì đây là thẩm quyền quản lý nhà nước của Chính phủ.
Trên thực tế, các đối tượng có thu nhập ổn định như lao động công nghệ (Grap, Shipper, bán hàng online...), số lượng lao động lớn, thu nhập ổn định, thậm chí còn cao hơn cả nhóm lao động phổ thông làm việc trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay Chính phủ vẫn chưa có giải pháp kịp thời để đưa đối tượng này tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc… Do đó, đề nghị quy định ngay trong dự thảo luật giao Chính phủ quy định chi tiết, có lộ trình cụ thể áp dụng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với một số nhóm lao đông công nghệ (Grab; Shipper…) vào năm 2026.
Liên quan đến việc quy định mức lương hưu thấp nhất, đại biểu băn khoăn, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định mức lương hưu thấp nhất bằng mức lương cơ sở. Dự thảo luật mới bỏ quy định này thì tính mức mức lương hưu thấp nhất ra sao? Có đảm bảo cuộc sống của người lao động về hưu không? Nếu như chúng ta chỉ tính tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội mà không chú trọng tới chất lượng an sinh như vậy không thể bền vững.
Như các đối tượng người hoạt không chuyên trách, hay chủ hộ kinh doanh cá thể khi đến tuổi nghỉ hưu thì lương thấp phải điều chỉnh cao mà không đủ tiền từ Quỹ. Đây là vấn đề rất quan trọng vì nó bảo vệ mức sàn an sinh tối thiểu… do vậy đề nghị Chính phủ cần có cân nhắc khi bỏ quy định về mức lương hưu thấp nhất được quy định tại khoản 5 Điều 56 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Vấn đề liên quan đến chi phí quản lý Bảo hiểm Xã hội, đại biểu đề nghị cần có sự kiểm soát chi, nhất là đối với định mức chi cho các hoạt động trung tâm dịch vụ việc làm, chi cho cơ sở vật chất, cho hoạt động Bảo hiểm Xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho các tổ chức ngoài ngành Bảo hiểm xã hội. Vì đây không phải là tiền ngân sách, không có cơ quan nào kiểm soát, cần quy định rõ trong Luật vấn đề này, tránh bị lạm dụng.
Về thời điểm thông qua dự thảo luật, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc thông qua sau khi cải cách tiền lương, Vì cải cách tiền lương là một chính sách lớn, khó và phức tạp, tác động mạnh tới nhiều lĩnh vực, nhóm lao động khác nhau trên toàn xã hội, do đó cần có thời gian triển khai cải cách tiền lương để điều chỉnh, xử lý các vấn để phát sinh (nếu có) cho phù hợp với thực tiễn, tránh tình trạng Luật vừa thông qua lại phải rà soát, sửa đổi, do vậy đề nghị Quốc hội chưa thông qua tại kỳ họp thứ 7, xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 (thời điểm tháng 10-11 năm 2024).
Không chờ đến lúc người lao động thất nghiệp, phải rút BHXH một lần mới hỗ trợ
Nêu ý kiến, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) đề nghị khi xem xét các trường hợp rút BHXH một lần cần có quy trình đánh giá thêm việc phương án này đã đáp ứng được nhu cầu tài chính trước mắt của người lao động hay chưa; làm sao để người lao động cần phải cân nhắc giữa lợi ích và thiệt thòi khi rút bảo hiểm xã hội một lần; trường hợp bất khả kháng, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về tín dụng cho người lao động.
Đại biểu nhấn mạnh cần có chính sách tín dụng hỗ trợ cho người lao động từ trước chứ không chờ đến lúc người lao động thất nghiệp, phải rút BHXH một lần mới hỗ trợ.