(Tổ Quốc) - Hoạt động của Nhà văn hóa hiện nay ở một số nơi trên địa bàn Hà Nội chưa đồng đều, đang có nhiều vấn đề cần phải bàn và tháo gỡ.
Chưa đồng đều
Theo khảo sát của TP Hà Nội, đến quý I/2023, 30/30 quận, huyện, thị xã có Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao với 84 công trình Văn hóa - Thể thao ; 125/579 xã, phường, thị trấn có công trình Trung tâm Văn hóa - Thể thao, 4.656/5.469 thôn, tổ dân phố có Nhà văn hóa/điểm sinh hoạt cộng đồng, đạt tỷ lệ 85% . Như vậy vẫn còn nhiều nơi chưa có nhà văn hóa đáp ứng đủ tiêu chí cơ bản về cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Tại Hà Nội, vẫn còn nhiều nơi chưa có Nhà văn hóa đáp ứng đủ tiêu chí cơ bản về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thậm chí có nơi chưa có Nhà văn hóa
Cụ thể, đối chiếu quy định mẫu về tổ chức hoạt động và tiêu chí Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn (Thông tư 06/2011/TT-BVHTTDL và Thông tư 05/2014/TT- của Bộ VHTTDL) trong tổng số hơn 5.400 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng thôn, tổ dân phố hiện có hơn 1.300 nhà văn hóa đạt cả 3 tiêu chí (diện tích đất quy hoạch, quy mô xây dựng, trang thiết bị); hơn 2.100 nhà văn hóa chưa đạt tiêu chí về diện tích, quy mô xây dựng; 907 nhà văn hóa chưa đạt tiêu chí về trang thiết bị.
Mặt khác, trong nhóm các nhà văn hóa cần đầu tư xây dựng giai đoạn 2022 - 2025 có 373 nhà văn hóa có diện tích nhỏ hẹp, 315 nhà văn hóa xuống cấp nghiêm trọng, 73 nhà văn hóa đang mượn địa điểm sử dụng.
Riêng đối với các quận nội thành như Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Thanh Xuân… nhiều địa bàn "trắng" nhà văn hóa.
Đối với quận Hoàn Kiếm, dù một số nơi chưa có nhà văn hóa nhưng lại có rất nhiều thiết chế văn hóa cấp quốc gia của các bộ, ngành và đơn vị khác nhau như: Nhà hát Lớn Hà Nội, 4 không gian văn hóa sáng tạo (khu vực phố đi bộ Hồ Gươm và phụ cận; không gian đi bộ Phố cổ; không gian bích họa phố Phùng Hưng, phố Sách Hà Nội tại phố 19/12) Nhà hát Hồ Gươm , Rạp tháng 8, Rạp Công nhân, Rạp Kim Đồng... nên vẫn đáp ứng được nhu cầu thể thao, thưởng thức văn hóa nghệ thuật đỉnh cao của người dân nơi đây. Tuy nhiên khu vực này có mật độ dân cư đông, để tìm một địa điểm cho Nhà văn hóa đúng tiêu chuẩn trong bối cảnh hiện nay không đơn giản. Dù vậy nhu cầu sinh hoạt cộng đồng vẫn rất cần thiết.
Hiện nay nhiều nơi phát triển khu chung cư với mật độ dân cư khá đông, như ở quận Nam Từ Liêm, tuy nhiên vẫn còn tình trạng không có nhà văn hóa. Theo phản ánh ở tổ dân phố 6, phường Tây Mỗ thì nơi đây có 3 tòa nhà chung cư CT1, CT2, CT3 nhưng hiện không có nhà văn hóa mà phải sinh hoạt nhờ tại phòng sinh hoạt cộng đồng của tòa CT1. Cư dân CT1 cho rằng đây là tài sản riêng nên trong quá trình cùng sử dụng được yêu cầu phải đóng góp cơ sở vật chất.
Vẫn còn nhiều băn khoăn
Theo khảo sát của một số người dân thì thực trạng Nhà văn hóa đang có nhiều vấn đề cần xem xét, cân nhắc.
Tại Nhà văn hóa tại Tổ 11, phường Văn Quán (nằm trên phố Lương Ngọc Quyến), Hà Đông, Hà Nội đã từ lâu không hoạt động. Được biết trước đó, Nhà văn hóa này có kế hoạch đầu tư, xây to hơn nên bị rào lại và được thông báo là giải phóng mặt bằng để xây mới. Tuy nhiên từ đó đến nay thì khu vực này lại trở thành nơi đổ rác và không có những hoạt động diễn ra tại Nhà văn hóa nơi đây.
Còn tại khu vực tổ 18 phường Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội, thì theo phản ánh của người dân cho biết, xưa kia khi Nhà văn hóa chưa được xây mới, diện tích khu nhà còn bé thì khu sân khá rộng, trở thành chỗ vui chơi, thể dục thể thao của trẻ em và người cao tuổi. Tuy nhiên, từ khi Nhà văn hóa được xây mới to hơn, đẹp hơn thì cũng kéo theo phần sân rộng không còn nữa. Không rõ là công năng to đẹp của Nhà văn hóa có sử dụng hết không nhưng rõ ràng điều ai cũng nhìn thấy là các cháu không còn chỗ chơi, người già không còn chỗ tập thể dục ở bên ngoài.
Bên cạnh đó, một số nơi nhà văn hóa bỗng nhiên trở thành nơi để xe ô tô, tổ chức đám cưới ở bên trong. Không ít người dân tỏ ra không đồng tình vì cho rằng nhà văn hóa không có chức năng kinh doanh, tổ chức đám cưới với việc ăn uống, hát hò linh đình. Nhà văn hóa cũng không phải nơi để người đi xe tô tô gửi, vì như vậy sẽ chiếm hết diện tích vui chơi, thể thao của trẻ em và cộng đồng dân cư.
Có nơi Nhà văn hóa còn tình trạng bị biến thành nơi bán hàng mỗi khi phát lương hưu. Mỗi tháng vào những ngày phát lương hưu, người bán hàng đã tranh thủ bày các mặt hàng thiết yếu của đời sống như mắm, muối, nước rửa bát... mời chào. Không ít người chia sẻ rằng họ mua vì đỡ ngại, vì được mời chào nhiệt tình, vì cả nể... chứ thực lòng chưa muốn mua vì những thứ này ở nhà vẫn còn. Nhưng người bán hàng đã tận dụng và đánh đúng vào tâm lý người vừa lĩnh lương hưu xong, thường sẽ không quá suy tính trong việc mua bán lặt vặt, nhất là thứ trước sau cũng dùng đến. Tuy nhiên tình trạng này cũng khiến nhiều người cảm thấy không thực sự thoải mái, mà nói thẳng ra thì ngại.
Vì Nhà văn hóa là không gian sinh hoạt của cộng đồng, lại được đặt trong bối cảnh hiện nay có rất nhiều thay đổi trong nếp nghĩ, thói quen và đời sống xã hội. Do đó, xung quanh hoạt động của Nhà văn hóa hiện nay vẫn còn xảy một số tồn tại là điều khó tránh khỏi. Nhưng làm thế nào để dung hòa, thích nghi được với sự thay đổi thực tế trước những nhu cầu của con người với các hoạt động tại Nhà văn hóa nhằm phát huy hết giá trị vốn có là điều thiết thực, cần được bản thảo cũng như có giải pháp của các cấp chính quyền và người dân.