(Tổ Quốc) - Chuyển đổi số đang là xu thế mạnh mẽ không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Tham gia môi trường số cũng tiềm ẩn những rủi ro có thể xảy ra về quyền riêng tư, sự an toàn, bạo lực giới khi phụ nữ, trẻ em gái vẫn gặp khó khăn trong việc sử dụng và tương tác với công nghệ số. Cần có những giải pháp để thúc đẩy bình đẳng giới trong thời công nghệ số là vấn đề đặt ra mang tính cấp thiết.
1/3 phụ nữ thế giới không được sử dụng internet
Theo thống kê của Liên hợp quốc, trên toàn cầu, 62% nam giới sử dụng internet, trong khi đối với nữ giới là 53%. 47% số phụ nữ trên thế giới hiện không sử dụng internet, phần lớn là phụ nữ và trẻ em gái ở các nước đang phát triển.
Ngay tại một số nước phát triển, phụ nữ dường như cũng bị bỏ lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số. Báo cáo của Ủy ban Kinh tế châu Âu của Liên hợp quốc cho biết, ở các nước Liên minh châu Âu (EU), cũng chỉ có khoảng 50% số phụ nữ từ 55 đến 74 tuổi có kỹ năng số cơ bản hoặc trên cơ bản.
Trong quá trình chuyển đổi số, ở các quốc gia đang phát triển, khoảng cách về kinh tế - xã hội diễn ra ngày càng sâu sắc, đặc biệt là đối với phụ nữ.
Báo cáo tương lai về việc làm tại Diễn đàn kinh tế thế giới chỉ ra rằng, cả nam giới và phụ nữ đều bị tác động tới việc làm trong xu thế chuyển đổi số, trong đó, xu hướng thất nghiệp nhiều hơn đối với nam giới trong các lĩnh vực mà nam giới chiếm ưu thế như sản xuất, xây dựng và lắp đặt; nhiều hơn đối với nữ giới trong các lĩnh vực nữ giới chiếm ưu thế như: việc làm ở các trung tâm chăm sóc khách hàng, lĩnh vực bán lẻ và hành chính, các quy trình giản đơn trong sản xuất.
Trong xu hướng phát triển này, con người dần được giải phóng sức lao động, một số công việc trước đây do con người đảm nhiệm, dần sẽ được máy móc làm thay, đặc biệt trong những ngành nghề sử dụng lao động giản đơn, thậm chí ngay cả một số công việc văn phòng cũng có xu hướng được giải phóng bằng cách tích hợp các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo trên các nền tảng số.
Báo cáo về bình đẳng giới của Liên hợp quốc cũng cho thấy, việc phụ nữ bị loại khỏi thế giới kỹ thuật số đã làm mất đi cơ hội tạo ra khoảng 1.000 tỷ USD cho GDP của các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trong thập niên vừa qua. Con số này được dự báo tăng lên 1.500 tỷ USD vào năm 2025, nếu thế giới không có giải pháp kịp thời.
Một nghiên cứu quốc tế chỉ ra rằng, nếu có thêm 600 triệu phụ nữ và trẻ em gái truy cập các dịch vụ trực tuyến trên khắp thế giới có thể dẫn đến GDP toàn cầu tăng 18 tỷ USD. Tuy nhiên, tính trung bình trên toàn cầu, phụ nữ sở hữu điện thoại thông minh thấp hơn 26% so với nam giới.
Đảm bảo phụ nữ không bị bỏ lại phía sau
Tại Việt Nam, theo điều tra mức sống dân cư năm 2021, tỷ lệ người dân được tiếp cận internet và điện thoại khá cao, song vẫn còn một khoảng cách giữa phụ nữ và nam giới. Tỷ lệ phụ nữ sử dụng internet là 70% so với nam giới là 78%; tỷ lệ phụ nữ sử dụng điện thoại là 87% so với nam giới là 93%. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), lao động nữ chiếm khoảng 37% lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam, cao hơn so với thế giới (25%). Tuy nhiên, phần lớn phụ nữ làm việc trong lĩnh vực công nghệ vẫn chủ yếu đảm nhiệm các vị trí khác như thử nghiệm, marketing, bán hàng, hành chính và nhân sự, hơn là các vai trò kỹ thuật như nhân viên phát triển phần mềm...
Có thể thấy, các chuẩn mực xã hội và kỳ vọng về vai trò của phụ nữ trong gia đình là một trong những rào cản đối với phụ nữ và trẻ em gái trong tiếp cận với công nghệ kỹ thuật số, dẫn đến giảm cơ hội về giáo dục và việc làm của họ trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Trong khi đó, công nghệ thông tin đang tác động làm thay đổi mô hình việc làm, một số công việc sẽ cần ít lao động hơn, trong đó lao động nữ bị ảnh hưởng nhiều hơn. Phụ nữ và trẻ em gái cũng là nhóm đối tượng dễ bị bạo lực trên môi trường mạng (như bị theo dõi, quấy rối)...
Nhìn nhận vấn đề này, Liên hợp quốc tại Việt Nam đã phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam tổ chức đối thoại chính sách với chủ đề: "Bình đẳng giới trong chuyển đổi số ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức". Tại đối thoại này, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho rằng: "Việc nhận thức rõ các vấn đề giới nảy sinh trong bối cảnh chuyển đổi số sẽ giúp các cơ quan chức năng liên quan hoàn thiện khung khổ chính sách, pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ và trẻ em gái có cơ hội tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực này. Do đó, việc nâng cao nhận thức về các cơ hội giáo dục và xóa bỏ khuôn mẫu giới trong chương trình giảng dạy, định hướng nghề nghiệp, đặc biệt là trong đào tạo các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) được xem là chìa khóa thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào chuyển đổi số. Thay đổi các kỳ vọng về khuôn mẫu giới trong nghề nghiệp, bao gồm cả việc thúc đẩy các hình mẫu phụ nữ tham gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số cũng sẽ tạo lực đẩy thôi thúc sự tự tin của phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Trang bị cho phụ nữ các kỹ năng và hỗ trợ họ chuyển đổi sang các hình thức việc làm liên quan kỹ thuật số là rất quan trọng để bảo đảm phụ nữ không bị bỏ lại phía sau".
Ðiều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, bà Pauline Tamaris cũng cho rằng: "Cần xem xét lại các tác động về giới trong đổi mới và công nghệ, đồng thời xác định các khuyến nghị để quá trình chuyển đổi kỹ thuật số ở Việt Nam bao trùm và bình đẳng hơn. Trong bối cảnh đó, Liên hợp quốc tại Việt Nam đưa ra một số đề xuất thảo luận như sau: Cần bảo đảm quan điểm giới trong các chính sách quốc gia về kỹ thuật và phân bổ nguồn lực để thực hiện đầy đủ; tăng cường giáo dục có chất lượng cho phụ nữ và trẻ em gái; dự đoán nhu cầu công việc và kỹ năng cần có trong tương lai; tăng cường thu thập dữ liệu và giải quyết bạo lực trên cơ sở giới trực tuyến".
Trước thực tế khoảng cách giới trong môi trường số ngày càng lớn, Liên hợp quốc đã chọn chủ đề Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 năm 2023 là "Kỹ thuật số cho tất cả mọi người: Đổi mới và công nghệ vì bình đẳng giới".
Theo Liên hợp quốc, công nghệ có thể nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái trên khắp thế giới theo nhiều cách, từ khả năng tiếp cận tốt hơn với giáo dục, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ tài chính, đến những con đường mới trong kinh doanh và khởi nghiệp. Tuy nhiên, bình đẳng giới không thể tự có mà cần được ưu tiên và theo đuổi.
Để dần xóa bỏ khoảng cách giới trong môi trường số, Liên hợp quốc kêu gọi các nước hành động để thu hẹp khoảng cách kết nối, nêu cao vai trò lãnh đạo của phụ nữ và bảo đảm thế giới trực tuyến trở nên an toàn hơn với phụ nữ và trẻ em gái./.
H.Hà
*Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL thực hiện