• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Để văn hóa thực sự trở thành một nguồn lực nội sinh mạnh mẽ

Văn hoá 24/08/2023 13:42

(Tổ Quốc) - Trên con đường đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nền văn hóa - văn nghệ của chúng ta vừa có thêm những cơ hội mới nhưng cũng phải đương đầu với nhiều thách thức mới, trong đó, gian nan nhất chính là tự đổi mới để vươn lên xứng tầm với dân tộc và thời đại mà không bị lạc đường chệch hướng, trong diễn biến phức tạp khôn lường từng ngày, từng giờ của cơ chế thị trường.

Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống Ngành Văn hóa (28.8.1945- 28.8.2023), Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đã chia sẻ với chúng tôi về vị trí, vai trò của văn hóa, văn học nghệ thuật hiện nay cũng như sứ mệnh của những văn nghệ sĩ trong sự nghiệp chấn hưng văn hóa dân tộc.

Để văn hóa thực sự trở thành một nguồn lực nội sinh mạnh mẽ  - Ảnh 1.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021,Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa, đó là: "Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn"

Trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế, đất nước ta đã phải đương đầu với những khó khăn, thử thách vô cùng to lớn và phức tạp. Nhờ vào bản lĩnh lãnh đạo của Đảng với đường lối chính trị đúng đắn và những chính sách, giải pháp sáng tạo, phù hợp, nhờ vào sự chung sức đồng lòng, nỗ lực của toàn dân mà con thuyền cách mạng Việt Nam đã vượt qua được mọi ghềnh thác hiểm nguy. Sự nghiệp đổi mới của Đảng và nhân dân ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trong đó có đóng góp của giới văn nghệ sĩ trí thức. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định "xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam" là một trong những phương hướng chiến lược cơ bản của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới.

Một trong những chức năng quan trọng của văn học nghệ thuật là chức năng giáo dục. Trong đó, giáo dục, bao gồm cả giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường giáo dục xã hội là phương thức, giải pháp và là môi trường quan trọng nhất. Thông qua giáo dục mà các giá trị cốt lõi của xã hội, của dân tộc, của nhân loại được nhận thức, thẩm thấu, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và lan tỏa trong xã hội, đồng thời thông qua giáo dục những giá trị tốt đẹp như phù sa của những dòng sông, không ngừng bồi đắp, nuôi dưỡng nhân cách của từng cá nhân và toàn thể cộng đồng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra sứ mệnh cao cả của văn hóa từ năm 1946 là "soi đường cho quốc dân đi" tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất.

Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ đầy gian khổ, nhiều mất mát, hy sinh của dân tộc, giới văn nghệ sĩ nước nhà đã luôn đồng hành cùng toàn dân, dũng cảm hy sinh để tạo ra một giá trị tinh thần to lớn với hàng nghìn tác phẩm văn học nghệ thuật, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những thành tựu to lớn, toàn diện và những đóng góp có tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của giới văn nghệ sĩ đối với sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, xây dựng chế độ mới trong suốt 30 năm (1945-1975), đã được Đảng và nhân dân Việt Nam trân trọng ghi nhận.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, nền văn hóa Việt Nam nói chung và nền văn học, nghệ thuật Việt Nam nói riêng dù còn nhiều bước thăng trầm đáng ghi nhớ nhưng cũng đã có những bước chuyển mình sâu sắc, mạnh mẽ và khá toàn diện, cũng như những bài học bổ ích đáng suy ngẫm.

Nhìn lại gần bốn thập kỷ đổi mới đất nước, chúng ta có thể thấy rằng đó là chặng đường đầy chông gai, khó khăn, phức tạp bộn bề, có cả những thách thức sống còn đối với vận mệnh của quốc gia, của chế độ. Vượt qua tất cả những thách thức, hiểm nguy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta đã làm nên những kỳ tích mới, như sự khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

Để văn hóa thực sự trở thành một nguồn lực nội sinh mạnh mẽ  - Ảnh 2.

Tuy nhiên, dưới tác động của những mặt trái cơ chế thị trường, nền văn chương, nghệ thuật nước nhà dường như có những bỡ ngỡ, lúng túng và bị động trong quá trình hội nhập quốc tế, trong việc tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu thêm đời sống văn hóa của nhân dân, tăng cường "kháng thể văn hóa" của dân tộc. Do đó, việc tiếp thu ảnh hưởng văn hóa bên ngoài nhất là trong các lĩnh vực giải trí, âm nhạc, điện ảnh, báo chí, mạng xã hội... của một bộ phận không nhỏ dân cư, đặc biệt là giới trẻ, đang chạy theo xu hướng xô bồ, khiến môi trường văn hóa nghệ thuật nước nhà bị xâm thực khá nghiêm trọng. Trong khi đó, chúng ta lại chưa có những giải pháp đủ mạnh và hiệu quả để quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam trên trường quốc tế, để văn hóa góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia.

Nói như thế không có nghĩa chúng ta hoàn toàn phủ nhận những nỗ lực, thành tựu và đóng góp của giới văn nghệ sĩ nước nhà vào sự nghiệp đổi mới của dân tộc, mà chỉ muốn nhìn thẳng vào sự thật, chỉ ra những hạn chế, những bất cập để cùng nhau phát triển.

Thực tế là trong những thập kỷ vừa qua, giới văn nghệ sĩ nước nhà cũng không ngừng nỗ lực, tìm tòi, thử nghiệm, cố gắng tìm ra hướng đi mới, cách tiếp cận mới, những ngôn ngữ nghệ thuật mới phù hợp hơn với yêu cầu mới của xã hội và thời đại.

Nhiều thử nghiệm thành công trong các lĩnh vực như: sân khấu, ca nhạc, điện ảnh, mỹ thuật, múa... Có rất nhiều thử nghiệm táo bạo, có thử nghiệm thành công và có cả thử nghiệm chưa thành công nhưng văn nghệ nói chung và giới văn nghệ sĩ nước nhà luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm.

Để văn hóa thực sự trở thành một nguồn lực nội sinh mạnh mẽ  - Ảnh 3.

Trong những thập kỷ vừa qua, giới văn nghệ sĩ nước nhà cũng không ngừng nỗ lực, tìm tòi, thử nghiệm, cố gắng tìm ra hướng đi mới, cách tiếp cận mới, những ngôn ngữ nghệ thuật mới phù hợp hơn với yêu cầu mới của xã hội và thời đại (ảnh minh họa)

Năm 1998, Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) đã ban hành Nghị quyết về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc". Đây có thể coi là bản cương lĩnh văn hóa mới của Đảng, mở đường cho sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Tiếp theo, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Mục tiêu của Nghị quyết nêu rõ: Tập trung mọi nguồn lực xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nhân cách con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về chân, thiện, mỹ của các tầng lớp nhân dân; phục vụ có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam một cách toàn diện cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu loại hình, có các thế hệ nối tiếp nhau vững chắc, có tình yêu Tổ quốc nồng nàn, gắn bó sâu sắc với nhân dân, với sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo, có năng lực sáng tạo phong phú, đa dạng, đoàn kết, gắn bó cùng phát triển trong cộng đồng các dân tộc anh em trên đất nước ta.

Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, bảo đảm yêu cầu phát triển của lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.

Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước tiếp tục được khẳng định mạnh mẽ trong Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014, Hội nghị lần thứ IX, BCH Trung ương Đảng khóa XI: Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Và gần đây nhất tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc quốc, ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa, đó là: "Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn"...

Để văn hóa thực sự trở thành một nguồn lực nội sinh mạnh mẽ  - Ảnh 4.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân- Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam

Để văn hóa nghệ thuật Việt Nam phát triển, đạt nhiều thành tựu to lớn hơn, có những đóng góp tương xứng hơn với kỳ vọng của Đảng và Nhân dân trong nỗ lực chung xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thấm nhuần tinh thần dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học cần các giải pháp:

Trong đó, cần đặt toàn bộ sự nghiệp phát triển văn hóa nghệ thuật Việt Nam vào trong Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa quốc gia. Công nghiệp văn hóa là một phần của kinh tế thị trường và nguyên tắc số 1 là phải tuân thủ quy luật của kinh tế thị trường. Chỉ có làm như vậy mới đưa đời sống văn hóa, nghệ thuật thâm nhập sâu vào kinh tế thị trường và khi chịu sự sàng lọc, cạnh tranh của kinh tế thị trường thì chúng ta mới có thể mang lại đời sống mới, sức sống mới cho văn học nghệ thuật, làm cho lĩnh vực này thực sự vị nhân sinh, sống trong đời sống và nói tiếng nói của cuộc sống.

Tuy nhiên, không thể quên được rằng nền kinh tế thị trường ở Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, và nền văn hóa Việt Nam phải đảm bảo tính tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Điều đó có nghĩa là chúng ta không một phút nào được phép thả nổi toàn bộ lĩnh vực công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo cho sự điều tiết tự phát của kinh tế thị trường mà cần phải nghiên cứu và khu biệt những phân khúc của từng loại hình nghệ thuật, từng nhóm, loại chủ đề, vấn đề và nhóm văn nghệ sĩ để có phương án tổ chức, lãnh đạo, quản lý, hỗ trợ đầu tư… Những ngành mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh và phát triển thì Nhà nước cần định hướng và can thiệp vào những phân khúc như nghiên cứu, phát triển thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, phát triển thị trường, ưu đãi về vay vốn, thuế khóa…

Đối với sáng tác văn học nghệ thuật, những nhóm chủ đề trực tiếp liên quan đến bảo vệ nền tảng tư tưởng, chính trị, chủ quyền thống nhất quốc gia - dân tộc, đến các giá trị cốt lõi của văn hóa - con người Việt Nam thì cần được tập trung đầu tư, hỗ trợ tối đa các điều kiện để bảo đảm có những tác phẩm có chất lượng văn chương nghệ thuật cao. Đối với những chủ đề khác thì nên khuyến khích bằng các hình thức vinh danh, khen thưởng, hỗ trợ bảo hộ quyền tác giả, phát triển thị trường để thực sự trở thành những sản phẩm công nghiệp văn hóa có sức sống và sức cạnh tranh cao.

Mặt khác, cũng cần nghiên cứu để có những giải pháp có tính chất nguyên tắc để bảo vệ người đọc, người nghe, người xem, người hưởng thụ trước những sản phẩm văn chương, nghệ thuật không phù hợp, độc hại, nhất là những sản phẩm nhập ngoại.

Trong tiến trình hội nhập và toàn cầu hóa, dù chúng ta phải tôn trọng những nguyên tắc của kinh tế thị trường nhưng vẫn phải có những biện pháp để bảo vệ và phát triển thị trường quốc nội "hòa nhập nhưng không hòa tan", bảo vệ "sức sáng tạo" cho văn học, nghệ thuật Việt Nam, tránh việc nhập khẩu xô bồ, ào ạt các sản phẩm công nghiệp văn hóa ngoại bang, thiếu sự chọn lọc, "gạn đục khơi trong". Bên cạnh đó, phải tăng cường năng lực hưởng thụ tác phẩm văn học, nghệ thuật của các tầng lớp nhân dân Việt Nam.

Giải pháp thứ hai là về giáo dục. Giáo dục là biện pháp hữu hiệu nhất, bền vững nhất để gây ảnh hưởng, tác động lên hệ giá trị, nền tảng đạo đức, lối sống cũng như thái độ và ứng xử văn hóa của con người. Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục quốc dân. Trong quá trình đó, những môn học liên quan đến văn học, nghệ thuật đã được quan tâm, đổi mới hơn rất nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, giáo dục văn học, nghệ thuật ở môi trường gia đình và xã hội thì còn đang tồn tại rất nhiều khó khăn phức tạp, thậm chí đã và đang bị đầu độc rất nặng nề. Nhiều thế hệ cha mẹ trẻ hiện nay không còn biết hát ru, không còn thuộc ca dao, cổ tích, bởi họ vốn lớn lên bằng truyện tranh Nhật Bản, nhạc và phim nhập khẩu từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ... hoặc đơn giản là họ không còn có thời gian cho giáo dục con trẻ. Trong xã hội thì game online, mạng xã hội và nhiều tác nhân khác, vì mục đích kiếm tiền, đã không ngừng nhả ra các "nọc độc" văn hóa. Nếu ở đó chúng ta còn tiếp tục buông lỏng quản lý, bỏ trống "trận địa" thì thực chất là chúng ta đã đầu hàng, chịu thất bại trong cuộc chiến không tiếng súng.

Để văn hóa thực sự trở thành một nguồn lực nội sinh mạnh mẽ  - Ảnh 5.

Việc cấp bách nhất là hoàn thiện thể chế để bảo đảm kỷ cương, tạo môi trường cho văn học, nghệ thuật Việt Nam có thể "khuyến thiện, trừng ác" theo chức năng nhiệm vụ cao cả của mình

Vì vậy, hiện nay, việc cấp bách nhất là hoàn thiện thể chế để bảo đảm kỷ cương, tạo môi trường cho văn học, nghệ thuật Việt Nam có thể "khuyến thiện, trừng ác" theo chức năng nhiệm vụ cao cả của mình.

Giải pháp tiếp theo cũng là giải pháp cốt lõi nhất, là chăm lo phát triển chính đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà trong điều kiện hiện nay. Suy cho cùng, mọi thành công hay yếu kém, thất bại của nền văn học, nghệ thuật nước nhà ngày nay đều khởi phát từ con người, do đội ngũ văn nghệ sĩ mà ra.

Phải nói ngay rằng yếu tố căn cốt nhất làm nên con người văn nghệ sĩ là nhân cách, tài năng và năng khiếu. Thiếu tài năng và năng khiếu thì dứt khoát không thể trở thành văn nghệ sĩ. Tài năng và năng khiếu của văn nghệ sĩ cần được phát hiện sớm, được chăm lo đào tạo, bồi dưỡng bài bản và chu đáo, rồi lại phải được bảo vệ, tôi luyện và trọng dụng trong môi trường thuận lợi thì mới phát huy được và mang lại lợi ích cùng những giá trị chân - thiện -mỹ cho xã hội. Vì vậy, chúng tôi tha thiết đề nghị Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương cùng toàn xã hội tăng cường những giải pháp mạnh mẽ để chăm lo đào tạo, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ - những "chiến sĩ trên mặt trận văn hóa".

Tóm lại, trách nhiệm và sứ mệnh của đội ngũ văn nghệ sĩ thật nặng nề song cũng rất vẻ vang trong công cuộc xây dựng "nền văn học nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", tiếp tục dấn thân, cống hiến hết mình cho đất nước và nhân dân. Mỗi văn nghệ sĩ, bằng những tác phẩm của mình phải góp thêm một tia lửa sáng tạo để thổi bùng lên ngọn đuốc trí tuệ thấm đượm tinh thần: Dân tộc - Dân chủ - Nhân văn – Khoa học, để văn hóa thực sự trở thành nguồn lực nội sinh mạnh mẽ, một lực lượng sản xuất trực tiếp, làm giàu có thêm, nhân ái thêm đời sống của nhân dân, góp phần đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển bền vững, phồn vinh và hạnh phúc./.

Hồng Hà (ghi)

NỔI BẬT TRANG CHỦ