• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đề xuất chế tài xử lý đặc biệt cho những trường hợp nhiều lần vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông

Pháp luật 30/01/2024 14:07

(Tổ Quốc) - Ngày 29/1, Cục Cảnh sát Giao thông - Bộ Công an phối hợp với Cục quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế tổ chức hội thảo "Tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông đường bộ".

Đề xuất chế tài xử lý đặc biệt cho những trường hợp nhiều lần vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông - Ảnh 1.

Quang cảnh Hội thảo

Một bộ phận người điều khiển phương tiện vẫn coi thường quy định

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho hay, ngay khi có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, Nghị định 100/2019 tạo được hiệu ứng lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân, giảm thiểu tai nạn giao thông.

Từ năm 2022 đến nay, với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng CSGT cả nước thực hiện quyết liệt việc xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn với phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có ngày nghỉ". Qua đó, bước đầu hình thành thói quen của người tham gia giao thông "đã uống rượu, bia thì không lái xe".

Tuy nhiên, Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh cũng cho rằng, vẫn còn một bộ phận người tham gia giao thông trong cơ thể có nồng độ cồn. Còn xuất hiện những vụ tai nạn liên hoàn, làm chết và bị thương nhiều người, gây tai nạn rồi bỏ chạy, chống lại người thi hành công vụ... xuất phát từ nguyên nhân tài xế có nồng độ cồn trong cơ thể.

Cũng tại hội thảo, Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT) - cho biết Việt Nam là nước có mức tiêu thụ rượu, bia và đồ uống có cồn đứng vào loại cao, thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới. Đối tượng sử dụng rượu, bia rất đa dạng, đủ các thành phần trong xã hội từ nông dân, công nhân, công chức, trí thức…

Đáng chú ý, tỉ lệ người từng sử dụng rượu, bia ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên ở nước ta đang tăng nhanh và ở mức rất cao. Một bộ phận người dân vẫn chưa nhận thức hết về tác hại của rượu, bia đến sức khỏe cũng như những ảnh hưởng liên quan của nó đến môi trường sống, kinh tế - xã hội.

Ông Nguyễn Quang Nhật nhận xét Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và Luật Giao thông đường bộ đã nghiêm cấm việc người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong cơ thể có nồng độ cồn.

Dù đã biết quy định này nhưng một bộ phận người điều khiển phương tiện vẫn coi thường pháp luật, coi thường tính mạng của bản thân và người khác, cố tình vi phạm, hậu quả là những vụ tai nạn giao thông hết sức thương tâm.

Đề xuất chế tài xử lý đặc biệt cho những trường hợp tái phạm nhiều lần

Theo TS Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia, các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, với cùng một người, số lượng bia rượu sử dụng khác nhau sẽ có những tác động đến nhận thức và hành vi khác nhau.

Tuy nhiên, hiện Nghị định 100 mới chỉ đang quy định mức xử lý vi phạm hành chính theo 3 mức: dưới 50mg/100ml máu, từ 50 mg đến 80mg/100ml máu và trên 80mg/100ml máu. Do vậy, cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật hiện hành theo hướng tăng mức xử lý vi phạm hành chính theo mức độ nồng độ cồn trong máu.

"Hiện nay, mức xử lý vi phạm hành chính đã ở mức tương đối cao và tạo được sự răn đe rất là tốt. Tuy nhiên, khi chúng ta nhìn vào mức vi phạm ở trên mức 3 thì hiện nay các mức vi phạm đều xử phạt như nhau. Điều này chưa hoàn toàn phù hợp.

Một nguyên tắc trong xử lý vi phạm hành chính là xử phạt tương xứng với mức độ vi phạm. Bởi vậy, trên mức 3 chúng ta có thể tách ra với mức vi phạm cụ thể hơn, từ 80-160mg/100ml, thì có mức phạt cao hơn mức 3, mức từ 160-240mg/100ml chúng ta lại có mức phạt cao hơn nữa", TS Trần Hữu Minh nêu ý kiến.

TS Dương Khánh Vân, Cán bộ kỹ thuật Tổ chức y thế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, các nghiên cứu đã chỉ ra, 5-35% số người tử vong do tai nạn giao thông trên toàn cầu có liên quan đến rượu bia, và ở những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, có từ 33-69% lái xe bị thương nặng có sử dụng rượu bia. Hiện nay có rất nhiều quốc gia nghiêm cấm lái xe sau khi sử dụng rượu bia, tăng nặng mức xử phạt nếu có nồng độ cồn cao:

"Cần phải có chế tài gia tăng theo mức độ vi phạm, nồng độ cồn càng cao xử lý càng cao hơn nhiều và đặc biệt phải nhấn mạnh có những chế tài xử lý đặc biệt cho những trường hợp tái phạm nhiều lần. Ngoài phạt tiền, có thể có những hình thức khác như khóa cồn trên xe máy, giữ bằng lái xe. Rất nhiều quốc gia đã hình sự hóa về Luật định khi uống rượu bia khi lái xe như Trung Quốc", TS Dương Khánh Vân nói./.

770.679 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông trong năm 2023

Năm 2023, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 770.679 trường hợp người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ mà trong cơ thể có nồng độ cồn. Trung bình mỗi ngày CSGT phát hiện, xử lý hơn 2.100 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Gần đây nhất, trong 15 ngày đầu ra quân thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Giáp Thìn 2024, lực lượng CSGT đã phát hiện, xử lý 40.806 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (trung bình mỗi ngày xử lý hơn 2.700 trường hợp vi phạm).

Bảo Trân

NỔI BẬT TRANG CHỦ